Overthinking: Món quà hay là lời nguyền?
Tin liên quan
Overthinking đã “ăn mòn” tôi mỗi ngày như thế nào?
Tim tôi nhảy lên khi nghe tiếng chuông báo thức của điện thoại. Ngay lập tức, tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn và vội vàng lấy điện thoại từ tủ đầu giường. Mấy giờ rồi? Tôi có trễ không? Tôi có nhận được cuộc gọi nhỡ nào không? Tin nhắn? Email? Tôi đã chuẩn bị cho ngày sắp tới chưa? Tôi có quên làm gì đó không? Một nhiệm vụ? Bài kiểm tra? Người mà tôi cần gọi lại? Tôi vẫn chưa tỉnh táo được một phút nhưng tôi đỏ bừng mặt, lạnh người, lo lắng và mong chờ điều tồi tệ nhất. Tôi cần phải xem qua danh sách kiểm tra trong đầu của mình - ai, cái gì, khi nào, ở đâu, tại sao và như thế nào khiến mỗi lo lắng của tôi trở nên phức tạp hơn - và đảm bảo rằng mọi công việc của tôi đều phù hợp để cuối cùng tôi có thể bình tĩnh lại.
Chẳng biết từ khi nào sự kích động như vậy lại trở thành thói quen buổi sáng của tôi, chỉ biết rằng tôi là một kẻ “nghiện” overthinking trong suốt khoảng thời gian mà tôi có thể nhớ được. Suy nghĩ quá nhiều đã ăn sâu vào cách sống của tôi, định hình cách tôi suy nghĩ và lập luận cũng như cách tôi tiếp cận vấn đề và nghĩ ra giải pháp. Trong suốt hành trình nỗ lực điều hướng việc suy nghĩ quá mức của mình và những hệ quả của chúng, tôi đã khám phá ra rất nhiều thứ về bản thân. Vì vậy, với tư cách là một “fan cứng” của overthinking, tôi không thể không tự hỏi: Liệu việc suy nghĩ quá mức của mình có phải là điều mà tôi nên tích cực nỗ lực để loại bỏ hoặc chấp nhận?
Quá trình lớn lên cùng người “bạn thân” overthinking
Khi còn nhỏ, người lớn luôn khen tôi là người chu đáo và biết lo xa, nhưng giờ tôi nhận ra những đặc điểm này là kết quả trực tiếp của việc thường xuyên lo lắng và hồi hộp. Đừng hiểu sai ý tôi - tôi thật may mắn khi nói rằng tôi đã sống một tuổi thơ tuyệt vời, nhưng tôi vẫn thường hay tự ám ảnh chính mình bằng những câu hỏi…trong tưởng tượng. Nếu mẹ tôi quên đón tôi sau giờ học thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi bị mắc kẹt một mình trong căn phòng kín? Những câu hỏi có vẻ hài hước, quá đáng và ngớ ngẩn nhưng với tôi như là điềm báo trước những gì sẽ xảy đến trong cuộc sống. Ấy vậy mà, tôi được coi là có năng khiếu, luôn nghĩ đến những khả năng xảy ra vấn đề và luôn đưa ra giải pháp cho từng vấn đề đó.
Khi tôi trưởng thành, bản chất overthinking của tôi “ăn lan” sang các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống, từ trường học đến đời sống xã hội, và thậm chí cả mối quan hệ với chính mình. Không còn những lo lắng đơn thuần như thuở đi học, tôi nhận thấy sự lo âu của mình dường như còn “sáng tạo” hơn, dù vậy tôi thường ngụy trang bằng vỏ bọc hài hước hoặc tỏ ra kiên cường. Lúc đi học, tôi luôn chứng tỏ mình là “con nhà người ta” trong truyền thuyết: luôn đạt điểm A và số điểm không bao giờ kém hơn 95/100, tham gia không sót một câu lạc bộ nào và chưa bao giờ khiến người xung quanh thất vọng.
Tuy nhiên trong khi những thành tựu mang lại cho tôi và những người xung quanh niềm tự hào, cũng chính chúng làm tăng sự kỳ vọng của người khác đối với tôi và cả tôi lên bản thân mình. Sự hoàn hảo không thể đạt được mà tôi đang cố gắng ép mình bắt đầu cản trở mọi hành động của tôi. Những sai lầm và những lúc khó khăn khiến tôi đau khổ vì một phần trong tôi không quen với việc không thể trở thành người giỏi nhất trong bất cứ việc gì tôi làm, mặc cho tôi đã cố gắng chấp nhận sự thật rằng sự hoàn hảo là chủ quan và thất bại là không thể tránh khỏi.
Đó có phải là lỗi của tôi khi nhượng bộ trước áp lực của người khác hay là lỗi của tôi khi ngay từ đầu đã tạo quá nhiều áp lực cho bản thân?
Những hệ lụy của việc “ăn nằm” cùng overthinking
Những dây thần kinh trong tôi bằng cách nào đó đã được khuếch đại và căng lên với những giả thuyết “nếu - thì” mà tôi tự đặt ra. Có thể đó là hệ quả của những yếu tố gây căng thẳng gia tăng trong cuộc sống hằng ngày, hoặc có thể là sự tích tụ của những cảm xúc dồn nén đã bào mòn tôi từ rất lâu trước đó. Nhưng tất cả những gì tôi nhớ là những đêm thức trắng, nhìn chằm chằm lên trần nhà chỉ để nhặt từng chi tiết nhỏ nhất trong ngày của mình.
