Trong nhiều tình huống khác nhau, với vai trò của người đàn ông, nhiều ông chồng đôi khi không tránh khỏi cảm giác "hụt hẫng" khi tiền chưa đến tay đã "hết sạch". Nhiều người không thoải mái vì phải chuyển hết tiền cho vợ trong tâm trạng không thật tự nguyện.
Thêm vào đó, do thói quen của các bà vợ như vậy, không ít ông chồng đã dần mất đi sự thoải mái trong việc giao tiếp với bạn bè hoặc tự tách biệt trong các hoạt động xã hội. Họ ngày càng cảm thấy cô đơn và tự cách ly, ảnh hưởng đến tâm lý, công việc và cuộc sống cá nhân.
Anh Nhật, một người đàn ông ở Quảng Trị, chia sẻ về câu chuyện của mình, tiết lộ rằng mỗi khi bạn bè, đồng nghiệp nói về tiền bạc, thu nhập, anh luôn chỉ cười trừ. Anh đã lâu nay luôn giao thẻ ATM cho vợ. Thậm chí, số điện thoại của vợ cũng được sử dụng cho các thông báo thay đổi số dư trong tài khoản. Mỗi tháng, vợ anh chỉ đưa anh 2 triệu đồng để đổ xăng, uống cà phê, tiêu vặt... Nếu thiếu tiền, anh phải xin thêm từ vợ.
Theo anh Nhật, từ khi mới cưới, vợ chồng anh thường xảy ra cãi vã, mâu thuẫn chỉ vì tiền bạc, chi tiêu trong gia đình. Cả hai đều làm công ăn lương, không có gì dư dả, đặc biệt là sau khi có con đầu lòng.
Tuy nhiên, anh Nhật cho rằng, bản thân anh cũng cần phải duy trì mối quan hệ, không thể ra ngoài mà không có tiền. Đôi khi, đi ăn với bạn bè và không đủ tiền trả sẽ khiến anh cảm thấy xấu hổ. "Việc phải xin tiền từ vợ, đặc biệt là tiền từ chính bản thân mình kiếm được, đem lại áp lực lớn. Mỗi lần phải xin tiền, tôi cảm thấy rất mệt mỏi," anh Nhật chia sẻ.
Cũng trong tình huống tương tự, anh Trí, 28 tuổi, ở Hà Nội, lên tiếng: "Tôi hiểu rằng vợ giữ tiền để vun vén cho gia đình, chăm sóc con cái. Tuy nhiên, việc vợ cầm tiền của chồng giống như bạo lực gia đình, khiến tôi phải phụ thuộc vào vợ. Mọi quyết định mua sắm đều phải được báo cáo trước."
Liên quan đến vấn đề này, Bác sĩ nội trú Vũ Thu Thủy, khoa sức Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện E cho rằng vấn đề ai giữ tiền trong gia đình sẽ có sự thỏa thuận trước đó. Việc vợ giữ tiền của chồng là điều rất bình thường nếu cả hai đã thống nhất. Khi đó, điều này không thể coi là bạo hành.
Tuy nhiên, bất kể ai là người giữ tiền trong gia đình thì đều cần có sự thống nhất tiền sẽ dành cho hoạt động gì. "Nếu chồng phải lập quỹ đen và tiêu tiền trong quỹ đó, vợ phát hiện và chỉ trích, cần phải xem lại sự tương tác giữa hai vợ chồng có đang thực sự ổn hay không? Vì ở đây không chỉ có chuyện quỹ đen mà còn là niềm tin và sự tôn trọng", bác sĩ Thủy nói.
Anh Chi (Tổng hợp)