Vụ cháu bé bị tôn cứa cổ: Đừng đổ lỗi cho nghèo và mưu sinh

2016-09-26 10:32
- Nhiều luồng ý kiến khác nhau sau sự việc bé trai bị tôn cứa cổ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng cần xử lý nghiêm đừng đổ lỗi cho nghèo hay mưu sinh mà có thể coi thường tính mạng.

Không phải lần đầu

Cuối tuần qua, liên tiếp 2 người dân tử vong do bị tôn cứa cổ khiến dư luận bàng hoàng. Trường hợp đầu tiên là bé trai 9 tuổi đang đạp xe trên đường va chạm với xe chở tôn tại khu vực trước cửa nhà 66 (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội). Cháu bé được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong vì mất quá nhiều máu. 

Dư luận chưa kịp hết bàng hoàng, đau xót thì chiều 25/9, một vụ tai nạn khác liên quan đến xe chở tôn lại xảy ra tại khu vực cầu Mai Lĩnh (Hà Đông, Hà Nội). Xe kéo cải tiến chở cọc tre đang lưu thông thì bị đứt dây buộc khiến xe lao sang bên đường và một phụ nữ 56 tuổi đang ngồi trên hè phố với hai cháu đã tử vong vì tấm tôn lao vào cổ. 

Vụ cháu bé bị tôn cứa cổ: Đừng đổ lỗi cho nghèo và mưu sinh

Đây không phải là lần đầu những chiếc xe chở tôn tự chế, xe thô sơ chở vật liệu xây dựng không được chằng chống cẩn thận gây tai nạn. Hồi năm ngoái, một cháu bé ở Thanh Hóa cũng bị tôn cứa cổ.

Hôm 20/9/2015, cháu Đức (Vạn Hòa, Nông Cống) di chuyển trên đường bằng xe đạp thì đâm vào xe chở tôn. Miếng tôn sắc nhọn cứa sâu vào cổ. Cháu Đức bị đứt rời khí quản, được cấp cứu kịp thời nên bảo toàn tính mạng.

Ý kiến trái chiều

Những vụ tai nạn xảy ra do xe chở tôn gây ra khiến cư dân mạng sục sôi trong những ngày qua. Có những luồng ý kiến trái chiều khác nhau quanh vấn đề này. Tuy nhiên, nhìn chung cộng đồng đều bày tỏ ý kiến mong muốn cấm loại hình phương tiện thô sơ như xích lô, xe ba gác, xe tự chế, xe máy cà tàng chở tôn hay các cọc sắt, nhôm, kính... nguy hiểm trên đường.

Mặt khác, nhiều người cũng cho rằng không nên chỉ nghĩ vì lao động mưu sinh trong cảnh nghèo khó nên được phép sơ sài, coi thường tính mạng.

Anh Tú (Hà Nội): "Phải cấm triệt để những chiếc xe thô sơ như vậy chở hàng hóa cồng kềnh đặc biệt là các loại tôn, sắt, thép... Các loại hàng hóa nguy hiểm này phải chở bằng ô tô chở hàng, có bọc kín các góc cạnh để không bị va quệt với người đường".

Còn một cư dân mạng khác thì nêu quan điểm: "Cảnh sát phải làm nghiêm và liên tục, bố trí khắp nơi để dẹp những chiếc xe không đảm bảo an toàn như vậy. Không đổ lỗi cho nghèo mà thiếu cẩn thận, vội mưu sinh mà quên đi sự mất an toàn".

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại nêu quan điểm những người điều khiển các xe chở hàng hóa cồng kềnh là lao động nghèo, không có cách khác để kiếm kế sinh nhai. "Họ cũng mưu sinh bằng mồ hôi nước mắt chẳng may sự việc xảy ra. Vấn đề đặt ra là cấm rồi thì họ sẽ kiếm sống bằng cách gì. Phải có loại xe nào để họ thay thế hoặc một công việc nào đảm bảo cuộc sống cho họ chứ", chị Trang (Tây Hồ, Hà Nội) nêu ý kiến.

Một người khác tỏ ra thông cảm cho rằng: "Mọi sự đều không may, cũng vì nghèo nên họ nghĩ đơn giản nên không che chắn cẩn thận".

Cảnh sát cần làm triệt để?

Ngày 24.9, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình đã đề nghị thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ vụ bé trai tử vong vì đâm vào xe xích lô chở tôn chiều 23.9.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông dẫn đến vụ tai nạn.

Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm việc quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới ba bánh theo Nghị quyết số 05/2008/NQ-CP ngày 4.2.2008 của Chính phủ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa.

Ngày 25/9, Cảnh sát Giao thông Hà Nội đã ra quân xử lý các loại xe ba gác, xe xích lô chở quá khổ, quá tải, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, điều đáng nói trong ngày ra quân nhưng sự việc đau lòng lại xảy ra tại khu vực cầu Mai Lĩnh (Hà Đông). 

Nhiều người đang đặt câu hỏi, trách nhiệm của cảnh sát giao thông như thế nào trong các vụ việc vừa xảy ra. Bởi nếu cơ quan chức năng làm triệt để, xử lý liên tục và nghiêm minh sẽ giảm thiểu những chiếc xe "hung thần" như vậy chạy trên đường.

Đừng chỉ ra quân mạnh mẽ sau một sự việc mà cần làm kiên trì trong nhiều tháng mới có thể dẹp yên được những chiếc xe chở cồng kềnh có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào.

Anh Minh 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chọn quần jeans ôm cho nàng mũm mĩm