Phát hiện ra bệnh của người chồng, bác sĩ yêu cầu gọi vợ đến cùng điều trị
Tin liên quan
Anh N.N.H., 31 tuổi, cư ngụ tại Hoàng Mai, Hà Nội, đã đến Bệnh viện Tâm thần Mai Hương để khám do luôn lo âu về các vấn đề trong đời sống. Anh và vợ có một cô con gái nhỏ và anh thường xuyên giúp đỡ vợ việc nhà. Đôi khi, anh phải tham gia các bữa tiệc của công ty hoặc đối tác. Khi trở về nhà, anh thường xuyên bị vợ chỉ trích, mắng mỏ. Cô vợ không ngần ngại sử dụng vật dụng để đánh anh khi tức giận.
Mới đây, sau một trận đá bóng, anh H. đã bị vợ tát mạnh. Mong muốn hòa thuận gia đình, anh đã chịu đựng. Khi vợ tức giận, anh thường ôm con gái hoặc đi ra ngoài để tránh mặt. Anh H. nhận ra rằng vợ mình ngày càng trở nên hung hăng và việc lạm dụng bằng lời nói và hành vi trở nên thường xuyên hơn. Anh cảm thấy kiệt sức từ công việc, giao tiếp với khách hàng và đối mặt với vợ.
Do đó, anh H. luôn cảm thấy căng thẳng, mất ngủ và lo lắng. Anh không thể tập trung vào công việc, cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và đã giảm 12kg, trông rất tiều tụy. Anh đã đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Sau khi khám tổng quát, bác sĩ không phát hiện tổn thương cơ thể và khuyên anh nên đi khám chuyên khoa tâm thần. Tại Bệnh viện Tâm thần Mai Hương, anh H. được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu và được chỉ định điều trị bằng thuốc cùng liệu pháp tâm lý.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mai Hương, cho biết trong quá trình điều trị cho anh H., bác sĩ đã yêu cầu gặp gỡ vợ anh. Cả hai vợ chồng đều cần được tư vấn tâm lý và hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, các bác sĩ cung cấp tư vấn để giúp vợ anh H. cải thiện cách ứng xử hàng ngày với chồng mình.
Trò chuyện với cặp đôi, người vợ chia sẻ cũng gặp áp lực khi vừa phải đi làm vừa chăm con. Trong khi đó, chồng lại thường xuyên tiếp khách hoặc nhậu với bạn. Theo bác sĩ Thu, trong cuộc sống gia đình, người đàn ông bị bạo hành gia đình chủ yếu là vấn đề lời nói. Người vợ không dùng vũ lực nhưng "ra đòn" tâm lý nặng nề hơn như mắng chửi, chì chiết hoặc thơ ơ không giao tiếp, ghẻ lạnh hoặc ép chồng phải làm những việc họ không mong muốn.
Nam giới lại có tâm lý phái mạnh, không đôi co, phản kháng lại cách ứng xử đó của vợ. Lâu dần, những đòn "tra tấn" tâm lý ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần rất lớn. Nam giới có thể tìm tới các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá thậm chí ma túy thế hệ mới để giải sầu, tăng nguy cơ rối loạn tâm thần hơn.
Người bị rối loạn lo lâu luôn lo lắng quá mức về các vấn đề trong cuộc sống, né tránh các tình huống gây lo âu, sợ hãi về bệnh tật, cái chết. Họ cũng hay cảm thấy bồn chồn, khó chịu, không tập trung, tim đập nhanh, dễ vã mồ hôi, run rẩy… Nếu không điều trị kịp thời, rối loạn lo âu có thể dẫn tới mất hứng thú với mọi việc, hình thành ý nghĩ tự sát.
Theo bác sĩ Thu, cách hạn chế bạo hành tâm lý tốt nhất là sự sẻ chia. Trong gia đình, người vợ hay chồng đều phải thẳng thắn trao đổi những vấn đề trong cuộc sống. Trong trường hợp không thể gỡ rối, họ có thể tìm tới các chuyên gia tâm lý, tâm thần để được hỗ trợ. Nam giới không được nghĩ rằng mình là đàn ông, không chấp phụ nữ nên im lặng. Khi bạo hành tâm lý kéo dài, gia đình không hạnh phúc và hay gặp các vấn đề về tâm thần kinh hơn.
Khánh Chi (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất