"Tiểu bậy" bị phạt 200.000 đồng ở quận 1: Người dân nói gì?

2016-03-23 10:56
- Nhiều người dân ủng hộ việc xử phạt và bắt người tiểu bậy dội nước tại quận 1, Tp.HCM nhưng điều cần kíp hơn cả là xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, tiện lợi.
Từ đầu tháng 3/2016, cơ quan chức năng quận 1 Tp.HCM đã triển khai thực hiện xử phạt người tiểu bậy. Theo Đội trưởng Quản lý trật tự đô thị Quận 1, đến nay đã phát hiện 36 trường hợp vi phạm, phạt tiền 19 người, 15 người phải viết cam kết đồng thời dùng nước dội sạch nơi vừa tiểu bậy. Để có bằng chứng, Đội Quản lý trật tự đô thị được trang bị máy quay, hệ thống camera ghi hình lại, buộc chấp hành nghiêm.
Người dân đồng tình
Khi biết được thông tin này, người dân quận 1 cũng như người dân sống ở các quận huyện khác ở Tp.HCM bày tỏ sự đồng tình và hưởng ứng. Theo lời nhiều người dân, việc ở một thành phố là trung tâm kinh tế, năng động hàng đầu đất nước những việc này lẽ ra phải làm từ lâu.
Anh Bảo (Quản lý xây dựng tại một công trình ở trung tâm quận 1) tỏ ra đồng tình với quy định này dù anh mới biết thông tin. Bản thân anh Bảo làm trong ngành xây dựng, làm việc ở nhiều nơi đã chứng kiến không ít trường hợp người dân vào các công trình để đi tiểu bậy. Mặc dù thấy chướng mắt nhưng anh hiểu phải cùng quẫn họ mới làm như vậy. Từ suy nghĩ của bản thân, anh Bảo nhận thấy, có những tình huống nhiều người không muốn làm như vậy song chưa có hệ thống nhà vệ sinh công cộng ngay gần địa điểm đang đi đường nên chỉ còn cách...tiểu bậy.
'Tiểu bậy' bị phạt 200.000 đồng ở quận 1: Người dân nói gì?
Từng đi công tác tại một số quốc gia ở châu Á, anh Bảo chưa thấy trường hợp nào đi vệ sinh ngay bên vỉa hè hay tiểu bậy vào gốc cây. Nhưng ở Tp.HCM, anh Bảo đã chứng kiến ít nhất vài ba lần. Từ gốc cây trong công viên cho đến ngõ nhỏ. Trước đây, nhiều người dân vì bức xúc tình trạng bị tiểu bậy lên hàng rào, cạnh nhà nên đã phải viết biển "cấm đái bậy". Hiện nay, tình trạng này đã giảm vì ý thức người dân được nâng cao. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không còn hiện tượng tiểu gốc cây, đái bậy.
"Tôi nghĩ việc phạt như vậy là thích đáng, mức phạt lẽ ra nên cao hơn. Thành phố mọc lên các cao ốc, chung cư, đường sá hiện đại thì người dân cũng phải có ý thức trong vấn đề giữ gìn về sinh chung. Đi tiểu bậy vừa gây phản cảm vừa tạo ra hình ảnh nhếch nhác cho bộ mặt thành phố", anh Bảo cho hay.
Còn chị Nga (Quận 10, Tp.HCM) làm việc tại một công ty truyền thông ở quận 1 cũng tỏ ra đồng tình cao với chủ trương này. Theo chị Nga, có những lúc đi bộ cùng bạn bè nhưng ngay gốc cây đối diện có một người đang tiểu bậy rất phản cảm. Hiện tượng này gặp nhiều lần nhưng cũng chỉ biết cho qua, không để ý. Tuy nhiên, khi đi với các đối tác từ nước ngoài hoặc các nơi khác đến, chị Nga không khỏi ngại ngùng.
"Tôi nghĩ cơ chế phạt này cần phải triển khai khắp các quận, huyện trên địa bàn Tp.HCM. Điều này giúp tạo ra được môi trường sạch sẽ, cảnh báo người dân. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó thì hệ thống nhà vệ sinh công cộng phải rộng khắp và có chỉ dẫn cho mọi người biết. Lúc đó chắc chắn mọi người không chọn đi vệ sinh bên vỉa hè, gốc cây nữa", chị Nga đưa ra ý tưởng.
Cần hệ thống nhà vệ sinh công cộng
Cách đây không lâu, dư luận xôn xao trước việc một tài xế ở Hà Nội đi tiểu ngay trên cầu vượt. Sự việc bị cộng đồng "ném đá" và chỉ trích nặng nề. Bất cứ ai khi xem hình ảnh đó cũng tự hỏi tại sao có thể làm được điều đó giữa lúc đường phố đông đúc, thậm chí không có cây cối hay nhà cửa che chắn. 
Việc cơ quan chức năng quận 1, Tp.HCM xử phạt người tiểu bậy ở trung tâm là một minh chứng cho sự quyết liệt xây dựng hình ảnh văn minh đô thị, giữ vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, ý thức sẽ được nâng cao hơn nếu có hệ thống nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, ngăn nắp ở nhiều khu vực. 
Anh Bùi Thành (Quận 7, Tp.HCM) cho biết, các nhà vệ sinh công cộng chỉ tập trung ở khu trung tâm hay nơi có nhiều địa điểm du lịch. Trong khi ở các quận vùng ven hoặc các quận không phải trung tâm lại rất ít hay hầu như không có. Cho nên khi có nhu cầu đi vệ sinh, ngoài việc xin vào nhà dân bên đường đi nhờ thì không còn lựa chọn nào khác.
"Nếu đợi về đến nhà thì có người không chịu nổi, nhất là trường hợp nhậu nhẹt say xỉn xong. Đi vào nhà dân bên đường, không phải lúc nào cũng dễ dàng, có người khó tính, có người cau có, có người đề phòng vì sợ cướp giật. Do đó, đi đôi với việc xử phạt thì hệ thống nhà vệ sinh công cộng phải đồng bộ, bố trí hợp lý cũng như có chỉ dẫn, thông báo cho nhiều người cùng biết", anh Thành cho hay.
Ngoài việc, xây dựng các nhà vệ sinh công cộng văn minh, lịch sự thì cần bố trí thêm vệ sinh miễn phí tại các điểm như cây xăng, bến xe, nhà ga...trong thành phố. Đây là các địa điểm có ở nhiều nơi nhất là các cây xăng.
"Tôi nghĩ là không chỉ với phạt đi tiểu bậy mà phải có hệ thống camera theo dõi ai vứt rác, bẻ cành, hái hoa, đi bộ sai quy định, không giữ vệ sinh chung...Dù muộn còn hơn không, phải làm để bộ mặt thành phố thêm sáng, xanh, sạch, đẹp", một người dân nói.

Tố Ân 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Trên đời có 2 loại đàn ông