Phán xét người khác là tự làm tổn thương chính mình

Bình Yên 2023-11-04 11:36
- Thế giới xung quanh là tấm gương phản chiếu chính chúng ta và việc đánh giá ai đó không định nghĩa họ là ai – mà nó định nghĩa chúng ta là ai.

Kinh nghiệm của người tập thiền nhiều năm, ít nhiều giác ngộ đạo Phật đã cho tôi cái nhìn điềm tĩnh, sâu lắng trước mọi vấn đề. Vì thế, tôi không bị ảnh hưởng bởi đám đông. Càng không bao giờ đưa ra nhận xét khi chưa hiểu rõ ngọn nguồn. Kinh nghiệm sống mấy mươi năm ở đời đã cho tôi những bài học vô cùng thấm thía, sâu sắc: Đừng bao giờ nhìn nhận, đánh giá ai đó qua lời nói của người khác mà hãy bằng cách nhìn, cách thấy, cách trải nghiệm của chính mình. 

Ví như trước đây, thấy tôi kết bạn với anh A, chị B...một số người bảo: "Chú đừng chơi với họ. Họ ranh ma, khôn ngoan, xảo quyệt lắm. Người cả tin như chú, dễ bị lừa". Song thực tế, anh A, chị B ấy, bây giờ, lại trở thành tri kỷ, thành những người thân thiết nhất của tôi.

Kinh nghiệm sống mấy mươi năm cũng dạy cho tôi bài học: Đừng vội vàng phán xét bất kỳ điều gì về người khác vì chúng ta không thể biết được những gì họ đã trải qua. Bởi với tôi, cuộc đời mỗi người là một đại dương thăm thẳm, mênh mông. Cái mà chúng ta nhìn thấy, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Để mà khám phá hết nó, hiểu đúng về nó, khó vô cùng. Dành hết cả cuộc đời cũng chưa chắc khám phá hết nó. Bằng chứng là có những người sống cạnh mình cả đời như cha mẹ, vợ chồng, con cái...mà nhiều khi mình còn chẳng hiểu họ, nhiều khi mình còn hiểu sai về họ nữa là huống hồ là người ngoài. Thậm chí, ngay cả chính mình, nhiều khi mình còn không hiểu hết, hiểu đúng mình.

Thế giới xung quanh là tấm gương phản chiếu chính chúng ta và việc đánh giá ai đó không định nghĩa họ là ai – mà nó định nghĩa chúng ta là ai. Thông thường, những điều chúng ta ghét và phán xét ở người khác lại phản ánh những điều chúng ta không thể chấp nhận về bản thân mình. Do đó, những người thường xuyên phán xét thường là những người luôn cảm thấy bất an và thiếu hụt tình yêu thương, từ bi với chính mình.

Ví dụ, bạn khá nhút nhát và gặp một người rất hoạt bát, quảng giao. Phán xét của bạn có thể như sau: “Thật là một sự phô trương. Họ rất ồn ào và đáng ghét”. Bạn sẽ cảm thấy xấu hổ khi hành động giống họ, và đó có thể là biểu hiện của mặc cảm và/hoặc lòng tự trọng thấp. Vì không hài lòng với những khía cạnh đó của bản thân, nên bạn có xu hướng nhắm mục tiêu vào những người khác để khiến bản thân cảm thấy tốt hơn.

Vậy làm thế nào để hạn chế hoặc ngừng phán xét?

Ý thức được rằng mình đang phán xét

Bước đầu tiên để ngưng phán xét là ý thức được rằng mình đang phán xét. Để ý thức được điều này, chúng ta cần chú ý và quan sát những suy nghĩ của bản thân. Mỗi khi bắt gặp bản thân đang có thái độ phán xét ai hay điều gì, bạn hãy dừng lại và tự hỏi chính mình là tại sao mình lại muốn phán xét họ. 

Ngừng áp đặt tiêu chuẩn của bản thân lên người khác

Mỗi người trong chúng ta đều có những thành kiến nhất định. Và chúng ta luôn có nhiều cách để dồn người khác vào nhận định của mình và đưa ra giả thuyết về họ dựa trên khuôn mẫu hoặc định kiến ​​văn hóa. Hãy cố gắng nhìn nhận những thành kiến ​​​​và tiêu chuẩn của mình để có thể hiểu rằng kinh nghiệm sống và quan điểm của chúng ta về cuộc sống vẫn còn nhiều hạn chế. Đồng thời chấp nhận rằng những người đến từ nhiều nơi, với nhiều nền văn hóa, xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, sắc tộc khác nhau có thể không có cùng quan điểm với mình. Hãy luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của họ và xem xét mọi thứ từ khía cạnh của họ để có thêm những góc nhìn đa chiều.

Bao dung với người khác

Thực hành bao dung, đồng cảm và thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người, ngay cả khi họ có vẻ ngoài, suy nghĩ, phong cách, lối sống, cách giao tiếp hoặc hành động khác với bạn. 

Đồng cảm với người khác là khi ta rung cảm trước những vui buồn của người khác, đau khổ trước khó khăn của họ; hay nói cách khác cảm thấy cùng một cảm xúc với họ. Đồng cảm cũng là khi ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và nhận thức được những điều họ đang trải qua, những điều đã tạo nên con người họ, câu chuyện đằng sau những hành vi, xử sự của họ. Khi đồng cảm với người khác, thay vì có thái độ phán xét hay trách cứ họ chúng ta sẽ thấu hiểu và vị tha, bao dung hơn. 

Bình Yên (Tổng hợp/ Theo Tinybuddha)

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Tập luyện là một phần của cuộc sống!