Nói với con về "chuyện ấy"

2015-08-30 14:38
- Giáo dục giới tính là chuyện quan trọng vô cùng, nhất là khi trẻ đến tuổi dậy thì; thế nhưng ít bậc cha mẹ quan tâm đến điều đó...

Năm 12 tuổi, tôi bắt đầu có kinh nguyệt. Lần đầu tiên bị chảy máu như vậy, đối với một đứa trẻ như tôi thật không khỏi lo sợ. Tôi không bao giờ quên cái cảnh cứ nằm khóc tu tu một mình, nghĩ mình sắp chết rồi. Đến khi mẹ về phát hiện ra mới cười ngặt nghẽo và giải thích cho tôi đấy là hiện tượng kinh nguyệt, báo hiệu tuổi dậy thì. Tôi cũng chỉ biết đến vậy vì mẹ có vẻ ngại nói về vấn đề này, sau đó, tôi chỉ biết chấp nhận nó hàng tháng và cũng chẳng tìm hiểu gì thêm.

Đó là câu truyện cách đây đã rất lâu, tôi cũng không bao giờ trách mẹ không giải thích rõ cho tôi về những chuyện đó, vì thời điểm đó nói chuyện về giới tính nó còn là cái gì đó xa lạ với các bậc phụ huynh. Thường chúng ta phải tự tìm hiểu hoặc đến đâu biết đến đó. Nhưng ngày nay thì khác, khi thời đại phát triển hơn, tư tưởng con người phóng khoáng hơn thì giới tính còn trở thành chủ đề "hot" với các em học sinh và cả phụ huynh. Không còn suy nghĩ lo lắng sẽ "vẽ đường cho hươu chạy" nữa, mà phải là "cần vẽ đường cho hươu chạy đúng".

Nói với con về

Nhớ ngày học lớp 5, khi nằm ngủ cùng nhau chị gái tôi còn bảo: "Em lùi ra đi, chạm vào nhau có bầu đấy!", tôi cũng nghĩ là thật. Cũng chẳng trách được vì có được ai hướng dẫn hay nói chuyện về vấn đề giới tính đâu. Internet thì chưa phát triển nên chuyện đó chắc không phải chỉ mình tôi mắc...

Giờ đây, ngoài việc sớm được tiếp cận thông tin từ nhà trường, học sinh có thể dễ dàng tìm hiểu mọi thắc mắc thông qua mạng internet. Nhưng tôi không muốn con mình phải biết những vẫn đề về giới tính qua các kênh thông tin đó. Ngay từ nhỏ tôi đã hướng dẫn con những điều cơ bản về giới tính phù hợp với từng độ tuổi, nói với con về những thay đổi sắp xảy ra trên cơ thể con. Khi cháu tự đi vệ sinh, tôi hướng dẫn con phải dùng giấy lau từ trước ra sau, để đảm bảo vệ sinh cho cơ quan sinh dục, rồi cũng luôn dặn con không được dùng tay nghịch vào đó. Trẻ em rất tò mò, có lần con tôi ngây thơ hỏi: "Mẹ ơi sao ti con bé thế này, sao không giống của mẹ?".

