Luận về Yêu: Không mù quáng, thì YÊU làm gì?
2014-07-25 22:53
- (Em đẹp) - Alain De Botton hoàn thành cuốn "Luận về Yêu" khi ông 24 tuổi, cái tuổi mà biết yêu là mù quáng mà vẫn lao vào yêu, thất vọng vì mù quáng khi yêu mà vẫn khát khao được mù quáng.
Tin liên quan
Phàm ở đời, cái gì gắn với tình yêu thì cũng bị coi là việc của con tim, trí não không có một quyền hạn gì ở đây. Khi con tim lên tiếng thì lý trí cũng phải câm mồm, lặng lẽ thu xếp hành lý đi nơi khác trong lúc khổ chủ hẵng còn cuồng nhiệt yêu đương và người ấy là thực thể tồn tại duy nhất mang giới tính đối lập trong thế giới thực.
Ấy vậy, mà có một triết gia (kiêm kiếm trúc sư) ngông cuồng tên là Alain De Botton, kẻ không chỉ ghi chép đầy đủ câu chuyện tình yêu của mình, bao gồm cả những tình tiết kể “xấu” bạn gái cũ. Gã lại còn tỉ mỉ vạch trần, phân tích mọi chân tơ kẽ tóc chuyện tình của mình dưới góc độ của trí não, tức là logic.
Vậy chúng ta đọc sách gã để làm gì? Khi mà tình yêu, thứ vốn được coi như thăng hoa của cảm xúc, lại bị đối xử như vi mạch điện tử và ngôn ngữ máy tính. Tất nhiên, tình yêu của triết gia cuồng logic này vẫn đầy màu sắc cảm xúc, hỉ, nộ, ái, ố như bất kì ai trong cõi nhân loại khi đương yêu cả. Đến rốt, gã vẫn là con người cơ mà. Nhưng cái cách mà gã kể về những cảm xúc như một thực tế phủ đầy số học và lý giải những hiện tượng trong tình yêu bằng một con mắt luận thì lại còn thú vị hơn bất kì một bức thư tình thế kỷ nào.
Đọc Luận Về Yêu thú vị hơn bất kì bức thư tình nào
Đọc, để thấy rằng tình yêu là một hành trình khi ta tự tạo cho mình ảo ảnh về một ai đó đến khi ta đi xuyên qua ảo ảnh của họ và đối diện với cái gọi là “sự thật trần trụi”. Câu chuyện của gã triết gia nghiện logic này bắt đầu từ khi gã gặp gỡ cô gái đáng yêu, có đôi mắt “xanh to lóng lánh”, “mái tóc cắt ngắn màu hạt dẻ” và cái vẻ yếu đuối run rẩy khiến bất kì người đàn ông nào cũng muốn che chở trên máy bay. Thế rồi, gã tính toán khả năng hai người có thể gặp nhau là bé như con kiến (1/989,727), để đi đến một kết luận về thuyết định mệnh và sự sắp xếp của Chúa.
Nhưng thật ra, ai mà ta gặp trong cuộc đời này thì chả là định mệnh, kể cả gã hàng xóm đáng ghét vẫn mỗi sáng hất nước sang sân nhà ta. Vạn vật trên đời này, đều là định mệnh dưới bàn tay Chúa cả.
Gã đi qua những tháng ngày yêu đương cô tình nhân nhỏ bé, đau lòng khi nhận ra trong tình yêu, loài người tất thảy đều lý tưởng hóa bạn đời của mình về một hình ảnh không thực nào đó dựa trên sự thiếu hiểu biết về đối phương. Và vì thiếu hiểu biết nên họ mới có thể thấy đối phương bí ẩn tuyệt đối và đem lòng khao khát yêu ai đó tha thiết đến dường ấy. Họ chả yêu gì đối phương, họ chỉ yêu cái ảo ảnh mình tự tạo ra.
