Những bộ phim về số phận người phụ nữ của đạo diễn Đặng Nhật Minh
Tin liên quan
Đã 28 năm trôi qua kể từ ngày bộ phim đầu tiên của ông ra mắt khán giả, NSND - đạo diễn Đặng Nhật Minh chưa bao giờ ngừng trăn trở với nghề, với cuộc sống của những nhân vật trong các bộ phim của mình. “Đạo diễn không phải là một nghề. Đạo diễn là một nhân sinh quan” - câu nói của Federico Fellini, một đạo diễn nổi tiếng người Ý đã nói thay cho suy nghĩ và quan điểm làm nghề của ông. Chính từ điều đó, mỗi bộ phim ông làm phản ánh cái nhìn của bản thân ông về cuộc đời, về sự vật, về tình người và những diễn biến tâm lý phức tạp xung quanh đó, đặc biệt là sự đồng cảm, xót thương cho số phận những người phụ nữ Việt. Đó hẳn là một phần lý do khiến phim của Đặng Nhật Minh luôn đảm bảo có cái để xem và có nhiều điều để ta phải suy ngẫm.
Dưới đây là những tác phẩm phim gắn với cuộc đời và thân phận của những người phụ nữ Việt Nam dưới bàn tay tài hoa của vị đạo diễn nổi tiếng này.
1. Cô gái trên sông
NSND Minh Châu và NSUT Anh Dũng trong phim.
Đây là bộ phim được đạo diễn Đặng Nhật Minh viết kịch bản như để trả món nợ ân tình với xứ Huế, quê hương của ông. Phim kể về một chiến sĩ cách mạng đã được một cô gái giang hồ trên sông Hương cứu thoát khỏi cuộc săn lùng của địch. Cô gái mang lòng yêu người đàn ông bởi những lý tưởng cao đẹp mà anh theo đuổi. Sau ngày Huế giải phóng, cô gái lên đường đi tìm anh khi chờ đợi mãi mà không thấy anh quay lại như lời hứa. Thế nhưng, niềm tin và tình cảm của cô đã bị tan vỡ khi anh ta cố tình tìm cách trốn tránh. Nỗi đau của cô gái là nỗi đau của những số phận bé nhỏ bị chà đạp, của những lòng tốt bị quay lưng.
Diễn viên Minh Châu đã đoạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai Nguyệt - cô gái trên sông tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8. Đây cũng là bộ phim đầu tiên mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận lời làm nhạc cho phim, cũng là bộ phim được đạo diễn Đặng Nhật Minh yêu thích và ấn tượng nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông.
2. Bao giờ cho đến tháng Mười
Đây có thể gọi là bộ phim Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất từ sau năm 1975. Bộ phim đã gây tiếng vang lớn tại các nước Pháp, Mỹ... và được CNN bình chọn là một trong mười tám bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh Châu Á.
Một phân cảnh trong phim.
Phim lấy cảm hứng từ một đám tang có thật tại Hà Bắc trong một ngày mưa. Đạo diễn ngồi trong quán, được nghe bà bán nước kể về câu chuyện của người đã chết. Anh là bộ đội đã hy sinh từ lâu chưa tìm được mộ, nhưng bây giờ gia đình mới được biết và tổ chức lễ rước linh hồn anh về với nghĩa trang quê nhà. Người vợ trong đám tang hôm đó chính là hình mẫu cho nhân vật Duyên sau này của bộ phim. Trong phim có trường đoạn chợ âm dương thấm đẫm phong tục tâm linh của người Việt, nơi Duyên gặp lại chồng nhưng không thể cầm được tay anh do bây giờ anh chỉ là một vong hồn.
NSƯT Lê Vân trong phim Bao giờ cho đến tháng Mười.
Kịch bản “Bao giờ cho đến tháng Mười” là câu chuyện về nỗi đau của hàng vạn gia đình Việt Nam trong chiến tranh với những người con trai, người chồng, người cha ra đi và không bao giờ trở về. Bộ phim mang âm hưởng buồn đau của cả một dân tộc trong cuộc chiến có nhiều mất mát, giống như bài thơ của người thầy giáo trong phim:
Bao giờ cho đến tháng Mười
Lúa chín trên cánh đồng giông bão
Ta để lai sau lưng những ngày dài mong đợi
Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau
Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu...
Phim nhận được giải Bông sen vàng cho phim hay nhất và 6 bông sen vàng cá nhân tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7, Giải đặc biệt của Ban Giám khảo liên hoan phim Châu Á - Thái Bình dương năm 1989, Bằng khen của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Liên Xô tại Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1985.
3. Trở về
Một cảnh trong phim.