Nói với con về

Vậy đấy, các mẹ đừng cười hay đừng ngại mà không trả lời con trẻ. Khi con bắt đầu có bất cứ thắc mắc gì, tôi luôn trả lời con và nói cho con nghe về sự thay đổi đó. Lúc con biết nhận thức mẹ cũng cần chú ý ăn mặc ở nhà cũng như đi làm, đi chơi. Mẹ luôn chỉn chu, gọn gàng và phải kín đáo để các con sẽ nhìn đó mà học theo. Còn nhớ, có lần lót khi cho con ăn, lúc cúi xuống con bé chỉ vào tôi và hét lên: "Mẹ hở ti kia!!!" - Cũng may nhà không có khách, tôi chỉ biết vội vàng nói: "Ôi mẹ xin lỗi nhé, mẹ quên chưa thay áo". Từ đó tôi không bao giờ ăn mặc hớ hênh trước mặt con bé. Những việc đơn giản nhưng có thể ảnh hưởng đến thói quen của trẻ sau này. Hay việc người lớn có thói quen hay cổ vũ những đứa trẻ ôm nhau, hôn nhau, tôi không đồng tình việc đó. Dẫu biết bọn trẻ con ngây thơ không hiểu hết ý nghĩa việc làm đó, nhưng những cử chỉ âu yếm đó rất có thể tác động vào tâm lý bọn trẻ, chúng sẽ nhớ rằng làm thế được người lớn cổ vũ. Hiện giờ đâu thiếu hình ảnh các em bé cấp 1 mặt búng ra sữa chụp ảnh ôm hôn nằm ngủ với nhau. Vì vậy ngay từ bé chúng ta nên cho trẻ hiểu hành động nào là chấp nhận được và hành động nào không phù hợp lứa tuổi.

Nói với con về 'chuyện ấy'

Tuy vậy ngày nay vẫn nhiều bố mẹ không nói với con về những chuyện liên quan đến giới tính, tình dục. Một phần vì ngại, một phần vì họ quá bận không có thời gian dành cho con, và coi chuyện đó không quan trọng. Tôi thì nghĩ nên đưa giới tình thành một môn học nghiêm túc trong trường học từ cấp 1. Trẻ con nên ngủ tách bố mẹ từ sớm để tránh việc trẻ bắt gặp chuyện riêng tư của bố mẹ, đồng thời nên nói chuyện với trẻ về cả tình dục. Khi con mới học lớp 4 tôi đã nói về kinh nguyệt với cháu, về những hiện tượng, cách xử lý ra sao. Trang bị cho con những kiến thức cơ bản để con đón nhận lần kinh nguyệt đầu tiên không bị hoảng hốt, lo sợ mà đầy tự tin và tự hào vì mình đang bước sang giai đoạn mới. Quả thật lần nguyệt san đầu tiên con gái vui vẻ khoe với tôi: "Mẹ ơi con đã bắt đầu thành người lớn rồi".

Khi bước sang giai đoạn này, không chỉ cơ thể thay đổi mà tâm sinh lý cũng thay đổi. Con bắt đầu khoá cửa phòng, hay ở trong phòng tắm hàng tiếng mới ra. Giai đoạn này nếu không được cha mẹ quan tâm kèm cặp rất dễ có những suy nghĩ lệch lạc. Tôi nói chuyện với con về việc sau khi có kinh nguyệt con sẽ có khả năng làm mẹ, rồi nói chuyện về việc làm sao có thai. Quả thật con bé có thật nhiều thắc mắc cũng giống tôi ngày xưa. Vì hay tâm sự với con từ bé nên con luôn coi tôi là người bạn thân để chia sẻ, để tư vấn. Tôi cũng không cấm con yêu sớm, mà chỉ nói cho con về những rung động đầu đời con có thể gặp. Con phải làm gì, con phải cư xử ra sao. Giờ có quá nhiều tấm gương về sự đi xuống đạo đức, lối sống buông thả của giới trẻ: sống thử, yêu và có bầu, và bỏ con, vứt con. Đau lòng khi ngẫm ra tất cả tại phụ huynh chúng ta, đã không hiểu không theo sát, hướng dẫn cho con những điều cần thiết nhất, đã để hươu chạy lung tung trong khu rừng đầy cạm bẫy. Trẻ con có quyền được biết về mọi sự thay đổi trên cơ thể, và cần được biết về cả tình dục an toàn. Hãy là những ông bố bà mẹ tâm lý, hãy là những người bạn cùng sẻ chia buồn vui. Hãy là bác sĩ tâm lý gỡ rối cho con mỗi khi chúng bế tắc, mẹ nhé!

Xem thêm

Có bầu có nên quan hệ không?

Mèo Hoa
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Dấu hiệu cảnh báo mắc ung thư phổi, nhiều người không ngờ đến