Những lời nói vô tình "cướp mất" tính lạc quan của trẻ

2016-05-19 09:45
- “Con tôi nó không giỏi vậy đâu” - bạn nghĩ câu nói này thể hiện sự khiêm nhường và không làm trẻ kiêu ngạo? Thực ra chính bạn đang làm trẻ mất đi sự lạc quan trong tính cách đấy.

Sinh con ra, ai cũng mong muốn con lớn lên khỏe mạnh, vui tươi, cuộc sống đầy lạc quan tin tưởng. Tuy nhiên trên thực tế, những quan niệm ăn sâu trong tiềm thức khiến không ít người vô tình trong lời nói hằng ngày, khiến những lời nói trở thành “sát thủ” lấy đi sự lạc quan ở trẻ.

10 câu nói lấy đi tính cách lạc quan của trẻ - P1

1. Khi trẻ được khen…

Bạn nói: “Không đâu, không đâu anh/chị ạ, con bé/thằng bé nhà tôi không giỏi vậy đâu”

Trẻ nghĩ: “Trong mắt bố mẹ, mình thật sự rất kém cỏi”

Trẻ con tuy nhỏ tuổi nhưng hoàn toàn có khả năng quan sát thái độ của người lớn đối với mình một cách nhạy cảm, và trẻ sẽ xem đây là căn cứ để phán đoán và đánh giá lời nói cùng hành vi của bản thân mình. Vì vậy, khi trẻ được khen ngợi, bố mẹ không nên tỏ ra quá khiêm tốn mà gây tác dụng phụ. Nếu lời khen là khách quan và đúng đắn, hãy để trẻ hân hoan đón nhận, sự khẳng định từ bạn chính là động lực giúp trẻ nỗ lực để tiến bộ hơn.

Bạn có thể nói: “Cảm ơn anh/chị, chắc chắn con bé/thằng bé sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa”

2. Khi trẻ quyết tâm làm chuyện gì đó…

Bạn nói: “Con còn nhỏ, con chưa làm được đâu”

Trẻ nghĩ: “Lúc nào cũng bị ngăn cản, sau này không thèm làm nữa”

Luôn luôn phủ định năng lực và quyết định của con sẽ làm ức chế lòng tự tin vốn có của trẻ. Quan trọng hơn là sau này trẻ sẽ giao hết quyền quyết định cho bố mẹ, trở thành một người do dự, thiếu năng lực quyết đoán. Ở phạm vi cho phép, hãy để trẻ được tự mình trải nghiệm và cọ xát, đôi khi thất bại là bài học tốt nhất để trẻ trưởng thành hơn.

Bạn có thể nói: “Nếu con suy nghĩ kỹ rồi và có quyết tâm, hãy mạnh dạn thử, bố mẹ luôn ủng hộ và bên con”

Những lời nói vô tình 'cướp mất' tính lạc quan của trẻ

3. Khi trẻ đứng trước thất bại…

Bạn nói: “Đã nói từ đầu là con không được mà”

Trẻ nghĩ: “Biết thế sẽ không nói với bố mẹ làm gì”

Câu nói này của người lớn chỉ khiến làm mối quan hệ của con cái với bố mẹ dần trở nên xa cách hơn. Trẻ sẽ không tự nguyện chia sẻ với bố mẹ nữa vì nghĩ mình vốn không được tin tưởng và luôn bị cho là kém cỏi. Dần dần trẻ trở nên hoài nghi bản thân, mất đi sự tự tin và tinh thần lạc quan.

Bạn có thể nói: “Con đã làm rất tốt rồi, lần sau cố gắng hơn chắc chắn sẽ thành công”

4. Khi trẻ gặp khó khăn…

Bạn nói: “Sao con ngốc quá vậy”

Trẻ nghĩ: “Bố mẹ nói thế thì chắc mình ngốc thật”

Khi trẻ gặp phải trở ngại hay khó khăn, bố mẹ nên có thái độ bao dung và thấu hiểu hơn là chỉ trích năng lực của trẻ. Khi bạn phản ứng quá mạnh và mang tính tiêu cực đối với vấn đề trẻ đang gặp phải sẽ khiến trẻ sinh ra cảm giác khó chịu và buồn phiền trong tâm lý, đây là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến trẻ dễ trở thành người bi quan trong cuộc sống.

Bạn có thể nói: “Con đã làm tốt, hãy tiếp tục cố gắng, bố mẹ tin con và luôn ở cạnh giúp đỡ con khi cần”

5. Khi bạn muốn trẻ sửa đổi thói quen xấu…

Bạn nói: “Con mà tái phạm chuyện này nữa thì bố/mẹ sẽ…”

Trẻ nghĩ: “Con sẽ sửa theo ý bố mẹ nhưng con không thừa nhận mình sai”

Uy hiếp không thể khiến trẻ tâm phục khẩu phục. Thay vì “cưỡng chế”, hãy thử bằng lời hứa khác. Chẳng hạn trẻ đi siêu thị và không chịu về, bạn không nên nói: “Con không về, mẹ bỏ con luôn đó”, có thể đổi bằng: “Mình mau về nhà thôi, để còn xem hoạt hình nữa chứ”. Như thế vừa không khiến trẻ cảm thấy bị ép buộc mà còn giúp trẻ có khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo chiều hướng tích cực hơn.

Bạn có thể nói: “Nếu con không làm vậy nữa thì sẽ tốt hơn đấy, con sẽ được…”

Nguyệt Quế

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 cặp cung hoàng đạo này chính là một nửa hoàn hảo của nhau