“Miếng ngon” cần có người biết “thưởng”

Tống Trần 2014-07-04 10:43
- (Em đẹp) - “Miếng Ngon Hà Nội” không chỉ là cuốn sách về tinh túy ẩm thực Hà Nội, còn là cái tình của Vũ Bằng với những miếng ngon mà không có hình ảnh ví von nào tương xứng hơn vẻ đẹp của người con gái.
Thực ra, miêu tả về ẩm thực là cực khó. Khó vì số lượng từ dùng để diễn tả sự thẩm thấu của vị “phở gà thanh tân” lên cái “thần khẩu”, cái khoan khoái sung sướng khi tìm được một chốn ăn ngon vốn dĩ không nhiều. Bao nhiêu sự sung sướng đều dồn tụ vào một tiếng NGON bật lên đầy khoái trá trong không trung, có ai đủ tỉnh táo để mà đi mổ xẻ cả quá trình một “miếng ngon” từ khi đặt lên bàn hít hà đến tận lúc chỉ còn là chút vị giác tản mác ghim vào trong nỗi nhớ đâu? Lại còn một nỗi rất ngặt, ngon là cái riêng của mỗi người, chả ai giống ai cả. Có lẽ vì thế mà văn học Việt Nam, người ta cứ mải nói về tình yêu đôi lứa, về chí khí anh hùng mà chả có mấy nhà văn nào đủ can đảm viết về tinh túy ẩm thực dân tộc ta cho đáng cái tinh túy. 

Lẽ đời là thế, hiếm ai mà muốn chú ý đến những điều vụn vặt tầm thường mỗi ngày đều gặp như quán phở gà trước cửa hay “bà cụ Còng” bán bánh cuốn Nam Định kề bên. Chúng ta cứ những tưởng họ sẽ ở đó mãi hết năm này qua tháng nọ bất chấp vật đổi sao dời, múc cho ta những bát phở đầy trong buổi sớm mai lạnh se sắt của Hà Nội. Thế rồi, một ngày, vì nhiều lẽ, họ đột ngột biến mất hoặc ta phải xa họ đến một phương trời khác, ấy là khi ký ức giúp ta nhận thức đúng mực cái vai trò của ẩm thực chốn cố hương. Đó cũng chính là hoàn cảnh mà Vũ Bằng nếm trải để cho ra đời “Miếng Ngon Hà Nội”, trong một nỗi hoài nhớ mùa xuân đất Bắc tại nơi nắng vàng rực rỡ trời Nam. 

Bìa cuốn "Miếng Ngon Hà Nội", tái bản tháng 5/2014, NXB Nhã Nam

Vũ Bằng, nổi tiếng không chỉ là bởi ông sành ăn, ăn cái gì cũng phải ngon, phải tinh tế, phải là “trác tuyệt” cùng “tuyệt đích”. Mà khoan, nói “ăn” có phần đánh giá thấp cái gu ẩm thực cho nhà văn đến từ đô thành này. “Thưởng” mới là từ dành cho ông, vì đối với ông, ẩm thực không chỉ là vị ngon nơi đầu lưỡi hay thỏa cơn đói tầm thường mà đằng sau mỗi “miếng ngon” là cả một câu chuyện, sự hiểu biết cũng như thái độ trân trọng đúng mực đối với những nghệ nhân đường phố đã luôn âm thầm giữ gìn và phát triển ẩm thực Hà Thành lên trên một tầng cao mới. Ông trân quý phụ nữ thế nào, thì đối với miếng ngon, ông cũng vẹn nguyên một nhiệt huyết như thế. Cũng vì thế, mà ông luôn tìm kiếm mối tương quan giữa phụ nữ với ẩm thực. Mà có lẽ trên đời này, quả thật chỉ có vẻ đẹp của phái yếu mới đáng để so cùng “miếng ngon” mà thôi.

