Vụ bé trai bị tôn cứa cổ: Trách nhiệm của người lái xích lô thế nào?

2016-09-25 09:44
- Vụ tai nạn cũng là lời cảnh tỉnh cho nhiều người thường xuyên mang vác, chở theo hàng hóa cồng kềnh khi tham gia giao thông.

Nhiều người sợ hãi khi nhìn thấy xe chở hàng cồng kềnh trên đường

Năm 2016 có lẽ là một năm tôi được nghe khá nhiều về tai nạn giao thông và những cái chết vô cùng thương tâm. Đó là vụ xe Camry đâm chết mấy mạng người, trong đó có cả người phụ nữ chỉ đang đi bộ. Và giờ đây là vụ việc một học sinh tiểu học mất mạng vì tấm tôn dài vài mét đặt trên chiếc xích lô.

Mỗi khi ra đường, chúng ta dường như phải đối mặt với quá nhiều sự bất an. Từ những nắp hố ga bị đánh cắp cho đến mối hiểm nguy từ những thứ không thể lường trước nổi. Tính mạng người tham gia giao thông, lẽ nào đang trở nên mong manh đến vậy?

Vì mải đạp xe và trêu đùa với bạn, em Hoàng không may đâm vào đúng đầu nhọn của tấm tôn gây chảy máu và tử vong sau đó.

Sự ra đi của em Đường Minh Hoàng (nạn nhân trong vụ tai nạn đau lòng xảy ra hôm 23/9) chính là một hồi chuông khiến nhiều người không khỏi giật mình. Bởi lẽ hàng ngày, khi tham gia giao thông, tôi và các bạn cũng đã hơn một lần nhìn thấy cảnh người ta bất chấp nguy hiểm, dùng xe máy, xe ba gác hay thậm chí là xích lô... để trở hàng hóa vô cùng cồng kềnh.

Chúng ta vô tư đi lướt qua họ hoặc chỉ nhìn đó rồi bẵng đi. Nhưng hôm nay, sau khi vụ tai nạn thương tâm kia xảy ra, tôi đã nghe thấy, nhìn thấy những thái độ hoàn toàn khác. Đó là sự bàng hoàng và vô cùng lo lắng của người tham gia giao thông.

"Sau khi đọc bài báo về trường hợp của cháu Hoàng, bây giờ mình thấy rất sợ khi tham gia giao thông mà gặp người chở hàng cồng kềnh. Mỗi lần nghĩ đến bức ảnh em ấy bị tai nạn là mình bị ám ảnh", chị Hoa (Đại Cồ Việt, Hà Nội) chia sẻ.

Theo lời chị, trước đây, mỗi khi ra đường, chị thường xuyên gặp cảnh những chiếc xe máy chất đầy hàng hóa, vô tư đi lại khắp nơi. "Gặp những chiếc xe như thế, mình cũng thường tránh xa hoặc nép chặt vào vỉa hè. Bình thường đã sợ lắm rồi, bây giờ lại xảy ra vụ việc như vừa rồi thì mình càng cảm thấy khiếp sợ hơn", chị Hoa nói thêm.

Đồng tình với quan điểm này, bạn Trang (sinh viên năm nhất ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, do mới lên Hà Nội nhập học chưa lâu nên cô cũng cảm thấy rất lo lắng mỗi khi ra đường. "Ở quê mình thấy ít người chở hàng hóa cồng kềnh bằng xe máy, xích lô như Hà Nội. Mình thấy nhiều người còn tự hào vì có thể lái xe trong điều kiện chất đầy hàng hóa còn mình thì chỉ thấy sợ".

Trong khi đó, anh Cường (Tây Hồ, Hà Nội) cũng cho rằng, việc các phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh đang bị bình thường hóa. "Mình thấy nhiều người thản nhiên chở những vật cồng kềnh mà không hề nghĩ xem nó nguy hiểm như thế nào, có người còn vô tư ngồi lên hàng tá hàng hóa, thực sự như vậy không khác nào đánh cược với tính mạng mình".

Chở hàng hóa cồng kênh gây tai nạn sẽ bị xử phạt như thế nào?

Trao đổi với chúng tôi về điều này, luật sư Giang Hồng Thanh (văn phòng luật Giang Thanh) cho biết, hàng ngày, không khó để chúng ta bắt gặp những hình ảnh tương tự, người tham gia giao thông mang vác, kéo, chở hàng hóa cồng kềnh đi nghênh ngang trên đường. Không ít vụ án đau lòng đã xảy ra khi người khác va chạm vào hàng hóa cồng kềnh đó. Thế nhưng, một phần vì mưu sinh cuộc sống, một phần vì coi thường pháp luật, nhiều người vẫn bất chấp để tiếp tục vi phạm.

Vị luật gia phân tích, tình trạng này tồn tại phải chăng cũng có một phần trách nhiệm của cơ quan chức năng. Như đã nói ở trên, hàng ngày hàng giờ những hình ảnh vi phạm giao thông như vậy vẫn xuất hiện nhan nhản, vậy mà không hiểu vì lý do gì, hành vi đó vẫn không thuyên giảm. Có thể đặt câu hỏi về sự buông lỏng công tác quản lý ở đây được không?

"Nếu không có biện pháp ngăn chặn và xử lý quyết liệt, nguy hiểm vẫn luôn có thể xảy ra với người tham gia giao thông bất cứ lúc nào", ông Thanh chia sẻ.

Vụ bé trai bị tôn cứa cổ: Trách nhiệm của người lái xích lô thế nào?

Luật sư Hồng Thanh.

Theo ông, khi người tham gia giao thông, mang vác, chở theo hàng hóa cồng kềnh sẽ bị xử phạt, căn cứ theo Điều 31 luật Giao thông đường bộ quy định như sau:

"Điều 31. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác

4. Hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển."

Về kích thước hàng hóa xếp trên xe thô sơ, Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07 tháng 09 năm 2015 quy định về giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ hướng dẫn như sau:

."Điều 19. Chiều rộng và chiều dài xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường bộ

5. Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe và không quá 1,0 mét; không được vượt quá 0,4 mét về mỗi bên bánh xe", luật sư Hồng Thanh phân tích.

Trở lại trường hợp cụ thể là vụ tai nạn của em Đường Minh Hoàng, sau khi đối chiếu với các văn bản pháp luật nêu trên, ông Thanh cho rằng, người lái xe xích lô chở tôn đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại tính mạng cho người khác.

Căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự, hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo Điều 202 Bộ luật hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

"Được biết người lái xe xích lô có hoàn cảnh rất khó khăn, nghèo khổ. Đó là điều mà cơ quan pháp luật cũng sẽ lưu tâm khi xem xét xử lý", vị luật gia chia sẻ.

"Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, việc chở hàng cồng kềnh vi pháp luật giao thông, có thể gây thiệt hại đến tài sản, sức khoẻ của người khác, thậm chí là cả an toàn tính mạng thì cần phải ngăn chặn ngay để không có những tai nạn thương tâm như vừa qua nữa".

Theo Trí Thức Trẻ

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cách tìm iPhone bị mất kể cả khi bị ngắt mạng với iOS 14