“Trở về”, cũng giống như đa phần các bộ phim truyện nhựa khác của đạo diễn Đặng Nhật Minh, được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của ông. Bộ phim bắt đầu từ chuyến xe lửa, khi Loan, nhân vật nữ chính trong phim từ miền Nam trở về với gia đình ở Hà Nội. Chuyến đi là hồi ức của cô về quãng đời đã xảy ra với bản thân mình.
Loan được phân công vào dạy học tại một thị trấn ở miền Nam cách Sài Gòn không xa. Hùng là anh ruột bạn thân của Loan trốn về lánh tại thị trấn này và nảy sinh tình cảm với Loan. Khi vợ Hùng tìm mọi cách ép anh phải vượt biên cùng gia đình, Hùng đành ra đi, mang theo mối tình với Loan - tình cảm duy nhất gắn bó anh với mảnh đất này. Loan bỏ trường lớp, trở thành bà vợ của giám đốc Tuấn - một kỹ sư Vật lý làm kinh tế và theo đuổi lối sống thực dụng. Tình cờ Tuấn gặp Hùng trong một hợp đồng bán hàng. Hùng thất vọng khi biết Loan - một người anh ngưỡng mộ và yêu mến - là vợ Tuấn. Sau khi Hùng trở về Úc, Tuấn đi công tác nước ngoài, Loan đã trở về với ngôi nhà thân thuộc và nghề dạy học của mình.
Trong những cảnh đầu của bộ phim là cảnh Hùng và Loan yêu nhau trên bậc cầu thang. Nhiều năm sau khi Hùng quay trở lại, đi qua đúng căn phòng đấy, chỉ có điều trong tay anh là người đàn bà khác. Lúc đó Loan và những gì là cội rễ của Hùng quay trở lại trong trí nhớ của anh. Và Hùng nhận ra, Việt Nam trong anh chỉ là một giấc mơ đã mất, đẹp nhưng man mác buồn. Bộ phim vẽ lên một bức tranh của xã hội Việt Nam trong lúc chuyển mình sang nền kinh tế thị trường. Một sự chuyển tiếp kinh tế, mà theo đạo diễn, là sự chuyển tiếp của tiện nghi vật chất và nghèo nàn tinh thần.
Bộ phim nhận giải B tại Liên hoan phim Hội điện ảnh Việt Nam (1994) và Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương (1994).
4. Thương nhớ đồng quê
NSND Thúy Hường trong phim Thương nhớ đồng quê.
Đầu năm 1995, Hãng NHK của Nhật Bản chọn 5 đạo diễn của 5 nước Châu Á để đầu tư tiền cho các đạo diễn làm phim. Đặng Nhật Minh là một trong số đó. Ông bắt tay vào chỉnh sửa kịch bản "Thương nhớ đồng quê" dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bởi ông tìm thấy một không gian điện ảnh đầy ắp trong câu chuyện này.
Câu chuyện kể về Ngữ, một cô gái quê có chồng đi làm xa, hàng ngày cùng cậu em chồng là Nhâm lo toan công việc đồng áng. Nhâm là chàng trai mới lớn, nhạy cảm, thương và đồng cảm với sự vất vả của chị dâu. Cậu không biết rằng cậu là chỗ dựa tình cảm duy nhất của chị trong những ngày sống xa chồng. Chỉ khi Nhâm bị cuốn vào với Quyên - Việt kiều di tản mới trở về quê thì những tình cảm thầm kín bên trong Ngữ mới trỗi dậy. Đến lúc này, Nhâm mới hiểu hết nỗi cô đơn của chị dâu mình. Nhâm vào quân ngũ, dù ở đâu, anh cũng luôn nhớ về lũy tre, cánh đồng làng với tấm lòng thương nhớ đồng quê.
Cuối phim là hình ảnh Nhâm ngồi giữa những người lính, viết lên mảnh giấy dòng chữ "Tôi tên là Nhâm. Tôi nhớ làng mình. Và tôi sẽ sớm trở lại" và ném nó ra khỏi xe. Mảnh giấy theo gió trôi nổi trong không gian. Rồi lời hứa đấy bay đi vào nơi vô định. Người xem tìm thấy những nỗi nhớ dịu dàng và êm đềm như những miền ký ức đẹp đẽ nằm đâu đó trong trái tim mình, nhờ bộ phim mà được khơi gợi lại.
Tác phẩm giành được giải A Liên hoan phim Hội điện ảnh Việt Nam (1995) và rất nhiều giải quốc tế khác như giải Khán giả tại LHP Quốc tế Ba châu tại Pháp (1996), giải Kodak tại LHP Quốc tế Châu Á - Thái Bình dương tại New Zealand (1996), giải phim Châu Á hay nhất tại LHP Quốc tế Rotterdam (1996).
Thảo Nguyên
Ảnh: Sưu tầm
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất