Nguy cơ "rình rập" từ nước bẩn do ngập úng mùa mưa bão

2016-05-30 06:36
- Mưa lớn gây ngập lụt không chỉ gây cản trở giao thông mà còn tiềm ẩn những dịch bệnh nguy hiểm, khó lường.

Dịch bệnh từ nước thải sinh hoạt, cống rãnh…

Sau cơn mưa lớn trút xuống Hà Nội tuần trước, tại một số khu vực ở Hà Đông, nước vẫn chưa rút hết. Lượng nước mưa quá lớn khiến cho hệ thống cống, rãnh thoát nước quá tải không thể thoát kịp. Nước ứ đọng dâng lên từ các cống rãnh tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Theo khuyến cáo của Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế một trong những dịch bệnh dễ phát triển nhất trong mùa hè khi mưa nhiều, nóng ẩm đó là: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, chân tay miệng, đau mắt đỏ…

Sống tại khu vực Hà Đông - nơi chịu ảnh hưởng ngập sâu của trận mưa đêm ngày 25/5, chị Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, chỉ sau hai ngày mưa gây ngập úng, chị và con gái đã bị nước ăn chân rất khó chịu. 

Nguy cơ 'rình rập' từ nước bẩn do ngập úng mùa mưa bão
Trận mưa đêm 25/5  gây ngập úng nhiều nơi tại Hà Nội

PGS - TS, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám Đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay: “Mưa lớn gây ngập úng cục bộ, nước bẩn từ các công trình vệ sinh, chuồng chăn nuôi gia súc, rác thải… hòa chung vào dòng nước. Trường hợp người dân thường xuyên tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm này rất dễ nhiễm các bệnh ngoài da. Một số bệnh thường gặp có thể kể tới như: nấm kẽ chân, kẽ tay (nước ăn chân tay xuất hiện phổ biến trong mùa mưa); mẩn ngứa ngoài da, nhiễm ký sinh trùng trên ngoài da, ghẻ, mụn nhọt… Riêng đối với phụ nữ nếu lội nước mưa ngập sâu có rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa”.

PGS-TS Nguyễn Văn Thường cũng lưu ý những gia đình có nước cống rãnh tràn vào trong nhà sau khi nước rút cần phải vệ sinh nhà cửa, nhà vệ sinh bằng sát trùng. Gia đình có trẻ nhỏ cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho con. Không cho trẻ nghịch nước mưa bẩn để tránh bị đau mắt đỏ và bệnh chân tay miệng.

“Trong trường hợp lội nước mưa gặp các vấn đề hay bệnh lý về da cần phải tới các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa về da liễu để khám. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về điều trị để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra”, Bác sĩ Nguyễn Văn Thường cho hay.

Nguy cơ tăng dịch bệnh do muỗi 

Tiến sĩ Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho rằng, tình trạng ngập úng kéo dài 1-2 ngày ở các đô thị lớn tạo điều kiện cho muỗi mang mầm bệnh phát triển.

“Mưa lớn kéo dài sẽ tạo nên các vũng nước đọng ở trên mái nhà, ban công, rác thải sinh hoạt, lốp xe cũ, dụng cụ làm vườn, vật liệu xây dựng, bể nước, chai lọ nhựa không sử dụng, bẹ lá cây, chậu cây cảnh, rìa tường… Nước mưa ngập tràn vào nhà gây đọng nước ở chân bàn, ghế, tủ, giường… Những vũng nước hình thành sau mưa là nơi muỗi vằn Aedes ưa thích đẻ trứng gây ra bệnh sốt xuất huyết và một số loại muỗi khác gây bệnh truyền nhiễm”, Tiến sĩ Vũ Đức Chính cho hay.

Tiến sĩ Vũ Đức Chính khuyến cáo bệnh sốt xuất huyết tới nay vẫn chưa có vắc xin, vì vậy cách phòng tránh dịch tốt nhất là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng không để muỗi đốt. “Phòng chống muỗi đẻ trứng bằng cách hạn chế các dụng cụ chứa nước trong nhà, thay bình nước hoa thường xuyên… Sau khi nước rút cần phải lau khô các gầm tủ, chân ghế, chân bàn, chạn bát, bếp ăn… San lấp những vũng nước nhỏ trong vườn nhà, chậu hoa. Dọn sạch rác rưởi và xử lý qua hệ thống xử lý quanh khu vực sinh sống…”, Tiến sĩ Vũ Đức Chính cho biết.

Ngoài ra để giảm nguy cơ muỗi đốt vào buổi chiều tối nên mặc áo dài, quần dài vì đây là thời điểm muỗi vằn hoạt động mạnh nhất, trước đi ngủ cần mắc màn để tránh muỗi đốt.

 Bộ Y tế khuyến cáo người dân các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh do muỗi trong mùa hè như sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mách bạn những mẹo đơn giản để điện thoại không bị hacker 'ghé thăm'