Nghỉ lễ 30/4- 1/5: Nỗi ám ảnh HÀNH XÁC và CHẶT CHÉM 'đến hẹn lại lên'
Tin liên quan
Năm nào cũng vậy, sau dịp lễ, truyền thông, báo chí nhắc nhiều đến nạn “chặt chém”. Thậm chí, trên những trang facebook cá nhân, mạng xã hội những “thượng đế” thi nhau đưa các hình ảnh, bằng chứng để “tố” về nạn “chặt chém” ở điểm du lịch mà họ vừa trải qua.
Nào là ăn 1 trả tiền 3, khách thắc mắc thì chủ quán thản nhiên trả lời: “Đó là biểu giá cũ, nhà hàng chưa kịp niêm yết giá mới”. Lỡ ăn rồi biết làm sao, khách chỉ có thể nuốt “cục nghẹn” trả tiền mà ra về trong “thanh thản”.
Bờ biển chật chội kín khách
Giá của một phòng nghỉ "Double" ngày thường của một khách sạn tiêu chuẩn khoảng 350.000 - 400.000 đồng/phòng/đêm thì nay tăng lên đến 1 triệu đến 1,2 triệu đồng. Giá cả mặt hàng ăn uống, phòng nghỉ biến động như "biểu đồ hình sin" (hạ giá thấp xuống đến mức có thể hồi đầu tháng 4 rồi sau đó bùng nổ ồ ạt tăng giá trong hai ngày 30/4; 1/5 này). Biết vậy mà các “thượng đế” vẫn “tình nguyện” bị “chém đẹp” vào dịp nghỉ lễ này.
Thế mới hay, dịp nghỉ lễ lớn đồng nghĩa với lượng du khách đông nghìn nghịt đổ về các điểm thăm quan, du lịch. Tìm được một quán ăn ngon, một điểm dừng chân thoáng đãng, phục vụ tốt bỗng khó như… mò kim đáy biển.
Kể cũng lạ, đến hẹn lại lên, tình trạng “chặt chém” diễn ra công khai ở nhiều điểm du lịch, ai cũng biết mà vờ như không biết. Chẳng lẽ, cả năm có mấy ngày nghỉ mà lại chui trong phòng bật điều hòa đọc ngôn tình chăng? Cũng vì tâm lý, cả năm có một dịp nghỉ lễ dài ngày nên nhiều người muốn được tận hưởng, được đi du lịch. Và đó cũng là lý do vì sao nạn “chặt chém” có đất sống.
Các công viên chật cứng người.
Lạ kỳ, ai đi chơi về cũng ca thán bị “chặt chém”, thậm chí nhiều người còn bức xúc chửi thề. Nhưng rồi, sang năm sau, năm sau nữa, cũng dịp nghỉ lễ này, họ lại tiếp tục bị… “chém đẹp”. Chẳng lẽ, chẳng ai rút ra “sợi dây kinh nghiệm” cho mình?
Thực tế là sau nhiều lần trở thành ‘con mồi”, nhiều “thượng đế” cũng đã khôn ra. Họ tẩy chay những điểm du lịch làm ăn kiểu chụp giật, chặt chém. Đã có không ít công dân ở Hà Nội đã lựa chọn phương án an toàn- “nghỉ mát tại gia”.
Khi đó, những người này còn cảm thấy mình là người thông thái, họ không còn mơ màng lao đến các điểm du lịch hay “bay” đến các tỉnh xa dịp nghỉ lễ. Vì sao vậy? Đơn giản chỉ vì một lý do họ không muốn đi “hành xác” rồi bị “chặt chém” và trở về than thân, trách phận.
Nói đến chuyện “hành xác” thì không cách nào dễ bằng đi du lịch kỳ nghỉ lễ. Bến tàu, bến xe chật như nêm. Các hãng hàng không thì ‘quá tải”, liên tục delay khiến khách “vàng mắt” ngồi đợi.
Trên thế giới, người ta cũng điểm mặt những “kỳ nghỉ hành xác” nhưng đó là những kỳ nghỉ mà chắc hẳn ai muốn dành những ngày nghỉ quý giá của mình một lần để trải nghiệm đó là: trượt tuyết ở Bắc Cực hay dầm bùn ở Amazon... Đây là những kiểu “hành xác” mang tính trải nghiệm, chinh phục sức mạnh của bản thân chứ không phải kiểu hành xác vì chen lấn, xô đẩy khi đi du lịch ở xứ ta.
Các điểm xếp hàng mua vé cáp treo, ga tàu hỏa leo núi cũng quá tải.
Dịp lễ, khách du lịch đổ về, tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp cả chục lần ngày thường. Điều này đã đẩy giá cả hàng loạt dịch vụ tăng một cách chóng mặt. Giá các khách sạn, nhà nghỉ tăng 100 - 200% song vẫn “cháy” phòng, nhiều du khách phải ngủ ngoài vỉa hè, lề đường, phải xếp hàng dài để đi vệ sinh. Có ai tin nổi, đi “hành xác” hay đi du lịch?
Du lịch vốn là cái thú cho việc nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày lao động mệt nhọc. Nhưng xem ra, ở xứ ta, “du lịch nghỉ dưỡng” lại trở nên quá xa xỉ. Còn nhớ, báo chí đăng tải hình ảnh bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) dịp nghỉ lễ, lượng khách đông nghẹt, người với người chỉ cách nhau chừng gang tay. Mặt biển đục ngầu, rác xả khắp nơi. Đi tắm biển về, nhiều người lại mắc thêm bệnh da liễu.
Nghỉ lễ, người người, nhà nhà cùng nhau đổ xô rời thành phố về quê hay đi du lịch. Tại các bến tàu, bến xe, hình ảnh chen chúc, xô đẩy khiến nhiều người “ủ rũ như tàu lá chuối”. Chờ đợi, chờ đợi đến… phát ngất.
Trung tâm thương mại chen chúc
Chưa hết, đi du lịch đúng thời điểm nhà nhà đi chơi khiến nhiều người “mải vui” mà mất cảnh giác. Thế là, đồ đạc, tiền bạc cũng “không cánh mà bay’. Để rồi, ngậm ngùi kết thúc kỳ nghỉ trong sự bực dọc, bức xúc.
“Hành xác” và “chặt chém”, nỗi ám ảnh của nhiều người nhưng vì sao vẫn có nhiều người lựa chọn dịp nghỉ lễ để hưởng trọn kỳ nghỉ "hành xác"?
Diệp Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất