Kitchen – Về nỗi ám ảnh của sự mất mát

Lục Vĩ 2014-07-14 10:53
- (Em đẹp) - Điều mang lại ám ảnh cho cuốn sách được xem là nổi tiếng nhất của Banana này lại chính là câu chuyện cuối, “Bóng trăng” kể về những niềm mất mát của con người và cái cách từng người đối diện để vượt qua mất mát đó.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc vào buổi trưa mùa Hạ năm 17 tuổi ấy, khi tôi cầm trên tay cuốn “Kitchen” của Banana Yoshimoto. Thứ cảm xúc ấy vẫn ám ảnh tôi mãnh liệt cho đến tận bây giờ, khi đã nhiều năm trôi qua và cuốn sách đã trở nên sờn cũ bởi hàng chục lần đọc đi đọc lại của chủ nhân nó.  

Chắc hẳn Yoshimoto cùng với Kitchen không còn xa lạ gì với những độc giả yêu văn học. Cuốn tiểu thuyết được xem là nổi tiếng nhất của Banana đồng thời cũng khiến tên tuổi của bà trở nên nổi tiếng toàn thế giới. Nhưng với một chút tư vị cá nhân, điều khiến tôi yêu thích ở Kitchen lại không phải là phần chính văn mà là câu chuyện nhỏ "Bóng trăng" ở cuối cuốn sách. 

Bìa cuốn Kitchen của tác giả Banana Yoshimoto do NXB Nhã Nam phát hành

Phải nói rằng, mỗi một cuốn tiểu thuyết của Yoshimoto đều tồn tại một nỗi niềm mất mát đau đáu đến ám ảnh, “Bóng trăng” cũng không phải ngoại lệ. Chuyện về những con người phải tiếp tục sống trong nỗi đau mất đi người thân yêu nhất và mỗi người đều phải tìm một điểm tựa để vượt qua nỗi đau đó. 

Với Satsuki, cô chọn chạy bộ. Bạn sẽ nghĩ, chạy bộ thì giúp ích gì được đây? Nhưng đây là cách Satsuki dùng để trốn tránh những đêm mất ngủ, cảm giác cô độc đến tuyệt vọng khi chờ những tia nắng đầu tiên chiếu xuống. Đó cũng là cảm giác sau khi Hitoshi, người cô thương yêu nhất, người đã luôn ở bên cô trong suốt bốn năm bỗng một ngày rời xa cô. Không một lời giã từ. Mọi thứ đến quá nhanh và đột ngột đến nỗi Satsuki không dám tin vào sự thực, trí não cô luôn trôi bồng bềnh trong một chiều không gian khác, nơi mà đâu đó hình bóng Hitoshi vẫn thoáng ẩn thoáng hiện qua những giấc mơ không có thực. 

Còn với Hiiragi. Chàng trai trẻ mới chỉ mười tám tuổi nhưng cùng lúc mất đi hai người vô cùng quan trọng là anh trai và người yêu lại chọn cách hoàn toàn khác. Cậu không khóc, không tỏ ra buồn bã đau thương. Cậu vẫn cười và khoác trên mình bộ đồng phục thủy thủ nữ sinh của bạn gái chỉ vì cô bé rất thích mặc đồng phục, mặc kệ những ánh mắt soi mói của mọi người. Ngay cả khi bố mẹ cô bé khóc và ngăn cản, chàng trai vẫn chỉ cười. Mặc váy không phải vì Hiiragi đau lòng mà nó khiến cậu cảm thấy vững vàng hơn, mạnh mẽ hơn để tiếp tục sống, sống trong một thế giới không còn sự hiện diện của Yumiko bé nhỏ. 

Nỗi đau đớn của hai con người dường như được liên kết với nhau và liên kết cả với những người khác nữa, như Urara. Họ đều phải trải qua nỗi đau đớn khi mất đi một phần cuộc sống. Bộ áo váy kiểu lính thủy của Hiiragi thực ra chẳng khác gì việc chạy bộ của Satsuki hay cuộc hành trình tìm kiếm điều kì diệu cuối cùng của Urara. Chúng hoàn toàn có ý nghĩa giống nhau, dù bằng cách này hay cách khác, chẳng qua cũng như một liều thuốc vực dậy các trái tim đang rũ xuống mà thôi. Hay nói đúng hơn, họ đang tự đánh lừa cảm giác và tình cảm của mình và chờ đợi một điều gì đó sẽ tới cho dù chính họ cũng không biết đó là điều gì. 

Và cho dù không thể hiện ra bằng lời nói, nhưng Banana đã khiến người đọc cảm nhận được sâu sắc nỗi đau tột cùng của các nhân vật. Đó là những giấc mơ đẫm nước mắt của Satsuki cùng bóng hình mờ ảo của Hitoshi; là khi Hiiragi bất động giữa dòng người, chăm chú đến vô hồn ngắm nhìn ô cửa kính trưng bày dụng cụ môn thể thao yêu thích của Yumiko; là hình ảnh cái vẫy tay bên kia cây cầu trắng của Hitoshi hay nụ cười của Yumiko khi cô bé xuất hiện nói lời tạm biệt trong giấc mơ hư hư ảo ảo của Hiiragi. 

Đôi khi tôi tự hỏi, nếu mình là Satsuki hay Hiiragi, liệu mình có thể làm được như họ? Không phải ai cũng đủ mạnh mẽ và dũng cảm để có thể một mình tiếp tục bước trên con đường dài mịt mù phía trước. Nỗi đau đớn ấy, nỗi cô độc đến tận cùng ấy, liệu có dễ dàng vượt qua?

Yoshimoto đã dùng điều kì diệu trăm năm có một để hữu hình hóa cho một niềm tin và hy vọng vào HẠNH PHÚC, như cầu vồng sau cơn mưa. Satsuki cảm ơn Hitoshi vì cái vẫy tay mãi đó cuối cùng đã giúp cô tiến lên phía trước. Hiiragi rút cục cũng có thể khóc sau khi được gặp Yumiko trong giấc mơ và cô bé đã giúp cậu cầm theo bộ váy áo thủy thủ là  những tiếc nuối cuối cùng, gánh nặng không thể buông tay để cậu có thể nhẹ nhõm mỉm cười. 

Con người là vậy, đôi khi để có được hạnh phúc bạn phải đánh đổi bằng nhiều thứ. Nhưng hơn cả là phải biết trân trọng nắm cát vàng trong tay mình thay vì khổ công đi tìm thứ gì đó ẩn dưới đáy sông. Và quan trọng nhất, hãy dõi theo dòng sông đang chảy, nhưng bản thân vẫn phải sống. 

Thông tin sách

KITCHEN
Tác giả: Banana Yoshimoto
Dịch giả: Lương Việt Dzũng
Xuất bản: Nxb Nhã Nam liên kết Nxb Hội nhà văn
Số trang: 244
Giá bìa: 35 000 VND

Lục Vĩ
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Em à, hãy đón nhận người đến sau khi trái tim đủ lành lặn