Tình yêu cũng giống như cánh rừng đêm nhìn qua ống kính xịn, chúng ta đắm chìm trong vẻ đẹp của nó mà quên mất những hiểm nguy như thú dữ và muỗi mòng
Nguồn ảnh: Pleasing Pics
Và trong tình yêu, dường như luôn tồn tại một cuộc rượt bắt mà mọi người suy nghĩ quá nhiều về những hành động của đối phương, tìm cách lý giải theo hướng mình mong muốn dù đôi khi đó chỉ là một lời cáo lỗi lịch sự. Mù quáng, rối trí trước mê cung ái tình và khao khát có một ai đó khiến gã tự bán đứng chính mình để phù hợp với những tiêu chuẩn của người mà gã đương khao khát sở hữu ấy mà gã không nhận ra rằng chính gã cũng đang cấy mầm ảo tưởng trong cô.
Thế rồi, gã tiến đến chân giường của cô để vào sáng hôm sau, gã nhận ra việc một ai đó yêu lại mình khiến gã hoang mang hơn về một dự cảm thiên thần gãy cánh nơi cái con người tuyệt vời ấy không thể nào yêu một người tệ như mình. Hay chính xác hơn, chúng ta không thể nào toàn vẹn khao khát thứ chúng ta đã sở hữu. Tình yêu đẹp nhất là khi chúng ta đứng từ một khoảng cách quá xa và không thể nào nhìn rõ những đường nét có phần khiếm khuyết (như cái mũi quá to) của người ta đang phượng thờ tình yêu.
Tình yêu biến tình nhân của chúng ta với mọi hoạt động tầm thường nhất đều trở nên đẹp đẽ, huyền ảo
Nguồn: Vogue
Vậy là, tình yêu của gã bắt đầu lăn trên con đường va chạm giữa ảo ảnh mà gã nghĩ về người gã đương yêu và một cô ấy khác trong thực tại. Mọi thứ, tất cả, đều khiến cho gã thấy cô xa lạ đến chừng nào và khiến cho gã có thể khao khát bất cứ phụ nữ nào mà gã gặp trên đường khi triết gia của chúng ta hoàn toàn chẳng biết một chút gì về họ. Mọi khác biệt không còn là câu chuyện cười hay sự hấp dẫn mà trở thành nguyên nhân châm ngòi cho bất cứ một cuộc chiến nào, từ lớn đến nhỏ. Có những phút giây, ta sẽ hoang hoải tự nhận ra hạnh phúc xa vời đến chừng nào khi mà người ta có thể yêu tha thiết đến vài tháng sau sẽ hiện ra trong lời kể của ta như một “gã người yêu cũ điên khùng” như rất nhiều lần đã xảy ra trước đó.
Và rồi, chuyện gì xảy đến cũng đến, khi mà từ mọi dấu hiệu nhỏ nhất như ngũ cốc vào bữa sáng không còn loại mà ta thích, ta thấy những dấu hiệu của suối nguồn yêu đương đang bị rút cạn, khô héo và kết thúc, để lại một ta với những tan vỡ, bẽ bàng và rạn nát về thực tại của tình yêu.
Gã quá tỉnh táo hậu chia tay, và gã tường tận mọi bản chất của tình yêu từ khi ảo ảnh được thai nghén trong những phút giây chạm mặt đến tận lúc tàn lụi. Vậy thì, gã liệu có thể yêu nữa không? Với cái nhìn quá thấu đáo về một hiện tượng gì đó, nhân loại sẽ dễ dàng có thái độ thiếu thiết tha và ít thèm muốn đến đáng sợ với điều đó. Vậy mà gã kết luận rằng gã sẽ yêu nữa, không chỉ yêu, mà còn tiếp tục mù quáng. Có lẽ bởi vì mù quáng luôn là cảm giác mà toàn cõi nhân loại - những con người luôn phải cố gắng thực tế, lý tính và sắc bén hầu hết thời gian trong ngày - luôn khao khát.
Vậy nên, không mù quáng, thì YÊU làm gì?
Thông tin sách
LUẬN VỀ YÊU
Tác giả: Alain de Botton
Dịch giả: Trần Quốc Tân
Xuất bản: Nxb Nhã Nam liên kết với Nxb Lao động
Số trang: 256
Giá bìa: 68 000 VND
Ngày phát hành: 23-05-2014
Tống Trần
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Thu Quỳnh khoe trọn hình xăm ở chân ngực: "Sẽ có người đánh giá không hay về tôi"