Dùng đòn roi với con vì... bố mẹ quá bận rộn?

2016-03-27 14:56
- "Nhiều gia đình bố mẹ phải lo mưu sinh, thời gian dành cho con chỉ có ít thì cách nhanh nhất vẫn là roi thôi...". Bạn nghĩ sao về ý kiến này? Và hãy lắng nghe quan điểm của bà mẹ 2 con rất nổi tiếng - MC Minh Trang nhé!

Dạy con không roi chỉ "Phù hợp với nhà khá giả bố mẹ có nhiều thời gian chăm sóc con cái thôi, chứ còn nhiều gia đình bố mẹ phải lo mưu sinh thời gian dành cho con chỉ có ít thì dùng những biện pháp này e là khó. Cách nhanh nhất vẫn là roi...".

Suy nghĩ đó khiến mình dừng lại, nhìn ra xung quanh, nhớ lại hồi bé tí, thì đúng, đây đúng là một thực tế từ tuổi thơ của mình - những đứa 8x, và vẫn còn hiện diện cho đến tận bây giờ. 

Nhưng liệu nguyên nhân của việc dùng đòn roi cho những cơn khủng hoảng, ăn vạ của con có thực sự là do thu nhập gia đình (khá giả/không khá giả), công việc của bố mẹ (tốn nhiều thời gian, áp lực lớn) không?

Mình từng nói chuyện với nhiều bố mẹ trẻ, những người vẫn quyết định dùng roi vọt với con, thì phần đông trong số ấy có cùng 1 lập luận rằng "hồi xưa mình bé cũng bị quật suốt mà vẫn lớn khôn, vẫn nên người, chứ có thành trộm cắp giết người, thành kẻ đâm thuê chém mướn bạo lực gì đâu?". Có thể không thành một người ưa bạo lực, người xấu, nhưng có thể nếu không bị ăn roi, chúng mình có thể sẽ dạn dĩ như những người bạn học ở các quốc gia tiên tiến mà mình có cơ hội tiếp xúc khi đi du học ở Mỹ, tự tin hơn vào bản thân, dám nghĩ dám làm hơn, dám nói lên những điều mình suy nghĩ, không thờ ơ trước những việc bất bình... Có thể tất cả những lập luận trên đây của mình cũng không chính xác, vì những đứa như mình chẳng thể nào sống 2 cuộc sống để mà được thử xem liệu không bị đánh đòn thì bản thân mình sẽ tốt đẹp hơn ra sao...

Dùng đòn roi với con vì... bố mẹ quá bận rộn?

Nhưng các bố mẹ hãy thử dừng lại một chút và nghĩ mà xem. Ở cơ quan, nếu lãnh đạo, nhân viên của các bạn, đồng nghiệp của các bạn có ý kiến trái chiều, không tuân thủ, gây khó khăn phiền nhiễu cho bạn, liệu chúng ta có xông vào đánh nhau với họ không? Tương tự với bạn bè, anh chị em họ hàng... liệu các bạn có dùng nắm đấm với những người này không?

Mình đoán câu trả lời là không. Các bạn sẽ chọn cách đàm phán, thương lượng hay giảng giải, thuyết phục. Vậy TẠI SAO LẠI DÙNG ĐÒN ROI VỚI ĐỨA CON MÌNH DỨT RUỘT ĐẺ RA? Tại sao có thể chịu nổi ánh mắt rưng rưng, những tiếng khóc nấc không thành tiếng, ánh mắt sợ hãi đầy oán trách của con? Tại sao lại lấy lí do áp lực công việc, ít thời gian... để trút roi vọt lên con - những đứa trẻ chưa nhận thức được hết đúng sai, chẳng có khả năng phản kháng?

Mình nhớ như in cảm giác lúc bị ăn roi là SỢ. Sợ đau. Và lớn nhất là sợ bố mẹ. Khi bị ăn roi, các con có thể liên mồm xin lỗi, hứa hẹn "lần sau con không thế nữa" nhưng đó là lời hứa để không bị đánh, đó là biểu hiện của sự sợ hãi, chứ chưa hề nhận thức được thế nào là đúng, vì sao lại sai. Hành vi có thể được điều chỉnh nhưng các con sẽ hiểu rằng đòn roi hay lớn hơn là bạo lực, sẽ là cách giải quyết vấn đề. Bố mẹ con cái sẽ dần xa nhau. Con sẽ không dám nói lên suy nghĩ của mình, ngại chia sẻ. Những em bé dạn đòn sẽ càng gia tăng mức độ khủng hoảng, những trận đòn lại đau hơn, dài hơn, vết thương thể xác lẫn tinh thần cũng dần lớn hơn...

Mình chọn không roi vọt với con vì mình muốn biết và xử lý tận gốc nguyên nhân của khủng hoảng. Tất cả những khóc quấy, ăn vạ đều là biểu hiện bên ngoài của những nguyên nhân bên trong, những vấn đề có thật, những bất an nào đó. Nếu chỉ đòn roi, sẽ chỉ giải quyết được biểu hiện bên ngoài, nhưng vấn đề thực sự bên trong mình bố mẹ sẽ chẳng bao giờ tiếp cận được.

Dùng đòn roi với con vì... bố mẹ quá bận rộn?
Những quan điểm nuôi dạy con rất sâu sắc của MC Minh Trang được nhiều người tâm đắc.

Nuôi dạy con là cả một quá trình, chúng ta không thể kỳ vọng sự thay đổi tích cực từ phía con nếu bản thân bố mẹ không ngừng cải thiện và rèn luyện chính bản thân mình. Kiên nhẫn cũng phải luyện, tư duy coi con là bạn, là một thực thể độc lập, tôn trọng ý kiến của con, tôn trọng quyền được lắng nghe của con... cũng phải luyện. Mình đã từng là một người khá dễ nổi nóng, nhưng chính Daisy đã dạy cho mình kỹ năng giữ bình tĩnh và sự kiên trì. Điều này không chỉ giúp mình và Daisy trở thành 2 người bạn tốt, thân thiết, mà còn giúp ích cho mình vô cùng nhiều trong công việc, cuộc sống hôn nhân và các mối quan hệ xã hội. Mình lắng nghe nhiều hơn, có thái độ tích cực hơn với khó khăn, bình tĩnh hơn trước khủng hoảng, và có cái nhìn bao dung hơn với những lỗi lầm của người khác.

Mình có đọc được ở đâu đó rằng, không phải người xấu mà chính là sự thờ ơ đang dung dưỡng cho cái xấu. Không biết các bạn đã xem video clip một người đàn ông nước ngoài đã dừng lại, lên tiếng và ngăn một người đàn ông Việt đang đánh vợ không? Trong khi những người dân có mặt quanh đó chỉ đứng nhìn, họ chỉ nhảy vào can ngăn 2 người đàn ông mà không hề có bất kỳ động tĩnh nào khi chồng đánh vợ... Nghe có vẻ hơi xa xôi, nhưng mình tin đấy chính là sự khác biệt của 2 nền giáo dục. Mình muốn con mình lớn lên là những người có chính kiến, không ngại nói lên suy nghĩ của mình, không dung dưỡng cho cái xấu, và dám đấu tranh cho lẽ phải...

Vì thế mình chọn KHÔNG dùng đòn roi với con.

Mình chọn rèn luyện sự kiên trì và cái đầu bình tĩnh. Mặc dù không dễ, nhưng mình làm được và nhiều bố mẹ khác cũng làm được.

Theo FB Minh Trang

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Đến Seoul chụp ảnh ở đâu là đẹp nhất?