Mẹ đảm Hà Thành khoe mâm cỗ Tết Đoan Ngọ đẹp từng 'mi li mét' khiến ai nấy đều trầm trồ
Tin liên quan
Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt. Vào ngày này, dù giàu hay nghèo, bận bịu đến mấy các gia đình cũng đều dành thời gian sắm lễ mọn lòng thành dâng cúng tổ tiên. Lễ vật dâng cúng thường là những món dân dã, chân quê như quả mận, quả vải, cơm rượu nếp, thêm tiền vàng và hương, hoa.
Giống như bao chị em khác, Nguyễn Thơ (Hà Nội) cũng tự tay bày biện một mâm cỗ Tết Đoan Ngọ đủ đầy để dâng cúng thần linh, gia tiên. Trên mâm cỗ của mình, chị nhận được nhiều lời khen vì sự tỉ mỉ và cầu kỳ. Vẫn là những lễ vật đó nhưng qua bàn tay của chị mọi thứ trông đẹp mắt và vô cùng chỉn chu. Chẳng thế mà hình ảnh mâm cỗ của mẹ đảm này nhanh chóng "gây bão" mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lượt thích, bình luận và chia sẻ.
Tâm sự cùng Emdep.vn, Nguyễn Thơ cho hay: "Để có được mâm cỗ Tết Đoan Ngọ ưng ý mình đã lên sẵn ý tưởng trong đầu nên khâu bày biện cũng rất nhanh. Như mâm cỗ này mình chỉ mất có một nửa buổi sáng là xong, bao gồm cả đồ xôi, nấu chè".
Để tiết kiệm thời gian, mẹ đảm sẽ tranh thủ "gối việc", ví dụ trong lúc chờ xôi, chè chín sẽ rửa và bày biện hoa quả trước. "Thật ra khâu dọn dẹp còn lâu hơn so với bày mâm cỗ ấy chứ (cười)”, chị nói.
Nhiều người có quan điểm "mâm cao cỗ đầy" nhưng với Nguyễn Thơ quan trọng nhất vẫn lòng thành. Chị ưu tiên mùa nào thức nấy và những món dân dã ví dụ chọn quả vải, mận hay đào thay vì dưa hấu, lê, táo bởi những quả này đang vào chính vụ, vừa ngon, rẻ lại có vị chua, theo quan niệm dân gian, vị này sẽ diệt sâu bọ hiệu quả.
Hay cơm rượu nếp là thức quà không thể thiếu. Vị nồng, cay của cơm rượu nếp sẽ khiến sâu bọ “say đứ đừ” dễ bị tiêu diệt. Rồi chị chọn thêm bánh tro (bánh gio, bánh ú) truyền thống, thêm đĩa xôi và cặp bánh xu xê, chè bà cốt là có mâm cỗ đủ đầy.
Ngoài ra, Nguyễn Thơ cũng bày biện thêm:
- Nước sạch, vàng mã, hương, trà, trầu cau, nến
- Phật thủ
- Hoa cau, hoa cúc, hoa sen
“Mình luôn quan niệm thắp hương thì nên dâng những thứ dậy mùi thơm. Bởi vì phần thực bề trên không dùng được, nên sẽ thưởng thức mùi hương thơm tự nhiên tỏa ra từ đồ dâng lễ”, Nguyễn Thơ bày tỏ.
Với mâm cúng trên bàn thờ Phật, mẹ đảm cũng bày đồ chay như: Chè, xôi gấc, cốm, ấm trà, lư trầm.
Trong bài chia sẻ của mình, Nguyễn Thơ cũng chia sẻ đến chị em công thức nấu món chè bà cốt siêu đơn giản mà thơm ngon. Cùng tham khảo công thức chè bà cốt của mẹ đảm Hà Thành ngay dưới đây nhé.
Nguyên liệu
- Gạo nếp
- Gừng
- Đường
- Mía
- Đường nâu
- Muối
Cách nấu chè bà cốt
1. Gừng rửa sạch rồi nướng lên cho thơm. Một phần bạn đem thái sợi, phần còn lại đập dập rồi vắt lấy nước.
2. Cho nước vào nồi, thêm đường nâu và cho gạo sau đó đậy nắp nấu chín. Lưu ý, tỉ lệ gạo sẽ ít hơn, giống như nấu cháo loãng.
3. Nêm thêm nước cốt gừng, muối trắng cho chè đậm đà. Bạn vặn lửa nhỏ trong suốt thời gian nấu để hạt gạo nở bung mà không bị trào ra bên ngoài.
4. Khi hạt gạo nở bạn thả gừng sợi, thêm mật mía là có thể tắt bếp.
5. Múc chè ra bát rồi dâng lên mâm cúng là hoàn thành.
Là người phụ nữ truyền thống hướng về gia đình nên dù công việc bận bịu đến mấy Nguyễn Thơ cũng cố gắng chu toàn mọi việc trong gia đình nhất là ngày lễ tết như Tết Đoan Ngọ. Chị quan niệm: “Dù bận nhưng những việc nhà mình không coi là một việc mệt nhọc, nó giống như xả stress hơn, sống chậm hơn, vì mọi nỗ lực cuối cùng cũng là để đổi lại một cuộc sống bình yên, hạnh phúc”.
Minh Hương
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất