5 tác phẩm điện ảnh làm nên tên tuổi của những nữ đạo diễn Việt

Thảo Nguyên 2015-10-07 17:31
- Việt Nam không có nhiều đạo diễn nữ, nhưng những nữ đạo diễn hiếm hoi bằng cách của riêng mình, vẫn để lại những dấu ấn không dễ lu mờ trong nền điện ảnh Việt Nam.

Đạo diễn là một công việc không hề dễ dàng với bất kỳ ai. Chỉ riêng chuyện xa nhà một, hai tháng trời để lăn lộn ở bối cảnh, quay từ sáng sớm đến tận đêm khuya bất chấp gió, mưa, nắng gắt hay đông lạnh buốt đến tê người đã đủ khiến một người đàn ông khỏe mạnh nhất cũng phải thấy “oải”. Nhưng nếu bạn đã từng xem những bộ phim của các nữ đạo diễn Việt Nam, có thể bạn sẽ thấy ngạc nhiên bởi những dấu ấn mạnh mẽ và rất riêng của họ qua các tác phẩm điện ảnh. Như một lát cắt ngang đầy đủ về tính cách của những người phụ nữ đáng “nể” này.

1. Thung lũng hoang vắng - Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang

Hiếm nữ đạo diễn nào có “lợi thế” hơn Nhuệ Giang khi chị được sinh sống trong gia đình nhà nòi của điện ảnh. Bố chị - cố đạo diễn - NSND Phạm Văn Khoa, thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh cách mạng. Chồng chị là NSND - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân còn cha chồng chị là cố đạo diễn - NSND Hải Ninh. Bản thân Nhuệ Giang là người giản dị, ăn mặc đơn giản, tóc lúc nào cũng cắt ngắn. Tuyệt không thấy ở chị có kiểu uốn tóc, trang điểm, hay quần là áo lượt điệu đà. Nhìn cách chị làm việc trên phim trường, ai cũng nghĩ chị là người đàn bà đầy mạnh mẽ. Nhưng những góc khuất yếu đuối rất đàn bà lại lộ ra dễ dàng trên những bộ phim của chị.

“Thung lũng hoang vắng” là câu chuyện nhiều uẩn ức giữa những cô giáo trẻ đã hi sinh cuộc sống cá nhân để mang ánh sáng đến với trẻ em vùng cao. Những người dân tộc Mông trong phim hiện lên trong trẻo, chất phác. Là ông bố không cho con đi học vì sợ người khôn sớm muộn cũng sẽ bỏ thung lũng này mà đi; là cậu học trò ngày ngày địu em đến trường học dù thầy cô không đến lớp; là cô bé Mị chớm nở tình yêu với một anh chàng địa chất mà giận hờn cô giáo; là lũ học trò tíu tít xếp hàng chờ một thìa đường của thầy hiệu trưởng… Ba thầy cô giáo vì những tình cảm của lũ học sinh mà chịu đựng vất vả, duy trì sự sống của ngôi trường. Hình ảnh khiến người xem nhớ nhất đó là lá cờ cao chót vót, chơ vơ, đơn độc trên đỉnh ngọn đồi. Cờ còn tức là trường còn...

Bộ phim không chỉ đơn thuần về tình cảm thầy trò. Nó chạm đến tận cùng những khát vọng thầm kín, phơi bày kín đáo nhưng lộ liễu khoảnh khắc bản năng nhất của con người. Là sự giằng xé về tình yêu và tình dục giữa các nhân vật trong phim. Cô Minh khao khát thầy Lành. Thầy Lành lại yêu cô Giao, còn cô Giao say đắm trong mối tình với chàng địa chất - là người đàn ông trong mộng của cô bé dân tộc Mỵ. Ở phim có sự thăng hoa trong tình yêu, có những vụng dại ngây ngô và cả những ham muốn xác thịt. Đồng hành cùng niềm vui, nụ cười có cả nỗi đau và những thất vọng ê chề.

2. Mê Thảo thời vang bóng - Đạo diễn Việt Linh

Được đánh giá ngang hàng với những tên tuổi nổi tiếng của Việt Nam như Đặng Nhật Minh, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Thanh Vân… phim của Việt Linh nghiêng nhiều về tính triết lý, lôi cuốn khán giả bằng ngôn ngữ điện ảnh dồi dào chứ không phải ở sự ly kỳ, hồi hộp trong cốt truyện. Mỗi bộ phim của nữ đạo diễn là một bản nhạc sâu lắng, êm ái nhưng dữ dội và đầy ám ảnh.

“Mê Thảo thời vang bóng” phỏng theo truyện “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân có bối cảnh là một thôn ấp hẻo lánh miền trung du Bắc Bộ thời kỳ Pháp thuộc.

Mê Thảo là tên ấp của Nguyễn - một ông chủ hào hiệp, phóng khoáng, mê đàn hát và rượu. Sau khi người vợ sắp cưới bị chết bởi tai nạn xe hơi, Nguyễn ra lệnh tiêu hủy hết tất cả những gì gọi là “nền văn minh cơ khí” trong ấp Mê Thảo. Ông tự giam mình trong rượu và hoang tưởng, cách ly với thế giới bên ngoài, bỏ bê công việc. Tam, người quản lý Mê Thảo - vốn là một nghệ sĩ chơi đàn, mang ơn cứu nạn của Nguyễn, tìm mọi cách để cứu ông. Tam đi tìm Tơ, cô đào hát nổi tiếng và là người tri kỷ cũ của mình đã giải nghệ. Nhưng Tơ chỉ đồng ý hát khi có người đàn cho cô bằng cây đàn ma. Khi tiếng hát của Tơ vang lên trên âm thanh của đàn, Tam chết gục trên cây đàn với những ngón tay nhỏ máu trên từng phím tơ.

Trong lời giới thiệu bộ phim này khi nó trình chiếu tại Pháp, có đoạn viết: "Âm nhạc mà người ta nghe thấy trong phim có một vai trò động lực: nó mở và đóng không gian của câu chuyện. Qua hai cảnh âm nhạc có độ cảm xúc và hiệu quả tự sự tuyệt hay, người xem phương Tây có thể chìm đắm vào cõi âm nhạc cổ Việt Nam, nơi tiếng đàn hòa quyện thanh tao vào tiếng hát, mang tính xác thực của bản sắc văn hóa Việt". Đó chính là cách Việt Linh mang dấu ấn Việt Nam ra với thế giới.

3. Huyền thoại về người mẹ - Đạo diễn Bạch Diệp

Nhắc đến Bạch Diệp, hẳn nhiều người nhớ đến bà như người vợ của nhà thơ Xuân Diệu hơn là một nữ đạo diễn đầu tiên và nổi tiếng của Điện ảnh Việt Nam. Với sự xuất hiện của mình, bà mang đến một hơi thở mới mềm mại, dịu dàng nhưng không kém phần quyết liệt trong các bộ phim mang tên mình.

Hương - Nhân vật chính trong phim "Huyền thoại về người mẹ".

Với những ai yêu thích điện ảnh cách mạng Việt Nam, hẳn không thể quên được hình ảnh người nữ y tá mang tên Hương trong bộ phim “Huyền thoại về người mẹ” của nữ đạo diễn Bạch Diệp. Bà xây dựng bộ phim này dựa trên nguyên mẫu là một nữ du kích miền Nam chưa một lần sinh nở nhưng đã nhận hàng chục em bé mồ côi, lang thang cơ nhỡ trong chiến tranh để cưu mang và nuôi dưỡng. Còn người mẹ Hương trong phim, lại là một nữ y tá. Cô cũng nhận nuôi 3 đứa trẻ là con của các cán bộ kháng chiến, trong đó có một đứa con lai. 

Thế rồi khi chiến tranh kết thúc, chồng Hương không bao giờ quay trở lại. Anh đã hy sinh ngoài chiến trường. Mẹ già chết đi. Cô chỉ còn một mình với 3 đứa trẻ, dằn lòng để các con nuôi lần lượt trở về với gia đình ruột thịt của chúng. Cứ mỗi lần một đứa trẻ ra đi, người xem lại cầu mong cho một đứa còn ở lại với Hương, cầu mong cô đừng cho đi hết mà hãy giữ lại một đứa để nuôi. Thế nhưng rồi, Hương vẫn chọn cách sống cô đơn để tấm lòng nhân ái của cô trở thành một huyền thoại về người mẹ Việt Nam anh hùng.

4. Đập cánh giữa không trung - Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

Cựu nữ sinh lớp chuyên văn trường Hà Nội - Amsterdam là một người con gái Hà nội xinh đẹp và dịu dàng. Chị tự nhận cuộc đời của mình khá bằng phẳng đến mức nhàm chán. Nhưng “Đập cánh giữa không trung” như một thái cực đối lập hoàn toàn với chính lời miêu tả của chị về bản thân mình.

Bộ phim xoay quanh số phận của Huyền, một cô gái nông thôn lên thành phố học. Cô có thai với Tùng - một anh chàng sửa bóng đèn mê đá gà. Tùng bỏ rơi Huyền sau khi đã phá hết số tiền dành dụm của hai người khiến Huyền phải làm gái mại dâm để kiếm tiền phá thai. Trớ trêu thay, người duy nhất sẵn sàng bỏ tiền ra cho cô lại là Hoàng, một người đàn ông có sở thích quan hệ với phụ nữ có thai. Câu chuyện trở nên phức tạp hơn khi Hoàng làm cho cô hạnh phúc đến mức, đôi khi cô quên mất rằng, có một sinh linh đang lớn dần lên trong bụng của mình.

Sức mạnh của bộ phim không chỉ là cốt chuyện phức tạp và cách tiếp cận táo bạo đề tài về nỗi ám ảnh tình dục, mà còn nằm ở các cảnh quay đẹp, buồn man mác.

Hà nội trong phim lúc nào cũng ở trong trạng thái như vừa ngủ dậy. Đó còn là cảnh mở đầu của phim, khi Tùng tìm thấy vài chú cá bơi trong trong vỏ đèn đường chứa đầy nước mưa. Người xem cũng như Tùng, sẽ băn khoăn tự hỏi làm thế nào chúng chui được vào đây? Nhưng có gì quan trọng chứ, đó là món quà nhỏ mà thế giới trao tặng cho chúng ta - những ai đang đắm mình trong bộ phim - một cách miễn phí.

5. Người trở về - Đạo diễn Đặng Thái Huyền

Năm 29 tuổi, Đặng Thái Huyền đã có trong tay giải Bông sen vàng đầu tiên dành cho phim và đạo diễn phim “Mười ba bến nước”. Cô được đánh giá như một đạo diễn thế hệ 8X đầy tài năng của điện ảnh Việt Nam. “Người trở về” là bộ phim truyện nhựa đầu tay của Đặng Thái Huyền sau một thời gian dài làm trợ lý cho các bộ phim như “Tiếng cồng định mệnh”, “Giải phóng Sài Gòn”.

5 tác phẩm điện ảnh làm nên tên tuổi của những nữ đạo diễn Việt

“Người trở về” chuyển thể từ truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của Sương Nguyệt Minh.
Câu chuyện trong phim được Đặng Thái Huyền giữ gần như nguyên bản so với truyện gốc như một sự tôn trọng và thừa nhận sự dư thừa tính điện ảnh trong chuyện của nữ nhà văn Sương Nguyệt Minh. Chuyện kể về Mây - một cô y tá trong chiến tranh dũng cảm liều mình đi lấy thuốc men và thực phẩm cho thương binh. Hòa bình lập lại, Mây với những vết thương từ chiến trường, trở về nhà khi gia đình tưởng cô đã hy sinh còn người yêu cũ đã đi lấy vợ. Mây lặng lẽ trong nỗi cô đơn của riêng mình, từ chối cơ hội để lại được yêu bởi cô không muốn những thương tật của mình không dễ gì mang lại hạnh phúc cho anh.
Bộ phim là những ám ảnh của chiến tranh với quang cảnh miền quê xơ xác và những người đàn bà hóa điên vì chồng chết trận. Là sự cô đơn, lạnh lẽo của người phụ nữ trở về khóc một mình trong mưa. Là nỗi đau của người đàn bà biết mình không có khả năng làm mẹ bởi vết thương từ những trận đánh. Bằng “Người trở về”, Đặng Thái Huyền đã chạm vào tận cùng nỗi đau của những người phụ nữ thời hậu chiến.
Thảo Nguyên
Ảnh: Sưu tầm
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bài tập giúp “độ mông” mà không to đùi cực đơn giản cùng HLV