“Phở gà” thì được ông cho là mang “cái phong vị của một nàng con gái thanh tân”, bánh cuốn cụ Còng ngang hàng với “thoang thoảng như da thịt của một người đàn bà đẹp vừa mới gội đầu bằng nước lá mùi”. Đọc văn của Vũ Bằng, rõ thực thấy ông là một nhà văn rất mực đa tình. Phụ nữ nào ông cũng thấy đẹp, không đẹp chỗ này thì cũng chỗ khác, không rực rỡ phấn son thì lại “duyên dáng lẩn vào bên trong, chớ không bong ra bên ngoài”. Đàn bà đẹp ác liệt có cái hay của riêng cô ta, mà người vợ hiền thì lại ấm êm dễ chịu. Phụ nữ với ông, sinh ra tất yếu đã đẹp, chỉ có cách thức là khác nhau thôi. Mà cái tấm lòng ham mê cái đẹp của ông, thuần túy là lòng ham mê đối với cuộc sống. Sự đắm say cái đẹp chuyển tải thành lời văn, trang giấy cũng chỉ là một cách để ông biểu hiện tình yêu với cuộc sống nên ta chẳng bao giờ thấy văn của Vũ Bằng có chút nhục dục tầm thường, kể cả khi ông miêu tả những đoạn rất TÌNH: “Người đẹp vừa tắm nước thang lan đi thơ thẩn trong một huê viên đầy mộng” (Gỏi) , “Trông như da thịt mát rợi của người đàn bà đẹp vừa mới tắm” (Bánh Đúc) hay “Nó mươn mướt như da người con gái” (Khoai). 

Trông như da thịt mát rợi của người đàn bà đẹp vừa mới tắm

Vũ Bằng ham mê cái đẹp, đắm say với “miếng ngon”, nhưng chẳng hề phụ công những nghệ nhân đường phố đã làm ra nó. Bao giờ cũng thế, nói về ẩm thực thì ông sẽ luôn nói về người tạo nên ẩm thực. Trong con mắt Vũ Bằng, những người giữ lửa cho Hà Thành này cũng giống như nghệ sĩ, mang trên mình một trách nhiệm nặng nề là không làm người thưởng ngoạn thất vọng, bực mình vào buổi sáng mà phá hỏng cả một ngày dài. Bên cạnh đó, họ lại còn cần phải có một cái cốt cách riêng, có thể nghèo khó, nhưng tuyệt đối không bán mình mà đi từ bỏ những gánh nhỏ để mở hàng quán, làm mất đi cái đặc trưng riêng vốn có. Họ có thể đủng đỉnh, nhẩn nha múc từng tô phở sao cho thật vẹn toàn trong khi khách hàng, các bà các cô đẹp đáo để đang la hét ầm cả lên đòi chút ưu tiên khác biệt. Họ giống như những “nghệ sĩ đường phố" mang đến nghệ thuật đích thực trong một thế giới đã bị che mờ mắt bởi những công cụ truyền thông đại chúng. 

Gánh phở rong trên phố Hà Nội

Đã là miếng ngon, lại còn là miếng ngon chốn đô thành qua tay Vũ Bằng viết thì chừng như kẻ nào sinh ra trên mảnh đất hình chữ S này mà không có cơ hội nếm thử thì coi như đời kẻ đó chẳng thể nào chạm được cái đích của toàn bích. Chỉ tiếc là tất cả những di sản một thời Vũ Bằng từng gìn giữ để lại cho thế hệ sau của Việt Nam, nay áng chừng chẳng còn là bao, tất cả đều tan đi cùng những tro bụi loạn lạc của thời đại. Hậu thế chỉ có thể tiếc nuối níu giữ chút tàn dư của một thời vàng son đã qua. 

Chỉ có một điểm đáng tiếc, là phải chăng Vũ Bằng đừng cho món thịt chó vào vị trí cuối trong danh sách như một đại diện cho ẩm thực Việt Nam, đừng coi nó như một cái quốc hồn quốc túy thì tác phẩm của ông hẳn sẽ đẹp hơn trong mắt người đọc. Vì tình yêu ẩm thực, là cần để thấy cuộc sống này đẹp hơn, nhưng nó nhất thiết phải đi cùng với tình thương không chỉ với đồng loại của mình, mà còn mở rộng ra với những gì không thuộc về con người nữa. 
 
Tống Trần
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 3 con giáp miệng cứng lòng mềm lời nói có thể khó nghe nhưng tấm lòng lại tốt