Tôi đã làm gì đúng? Tôi đã làm gì sai? Tôi có thể làm gì khác đi? Tôi nhăn mũi khi phiên bản tiêu cực của chính mình đang gặm nhấm quá khứ và đay nghiến bản thân.. Tại sao tôi làm điều đó? Tại sao tôi lại nói vậy? Tại sao tôi không làm nhiều hơn? Chuyện gì xảy ra nếu…? Ngày mai sẽ như thế nào?
Những suy nghĩ trong đầu tôi cứ như những cơn sóng biển, liên tục và dồn dập, nhưng khác với sóng vỗ về một hướng thì chúng đập chan chát vào nhau. Đầu tôi thường nghĩ ra hàng loạt lập luận và sau đó tự phản biện lại chính mình. Tôi chấp nhận những suy nghĩ tiêu cực và thậm chí mặc định sứ mệnh của mình là trở thành một loại chuyên gia xã hội nào đó. Mong muốn đạt được thành tích quá mức của tôi không còn được thúc đẩy bởi niềm hạnh phúc và sự phấn đấu nữa mà là nỗi sợ thất bại.
Những câu hỏi mãi không có câu trả lời
Và đối với tôi, thất bại có nghĩa là bất cứ thứ gì tôi cho rằng thiếu sự hoàn hảo. Bộ trang phục hoàn hảo, cuộc trò chuyện hoàn hảo, điểm kiểm tra hoàn hảo, sự tương tác hoàn hảo trước công chúng, học sinh hoàn hảo, nhận thức hoàn hảo của người khác. Nhưng tại sao tôi lại quan tâm nhiều đến vậy? Tại sao tôi lại cho phép những suy nghĩ này đến với mình? Tại sao tôi lại đặt ra tiêu chuẩn vốn dĩ không thể đạt được này cho bản thân mình?
Không có câu trả lời nào cả. Bản thân bài viết này ra đời rõ ràng là kết quả của việc tôi đã “nhai đi nhai lại” trong đầu về xu hướng suy nghĩ quá mức của mình. Những cảm xúc mà tôi đã mô tả kỳ thực không xuất hiện rõ ràng trong cuộc sống cho đến khi tôi nỗ lực mổ xẻ và suy ngẫm chúng. Điều tôi biết là lối suy nghĩ như vậy đã trở thành một phần trong cách tôi vận hành, tiếp cận các tình huống, cách tôi định hướng cuộc sống và tìm ra giải pháp.
Không để overthinking “hút cạn” mình, tôi cũng “lợi dụng” được chúng
Việc trở thành một người suy nghĩ quá nhiều khiến tôi ít có khả năng rời xa con người mà mình muốn trở thành. Đến cùng tôi có thu lợi lạc gì từ overthinking không? Có chứ. Việc luôn lo lắng buộc tôi phải cân nhắc mọi tình huống và giải pháp có thể xảy ra trước khi hành động, đồng thời thắp lên ngọn lửa trong mình để cuối cùng giúp tôi đạt được điều mình muốn. Trên hết, một phần của việc trở nên “hoàn hảo” có nghĩa là không khuất phục trước những nỗi sợ hãi và để chúng cản trở những gì tôi muốn làm. Nhưng nó có lành mạnh cho sức khỏe tinh thần của tôi không? Không. Overthinking đã làm hao mòn năng lượng tích cực và chiếm từng centimet kẽ hở thời gian trong cuộc sống hàng ngày của tôi, đến mức theo thời gian chúng dần trở nên tự nhiên như một bản thể vốn có của tôi.
Nếu bạn đã đọc đến đây, hi vọng bạn cũng đồng cảm với câu chuyện của tôi và chia sẻ những trải nghiệm tương tự, vì vậy tôi chỉ muốn nhắn nhủ với bạn rằng: Tôi vẫn là một kẻ nghiện “overthinking”. Và mặc dù tôi đang nỗ lực tích cực để ngăn điều đó ảnh hưởng đến tâm trí và cách giao tiếp của mình với người khác, nhưng thực lòng tôi vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Những suy nghĩ sau cùng…
Tôi sẽ không biết nên khuyên bạn phải làm gì nếu bạn cũng không ngừng nhìn lên trần nhà vào ban đêm để suy ngẫm về từng sự việc xảy ra trong ngày, hay bạn cảm thấy cổ họng mình thắt lại khi nghĩ đến việc thất bại theo bất kỳ nghĩa nào, bạn cảm thấy khó chịu trong lòng, hoặc đau bụng khi bạn phát hiện ra rằng mức độ xuất sắc mà bạn đang cố gắng đạt được đơn giản là không thể. Tìm ra giải pháp để tận dụng overthinking và không sa đà vào nó là tùy thuộc vào cá nhân mỗi người.
Từng ấy năm “ăn nằm” cùng overthinking đã dạy tôi rất nhiều bài học, bao gồm cả việc mọi sự hoàn hảo đều chỉ ở mức tương đối. Thực ra overthinking khiến cho việc tự độc thoại và nghiền ngẫm về bản thân đôi khi thật tuyệt vời, nhưng cần vừa phải, có kiểm soát để nó không trở nên độc hại. Liệu tôi có nên cảm ơn overthinking như một loại ân huệ đã điều hướng bản thân tôi không lệch quỹ đạo trong suốt những năm tháng nỗ lực hay tôi nên ghét bỏ nó như một sự nguyền rủa khiến tôi mãi chẳng thể thoát khỏi bẫy suy nghĩ của chính mình? Còn bạn nghĩ sao, overthinking - món quà hay là lời nguyền?
Nghiêng Nhiên (Tổng hợp/ Theo The Michigan Daily)
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất