Bạn có từng ‘bật’ sếp rồi hối hận vì 'giá như đừng lỡ lời'?

I Am NGA 2021-12-03 08:00
- “Bật” sếp dường như là hành động chỉ dành cho kẻ tự tin, thậm chí liều lĩnh và dám chấp nhận hậu quả. Suốt những năm tháng đi làm, bạn đã từng bật sếp chưa?

Sau một trận “bật” sếp tưng bừng, công việc ngồn ngộn vẫn phải hoàn thành, bạn vẫn không có dũng khí nghỉ việc, mối quan hệ với sếp trở nên xấu đi, vậy thì “bật” sếp để làm gì?

Lý do nào khiến bạn “bật” sếp?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhân viên “bật” sếp. Sự bất đồng quan điểm giữa sếp và nhân viên là điều khó tránh khỏi, đôi khi việc phản hồi, thậm chí tranh luận lại thúc đẩy hiệu quả công việc đi lên. Cũng có thể do nhân viên bất mãn với sếp và đã nín nhịn một thời gian dài cho đến khi “tức nước vỡ bờ”.

Dù thế nào, việc nhân viên bật lại sếp cũng dẫn đến những kết quả tốt xấu khác nhau.

Bạn có từng ‘bật’ sếp rồi hối hận vì giá như đừng lỡ lời

Đối mặt với những chỉ thị của cấp trên giao xuống, thông thường nhân viên sẽ có những cách phản ứng:

- Phục tùng tuyệt đối: cố gắng hoàn thành tất cả những việc sếp giao, bất chấp bản thân đang quá tải hay nhận ra yêu cầu của sếp có những điểm bất ổn.

- Cãi sếp bất chấp: nhăn nhó, khó chịu là phản ứng đầu tiên của những nhân viên nhóm này, cho rằng yêu cầu của sếp là bất khả thi, nhưng cuối cùng vẫn phải làm.

- Tẩm ngẩm tầm ngầm: không cãi nhưng cũng không cố gắng hết sức trong công việc, sếp giao việc gì cũng nhận rồi… đến đâu thì đến và họ trả lời sếp bằng một kết quả công việc không được như ý.

Trong đa số các trường hợp, có rất ít sự đối thoại thẳng thắn, lịch sự, rõ ràng trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau giữa nhân viên và sếp để công việc diễn ra thuận lợi, trôi chảy hơn.

Bạn có từng ‘bật’ sếp rồi hối hận vì giá như đừng lỡ lời

Bạn đã bao giờ cố gắng hiểu sếp chưa?

8 tiếng mỗi ngày bạn chỉ biết cắm mặt vào công việc, 6 ngày trong tuần như thế. Bạn cho rằng mình đã cống hiến hết sức rồi mà sếp lại chẳng hiểu gì về công việc của mình cả. Bạn là người làm trực tiếp, hơn ai hết bạn là người hiểu rõ nhất công việc mình làm. Thế nhưng, có bao giờ bạn tự hỏi vì sao sếp của bạn được ngồi lên vị trí đó? Nếu họ thật sự bất tài, vô dụng, liệu có thể làm sếp của bạn được không? Vậy thì thay vì ấm ức, trách móc sếp, hãy cố gắng hiểu sếp một chút.

Bạn chỉ cần hoàn thành công việc của mình, nhưng sếp là người quản lý nhiều đầu việc của nhiều con người khác nhau. Đôi khi sếp không thể sâu sát một cách chi tiết đến từng công việc nhỏ, thì bạn chính là người chịu trách nhiệm báo cáo, phản hồi, giải thích cho sếp hiểu.

Bạn có từng ‘bật’ sếp rồi hối hận vì giá như đừng lỡ lời

Bạn chỉ chịu áp lực từ cấp trên quản lý trực tiếp, nhưng sếp của bạn là người bị “kẹp” ở giữa, phải chịu sức ép từ cả lãnh đạo cấp cao hơn lẫn nhân viên cấp dưới. Nhân viên sai, người làm sếp là người đầu tiên hứng mũi chịu sào. Đôi khi ở vị trí quản lý, sếp bạn cũng rất cô đơn và cần được nhân viên thấu hiểu.

Đã biết “bật” sếp là vô ích, vậy còn “bật” để làm gì?

Là một người thi thoảng cũng “cãi” sếp, đồng thời cũng chứng kiến những cuộc tranh cãi nảy nửa của đồng nghiệp với sếp trong group chat của phòng, tôi đã rút ra những kinh nghiệm cho bản thân. Tất nhiên chúng ta đi làm không ai muốn trở thành những con cừu, chỉ đâu làm đấy, sự lên tiếng đôi khi là cần thiết. Nhưng trước khi lên tiếng hãy tự hỏi, mình lên tiếng để làm gì, mình muốn đạt được mục đích vì và mình nên trao đổi với sếp như thế nào.

Thường chúng ta sẽ phản ứng khi nhiệm vụ sếp giao được cho là bất khả thi, quá sức mình hoặc bị giao thêm những công việc mới đến mức quá tải. Tùy vào từng vấn đề mà chúng ta có cách phản hồi với sếp khác nhau và nhận lại những kết quả khác nhau. Thỉnh thoảng cảm thấy quyết định của sếp chưa hợp lý, tôi phản hồi với lãnh đạo trực tiếp và được cho phép trình bày với lãnh đạo cấp cao hơn. Sự giải thích của sếp lớn khiến tôi hiểu ra vấn đề, đúng là ở một vị trí khác với những chuyên môn và kinh nghiệm khác, người ta có những góc nhìn khác. Trong nhiều trường hợp, chưa chắc bạn đã đúng.

Bạn có từng ‘bật’ sếp rồi hối hận vì giá như đừng lỡ lời

Đôi khi thấy nhiệm vụ sếp giao là bất khả thi, tôi cũng nêu ý kiến và cuối cùng vẫn phải làm. Với sếp, không có chuyện không làm được, cứ thử làm đi rồi nói, nếu thật sự đã bắt tay vào làm mà vẫn không thành thì hẵng nói chuyện.

Một số lần tôi chứng kiến những cuộc tranh cãi nảy lửa của đồng nghiệp với sếp trong group chat, đến mức sếp phải nói rằng chị ấy sẽ trả lại nhân viên cho phòng nhân sự giải quyết vì chị không quản lý được nữa rồi. Còn người đồng nghiệp kia, nói chuyện căng thẳng như thể mình không cần công việc nữa vậy. Rồi sau đó việc thì vẫn phải làm mà mối quan hệ với sếp lại trở nên xấu đi, có lẽ việc tăng lương hay khen thưởng cá nhân cũng khó mà đến lượt.

Tất nhiên cũng có những trường hợp sếp của bạn thật sự tồi, vậy thì lúc đó bạn có “bật” thế nào cũng vô ích. Cảm thấy mình bị xử ép quá đáng thì nên dứt áo ra đi, thay vì những cuộc tranh cãi không điểm dừng với sếp.

Dẫu sao, việc “bật” sếp thế nào cho hợp lý, được việc mà không bị ghét là một nghệ thuật mà ai cũng phải tự đúc kết cho bản thân. Môi trường công sở có dễ thở hay không phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của bạn với sếp.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

'Nghẹt thở' trước loạt ảnh đẹp như tranh của các vũ công ballet