NSND Tường Vy - giọng ca “huyền thoại” của nền tân nhạc Việt Nam
2015-08-26 13:40
- Sở hữu giọng nữ cao màu sắc (soprano coloratura) và kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo bậc nhất, NSND Tường Vy được xem là một trong những giọng ca “huyền thoại” của nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX.
Tin liên quan
“Chim sơn ca” với chất giọng “mê hoặc” bao người
NSND Tường Vy là một trong số ít nữ ca sĩ được nhiều lần biểu diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên thủ các nước trên thế giới và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi Tường Vy như một người em gái thân thiết, thường xuyên có những dặn dò chân tình và có một lần còn đệm đàn cho nữ ca sĩ hát. Tường Vy xuất thân là y tá trong quân ngũ, sau lại là ca sĩ phục vụ trong quân đội nên với bà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một chỉ huy lỗi lạc, một nhà lãnh đạo mà còn như một “người anh cả”.
NSND Tường Vy sinh năm 1938, tại Quảng Nam.
Sở hữu chất giọng cao, sáng và đẹp bẩm sinh sau này lại được đào tạo bài bản về thanh nhạc ở Nhạc viện Hà Nội và Nhạc viện Sofia, Bulgaria nên Tường Vy có thể dễ dàng thể hiện bất cứ một cứ một sáng tác âm nhạc nào ngay cả với những ca khúc có giai điệu nhanh, nhiều nốt cao kịch tính. Tường Vy từng nổi tiếng với một loạt bài hát được phát trên Đài Tiếng Nói Việt Nam như “Tiếng đàn ta-lư” (Huy Thục), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp) và “Người con gái sông La” (Doãn Nho). Nữ nghệ sĩ nhanh chóng trở thành một trong những giọng hát hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam thế kỷ XX và thuộc thế hệ đàn anh, đàn chị của các nghệ sĩ tài năng sau này như NSND Lê Dung, NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa.
Tiếng hát của NSND Tường Vy thậm chí còn vượt biên giới Việt Nam để đến với người dân của các nước láng giềng, bạn bè. NSND Tường Vy cho biết, trong một lần biểu diễn ở nước bạn Lào, trung tướng quân đội Lào là Coong Le, khi đó còn là đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Dù 3 do Hoàng Thân Suvanafuma đứng đầu đã bị “mê hoặc” trước giọng hát của bà. Ông đã viết rất nhiều bức thư tình gửi cho nữ ca sĩ để bày tỏ tình yêu và sự mến mộ, trong một bức thư có đoạn viết: “Tường Vy ơi, giọng em đẹp như vàng. Mấy ngày hôm nay, anh đi lên chùa cầu nguyện cho giọng hát của em đẹp mãi mãi. Anh cầu nguyện cho anh trở thành người bạn đời của em”.
Người sáng tạo đoạn staccato trong “Cô gái vót chông”
NSND Tường Vy không chỉ là ca sĩ mà còn được nhiều người biết đến với vai trò của một nhạc sĩ hay sáng tạo âm nhạc. Đoạn staccato giả tiếng chim hót kinh điển trong ca khúc “Cô gái vót chông” của Hoàng Hiệp thực ra là sáng tạo của chính Tường Vy. Sự sáng tạo này đã được chính nhạc sĩ Hoàng Hiệp hết lời khen ngợi và với các ca sĩ thể hiện sau này cũng phải hát hát đoạn staccato như một điều bắt buộc. Những âm thanh giả tiếng chim hót trong tác phẩm được xem là cao trào, điểm nhấn và tiêu chuẩn để đánh giá kỹ thuật thanh nhạc của ca sĩ. Thế nên không ngạc nhiên khi mà nhiều thí sinh phong cách thính phòng trong cuộc thi Sao Mai lại chọn ca khúc này.
Giọng ca “Cánh chim báo tin vui” là một trong những nữ nhạc sĩ hiếm hoi của nền âm nhạc nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Tường Vy viết nhiều bài hát, trong đó mảng về người lính và thiếu nhi là nhiều hơn cả. “Phi đội ta xuất kích” được xem là một trong những bài hát hay nhất về người lính còn “Đời cho em những nốt nhạc vui” lại được đánh giá là một trong những ca khúc xuất sắc dành cho thiếu nhi. Nữ nghệ sĩ gạo cội chia sẻ rằng, bà viết nhạc bằng tất cả trái tim và tình yêu thương. Bà luôn muốn gửi gắm những nốt nhạc vui cho đời, đặc biệt là các em nhỏ. Tường Vy muốn các em nhỏ hướng đến tương lai tươi sáng để sống tốt và cống hiến cho đời.
“Người đàn bà không tuổi” của nghệ thuật tình thương
23 năm sống với tiểu đường nhưng NSND Tường Vy vẫn miệt mài với 3 trung tâm nghệ thuật tình thương do bà sáng lập, trong đó có một trung tâm ở Hà Nội (nơi bà đang sinh sống) và 2 trung tâm ở quê hương bà (Quảng Nam - Đà Nẵng). Gần 80 tuổi, Tường Vy vẫn không mệt mỏi trên hành trình giúp đỡ các em nhỏ thương tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều nghệ sĩ thành danh là học trò của NSND Tường Vy, còn các em nhỏ trong Trung tâm Nghệ thuật tình thương thì gọi bà là “mẹ”.
Bà hiện là Giám đốc của 3 Trung tâm Nghệ thuật tình thương.
Giọng ca “Người lái đò trên sông Pô Cô” vẫn còn nhớ như in ngày bà đang luyện thanh ở nhà riêng thì mấy em nhỏ mồ côi ở làng SOS đến trước cửa “rình” nghe bà hát. Các em bảo rằng “Chúng con rình nghe mẹ hát để lớn lên hát hay như mẹ” và “Mẹ sáng tác cho chúng con đi”. Chính lời nói của các em đã khiến Tường Vy quyết tâm thành lập Trung tâm Nghệ thuật tình thương, đến nay cũng đã được hơn 23 năm.
Tường Vy đã vượt qua bệnh tật, khó khăn về kinh phí và vượt qua cả thời gian, tuổi tác để trở thành một người đàn bà không tuổi trên hành trình xây dựng những bến đỗ yêu thương, hạnh phúc cho các em nhỏ, cho “những trái tim không tật nguyền”. NSND Tường Vy xứng đáng là một bông hoa trong làng nghệ thuật, một huyền thoại của nền âm nhạc Việt Nam.
Bài và ảnh: Lê Đức
(Theo Congluan)
Xem thêm:
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Ngô Diệc Phàm và loạt mỹ nam 'thân bại danh liệt' vì bê bối