Lời thoại cảm động trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Lê Đức 2015-10-09 06:00
- Hiếm có tác phẩm điện ảnh Việt Nam nào mà lời thoại được mang ra bàn tán sôi nổi như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Lời thoại đẹp như đồng cỏ xanh và cánh diều

Lời thoại đóng vai trò hết sức quan trọng trong một tác phẩm điện ảnh. Một bộ phim chỉ được coi là hay và xuất sắc khi và chỉ khi lời thoại chiếm được cảm tình của độc giả. Người làm phim không thể chỉ đầu tư cho cảnh quay, góc máy, kỹ thuật dựng hay diễn xuất mà còn phải chăm chút cho từng câu thoại của nhân vật, thậm chí cả những câu bình luận trong tác phẩm nếu có. Xét về mặt lời thoại thì nhà biên kịch đóng vai trò trọng yếu và không thể thiếu. Nhà biên kịch vừa là người sáng tạo ra kịch bản vừa là người kết nối với tác phẩm văn học nếu như bộ phim đó là một tác phẩm chuyển thể từ kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn hoặc truyện dài.
Lời thoại cảm động trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” 1
"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một trong số ít phim của Việt Nam nhận được nhiều lời khen về lời thoại nhân vật. Những câu thoại hồn nhiên, chân chất, vừa đáng yêu, vừa khơi gợi những kỷ niệm cho người xem đã góp phần không nhỏ vào cơn sốt của bộ phim hay nói đúng hơn là thành công của tác phẩm. Nhiều người không ngại ngần vì lời thoại trong bộ phim là một bài thơ dài đáng yêu mà không kém phần lãng mạn. Lời thoại đó được ví như vẻ thanh bình và đẹp đẽ của một cánh đồng xanh và những cánh diều tuổi thơ. Không quá khi nói rằng lời thoại đã giúp cho người xem cảm thấy thăng hoa và mến mộ hơn.
Thành công về mặt lời thoại trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” không thể không nhắc đến nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh. Chính tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là cơ sở chủ đạo để nhà biên kịch viết lời thoại cho bộ phim. Và tất nhiên nhiều lời thoại trong phim được giữ nguyên so với lời nhân vật trong tác phẩm. Giới nghiên cứu và truyền thông còn chỉ ra rằng, phim tôn trọng tác phẩm gốc của nhà văn nên không có nhiều sáng tạo đột phá về mặt lời thoại. Do vậy, người vốn hâm mộ của Nguyễn Nhật Ánh có thể hài lòng và không thất vọng về lời thoại trong phim. 

Câu thoại khiến nhiều người xúc động

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có rất nhiều câu thoại xúc động nhưng câu thoại lấy đi nước mắt của nhiều người nhất phải là câu của Tường khi bị Thiều đánh do hiểu nhầm. Cụ thể, tình tiết diễn ra như sau: Mận và Tường đang chơi bán đồ hàng, đúng chất của trẻ con, hai đứa đã nói chuyện ăn vụng thịt gà và ăn cho nhanh kẻo Thiều phát hiện. Kỳ thực không có miếng thịt gà nào ở đó nhưng khi Thiều về nhà và nghe được những câu đó, Thiều đã vứt hai củ khoai mà phải đánh nhau với thằng Sơn mới bảo vệ được xuống đất và cầm một thanh củi đánh vào lưng Tường. Tường bị đánh đột ngột, ngã lăn ra đất và không ngừng kêu đau. Thiều sợ quá, toan đi gọi ba má thì Tường dặn anh trai rằng “Anh đừng bảo anh đánh em, hãy bảo là em leo cây bị té”. 
Góc nhìn đa chiều về lời thoại trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” 2
Tường (bé trai trong ảnh) là nhân vật có nhiều câu thoại xúc động. 
Lời nói của nhân vật Tường đã khiến nhiều người xem rơi lệ vì quá xúc động. Đó là một câu thoại không thể nào đẹp hơn được nữa. Tình anh em dường như đã vượt lên trên mọi nỗi đau thể xác để Tường có thể nghĩ cho anh mình mà quên đi cơn đau trời giáng ê ẩm. Một câu thoại ý nghĩa tới mức có thể khiến những người lớn nghĩ về gia đình, nghĩ về tình anh em, nghĩ về cách đối xử với sai sót, lầm lạc của người thân. Một chi tiết nhỏ nhưng thực sự mang giá trị lớn, một giá trị nhân văn sâu sắc. Nhiều người đã khóc khi cảm nhận được giá trị ấy và có lẽ đây là một trong những chi tiết xuất sắc nhất trong phim. 

“Hạt sạn” không nên tồn tại trong lời thoại nhân vật

Mặc dù nhận được nhiều lời khen về mặt lời thoại nhưng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng có một số câu thoại phản cảm, gây ức chế không nhỏ cho những người xem phim, cũng như những người đã đọc tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Đơn cử là lời nhân vật thằng Sơn khi nói chuyện với Thiều. Khi nhân vật Thiều bị thằng Sơn đánh vì tội thích cái Mận thì Thiều đã thắc mắc rằng, Thiều luôn nghĩ thằng Sơn thích một đứa con gái khác trong lớp chứ không phải Mận. Thằng Sơn đã đáp rằng, nhân vật này thích cả hai con “vì cả hai con cùng ngon”. Câu thoại được cho là không thích hợp trong tổng thể lãng mạn và đậm chất thơ của tác phẩm.
Góc nhìn đa chiều về lời thoại trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Nếu nhà làm phim chỉnh chu và cẩn thận đến từng câu thoại thì phim sẽ hoàn hảo hơn. 
Trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, thực tế có câu thoại này. Tuy nhiên thằng Sơn trong truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh là một thằng bướng, khó bảo và điểm chú ý là nó lớn hơn Thiều rất nhiều tuổi, nó được miêu tả như một đứa đã và đang ở độ tuổi gần người lớn chứ không còn là trẻ con như Thiều, Mận, Tường. Thế nhưng, trong tác phẩm của Victor Vũ, thằng Sơn lại là nhân vật có độ tuổi trạc tuổi của Thiều, tức là còn quá nhỏ để phát ngôn một câu bậy và “người lớn” như thế. Nhẽ ra câu thoại này nên bị cắt vì thằng Sơn không được xây dựng đúng với hình ảnh nguyên gốc trong tác phẩm văn học.
Câu thoại trên thực sự là một “hạt sạn” không đáng có trong một bộ phim nhận được nhiều lời khen về lời thoại. Khán giả hy vọng rằng, khi “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được công chiếu online trên hệ thống xem phim trực tuyến, nhà làm phim sẽ biên tập lại chi tiết này để phim thực sự là một tác phẩm đậm chất thơ và lãng mạn. 
Lê Đức

Ảnh: Sưu tầm

(Theo Congluan)

Xem thêm:

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 4 chòm sao dễ trở thành nô lệ trong tình yêu