Trồng phượng ở dải phân cách: Vì đâu cả chuyên gia lẫn người dân băn khoăn?

Thủy Nguyên 2016-07-07 06:00
- Không chỉ người dân mà các chuyên gia cho rằng trồng cây phượng ở vỉa hè hợp lý hơn là trồng ở dải phân cách giữa 2 làn đường.

Hơn 300 cây phượng có đường kính lớn vừa được trồng trên dải phân cách các tuyến đường như: Xã Đàn, Láng Hạ, Đại Cồ Việt, Lê Duẩn... ở Hà Nội. Thông tin này đã được ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thông tin với báo chí. Bên cạnh đó, Công ty này cũng đang tiếp tục khảo sát các tuyến phố khác để xem xét trồng phượng nếu hội đủ điều kiện.

Người dân băn khoăn

Không chỉ giới chuyên gia mà việc Hà Nội triển khai trồng cây phượng ở dải phân cách giữa 2 làn đường cũng thu hút sự quan tâm của người dân với không ít ý kiến trái chiều.

Một cư dân mạng cho hay: "Tôi thấy phượng là loại cây rất mát nhưng rất giòn. Nếu vào ngày mưa bão có thể gãy bất cứ lúc nào. Đường Hà Nội rất đông người qua lại, việc gãy cành như thế có thể ảnh hưởng tới người dân khi đi qua đoạn đường này. Cây nở hoa rất đẹp nhưng nếu rụng nhiều, bác lao công vất vả thêm”.

Trồng phượng ở dải phân cách: Vì đâu cả chuyên gia lẫn người dân băn khoăn?

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội trồng phượng ở dải phân cách là không hợp lý

Hay như một người sử dụng Facebook có nickname K.D bày tỏ quan điểm: "Tôi nghĩ cần xem xét lại trồng phượng trên dải phân cách. Vì phượng có rễ ăn nổi, do đó rễ sẽ sớm phát triển làm hỏng dải phân cách và lòng đường. Chúng ta có thể dễ dàng để ý thấy những phần hè đường thường lồi lõm, bong bật, hỏng rất nhanh xung quanh gốc cây phượng đã trồng trên hè phố”.

Một cư dân mạng khác thì cho rằng: “Trồng dày như vậy sẽ rất tốn kém như chi phí cây giống, thuê trồng, chăm sóc. Hai năm sau lại tốn thêm phí cắt tỉa. Mặt khác, dải phân cách trồng nhiều phượng là thiếu khoa học, do cành phượng rất giòn nên dễ gãy dẫn đến tai nạn giao thông trong mùa mưa gió”.

Trước đó, trả lời báo chí về lo ngại cây phượng dễ gãy đổ khi gió bão, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho rằng, trước khi trồng phượng, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến của các nhà chuyên môn và đã đi đến thống nhất.

"Trồng phượng ở dải phân cách là không hợp lý"

Liên quan tới vấn đề Hà Nội triển khai trồng cây phượng ở dải phân cách giữa 2 làn đường, GS - TSKH Phạm Ngọc Đăng (Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng, việc Hà Nội chọn trồng cây phượng là điều bình thường và không có gì lạ. Bởi lẽ, phượng là giống cây được trồng lâu ở Việt Nam, thích hợp với điều kiện địa chất, khí hậu ở đồng bằng Bắc Bộ. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của GS - TSKH Phạm Ngọc Đăng, việc Hà Nội trồng giống cây này trên dải phân cách giữa hai làn đường là không hợp lý. 

GS - TSKH Phạm Ngọc Đăng phân tích: “Phượng là cây có bộ rễ chùm lớn, tán lá trên to, hoa đẹp, cây phát triển lớn. Đây là giống cây lâu năm, đòi hỏi phải có không gian sống và không gian thở cả dưới đất cũng như trên không. Tại một số tuyến phố, ngay dưới dải phân cách có nhiều bê tông của đường cũ hoặc phế phẩm vật liệu xây dựng như gạch, đá... nên cây lâu năm như phượng rất khó phát triển bền vững. Tôi không thấy ở đâu trồng như thế”.

Cũng theo ông Đằng, phần đất ở dải phân cách tại các tuyến phố thường không ổn định. Chưa kể đến có thể trong tương sẽ bị xóa đi hoàn toàn để mở rộng đường, làm công trình ngầm hay đường sắt trên cao… Do đó, trồng cây lâu năm ở chỗ đất không ổn định như dải phân cách là không hợp lý.

"Tôi đi nhiều nước trên thế giới nhưng rất ít nước trồng cây ổn định, cây to ở dải phân cách. Thông thường, các nước khác chỉ trồng cây hoa, cây bụi, cây có dáng đẹp, nhỏ và xinh ở dải phân cách", ông Đăng nhấn mạnh.

Ngoài ra, GS - TSKH Phạm Ngọc Đăng chỉ rõ, phượng có tán khá rộng, đến khi cây trưởng thành sẽ xòe ra xung quanh làm cản trở tầm nhìn của người đi đường. "Nếu đơn vị phụ trách việc trồng, chăm sóc cây xanh nói là thường xuyên cắt tỉa, nhưng cắt tỉa nhiều quá làm mất đi dáng cây thì trồng làm gì nữa. Còn về bản chất cây phượng có thể trồng được ở đô thị nhưng trồng ở vỉa hè sẽ hợp lý hơn”, GS -TSKH Phạm Ngọc Đăng nói thêm.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Tiến Hiệp (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam) cho hay, phượng có tán lá phát triển ngang, không vươn lên cao, gỗ phượng giòn, dễ gãy. Ngoài ra, tán phượng thưa, nếu tỉa cành thường xuyên sẽ tránh gãy đổ cản trở giao thông.

"Phượng là loại cây phù hợp làm cây đô thị nhưng không phải lựa chọn duy nhất để trồng đại trà trên dải phân cách như Hà Nội đang làm. Hà Nội có những đợt nắng nóng hơn 40 độ C, đi trên những tuyến phố ngập màu đỏ hoa phượng, tôi thấy không khí ngột ngạt hơn. Màu đỏ hoa phượng sẽ bớt đơn điệu hơn khi được điểm xuyết khéo léo với những cây khác", TS Nguyễn Tiến Hiệp nhấn mạnh.

 

Thủy Nguyên

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Ngoài váy trắng, đây là 3 mẫu đầm mà bạn nên có trong tủ đồ hè 2021