Những lời nói vô tình "cướp mất" tính lạc quan của trẻ (tt)

2016-05-21 13:00
- “Con tôi nó không giỏi vậy đâu” bạn nghĩ câu nói này thể hiện sự khiêm nhường và không làm trẻ kiêu ngạo? Thực ra chính bạn đang làm trẻ mất đi sự lạc quan trong tính cách đấy.

Bậc làm cha làm mẹ ai cũng hy vọng con cái lớn lên sẽ là người lạc quan và khỏe mạnh. Tuy nhiên trên thực tế, những quan niệm ăn sâu trong tiềm thức khiến không ít người vô tình trong lời nói hằng ngày, nhưng đó lại là “sát thủ” lấy đi sự lạc quan ở trẻ.

1. Khi bạn muốn khích lệ trẻ…

Bạn nói: “Bé ABC nhà bên cạnh làm được thế này… thế kia…”

Trẻ nghĩ: “Mình có làm tốt hơn thì bố mẹ cũng không nhìn thấy”

Mỗi đứa trẻ đều là độc nhất vô nhị, là cá thể riêng biệt, luôn so sánh trẻ với “con nhà người ta” sẽ khiến trẻ phản cảm và buồn bực vì cho rằng bố mẹ không xem trọng mình bằng những đứa trẻ khác. Lâu dần, trẻ cũng cảm thấy mình chỉ toàn khuyết điểm và mất đi sự lạc quan sống.

Bạn có thể nói: “Bố mẹ biết con vẫn đang cố gắng để tốt hơn…”

2. Khi bạn muốn trẻ chăm chỉ học tập…

Bạn nói: “Con cứ học kiểu đó thì sau này đi chỉ có đi chăn bò”

Trẻ nghĩ: “Tương lai của mình chắc sẽ rất thảm”

Thực tế có thể đây chỉ là câu nói đùa của người lớn nhưng trẻ sẽ thật sự để tâm trong lòng và cảm thấy áp lực. Trẻ còn nhỏ, chưa có khái niệm chuẩn xác về tương lai, vì vậy những “dự báo xấu” từ bố mẹ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tinh thần lạc quan của trẻ ngay từ lúc nhỏ.

Bạn có thể nói: “Chúng ta cùng thu dọn đồ chơi rồi mình cùng viết chữ, đọc sách nhé”

Những lời nói vô tình 'cướp mất' tính lạc quan của trẻ (tt)

3. Khi bạn giới thiệu trẻ với người khác…

Bạn nói: “Con nhà tôi xấu nết lắm, từng tuổi này còn tè dầm nữa cơ”

Trẻ nghĩ: “Bị người khác biết chuyện riêng tư của mình rồi, xấu hổ quá”

Trẻ cũng có lòng tự tôn cần được bảo vệ. Bạn nghĩ những tật xấu nhỏ của trẻ dù nói ra cũng không sao nhưng với trẻ điều đó giống như bị lộ nhược điểm của bản thân và bị chê cười, khiến trẻ mất tự tin trong giao tiếp.

Bạn có thể nói: “Đây là con trai/con gái tôi, nó biết làm cái này… cái kia… nữa anh/chị ạ”

4. Khi bạn muốn trẻ có lòng biết ơn…

Bạn nói: “Bố/mẹ bận rộn, vất vả thế này là đều vì con đấy”

Trẻ nghĩ: “Mình làm sao chắc cũng không thể báo đáp công ơn bố mẹ”

Nuôi dạy con cái nên người là trách nhiệm của bậc cha mẹ, trước khi trẻ trưởng thành, bạn cần dạy trẻ hiểu được lòng biết ơn nhưng không thể yêu cầu trẻ phải biết ơn. Khi trẻ còn nhỏ, còn chưa có khả năng báo đáp bất cứ ai, nếu bị áp đặt cho trách nhiệm nặng nề này sẽ là một áp lực cực lớn, khiến trẻ khó gánh lấy.

Bạn có thể nói: “Bố/mẹ đi làm về mệt quá, con rót cho bố/mẹ một ly nước nhé”

5. Khi trẻ có tiến bộ…

Bạn nói: “Lần này con đứng nhất lớp, con của bố/mẹ là giỏi nhất”

Trẻ nghĩ: “Nếu lần sau mình không đứng nhất, bố mẹ sẽ rất thất vọng”

Khen ngợi quá mức không những khiến trẻ sau khi bước vào xã hội sẽ phải đối mặt với thất vọng càng lớn, bên cạnh đó còn khiến trẻ không có năng lực đối diện với những khó khăn, thử thách của cuộc sống.

Bạn có thể nói: “Cho dù con có đứng nhất lớp hay không thì bố mẹ đều luôn yêu con, bố mẹ biết con đã luôn cố gắng”

Nguyệt Quế

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Thực hiện 3 bài tập này sau 2 tuần chân cột đình sẽ thon gọn ngay