Đi bước nữa, hốt hoảng vì “hỗn chiến” con anh, con tôi

Phương Linh 2015-07-14 08:57
- Hôn nhân “rổ rá cạp lại”, nhiều cặp vợ chồng tiếp tục rơi vào hố sâu bi kịch khi những đứa con riêng cãi cọ, tranh giành tình yêu thương của bố, mẹ.

“Con anh” bắt nạt “con tôi”

Chị Thanh T. (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đã có một đời chồng và một cô con gái. Ám ảnh từ cuộc hôn nhân rặt nước mắt trước kia khiến chị sợ hãi và đã nguyện là sẽ ở vậy để chăm sóc con gái. Thế nhưng khát khao về một mái ấm gia đình lại bùng cháy khi chị gặp anh Hoàng Q. – người đàn ông 40 tuổi đã ly dị vợ và cũng đang nuôi đứa con gái có với người vợ trước.

Hốt hoảng vì “hỗn chiến” con anh, con tôi
Những cuộc cãi cọ, so bì giữa "con anh - con tôi" khiến hạnh phúc gia đình lung lay. (ảnh minh họa)

Bằng sự đồng cảm từ việc tan vỡ hôn nhân cùng tấm chân tình, anh Q. đã khiến chị T. cảm động. Sau khi đám cưới diễn ra, chị T. cùng con gái dọn về sống chung với anh Q. Thấy anh Q. yêu thương, chiều chuộng cô con gái riêng của mình như con đẻ, chị rất mừng. Song con gái anh Q. bỗng nhiên lại phải chia sẻ tình thương của bố mình với một “đứa trẻ người dưng” khác nên thường xuyên cãi vã, tranh giành đồ chơi rồi so bì với con gái riêng của chị T.

“Chồng tôi đối xử với hai đứa trẻ rất công bằng, mua gì cũng mua cho cả 2 đứa để chúng không tị nạnh, từ quần áo, giày dép, búp bê… Thế nhưng con bé nhà anh rất đành hanh, tính hay so bì nên hễ 2 món đồ không giống nhau hoàn toàn là khóc lóc, gào thét bảo rằng anh không yêu thương nó, mua cho con tôi món đồ đẹp hơn. Con bé nhà tôi thì hiền lành, sống tình cảm nên thấy được anh yêu thương thì cũng coi anh ấy như cha ruột. Song mỗi lần anh ấy bế con tôi là con anh lại lao vào, đẩy con tôi ra, hét toáng lên: “Đấy là bố tao, không phải bố mày”, chị T. chua xót kể.

Chị còn cho biết thêm, thỉnh thoảng khi không có người lớn ở nhà, con gái anh lại bắt nạt, đánh, cào cấu con gái riêng của chị. Có lần về đến nhà, nhìn thấy con gái mình trong bộ dạng tả tơi, mặt có những vết xước rớm máu, nước mắt ngắn dài bảo rằng “chị lại đánh con”, chị T. chỉ biết ôm rồi khóc theo con.

Chồng chị cũng biết tính cách con gái riêng của anh “có vấn đề”. Nhiều lần anh chị đã ngồi lại với nhau để bàn cách giáo dục, uốn nắn lại cô bé đành hanh này song kết quả chẳng đâu vào đâu. Càng lớn, con gái riêng của chồng chị càng thể hiện rõ sự so bì, ganh đua, muốn sở hữu bố và không bao giờ tỏ thái độ hợp tác với mẹ kế. Không khí gia đình 4 người với bố mẹ và 2 cô công chúa lẽ ra phải hạnh phúc, rộn ràng tiếng cười thì đằng này lúc nào cũng căng như dây đàn.

“Chồng tôi muốn hai vợ chồng sinh thêm con nhưng tôi bảo anh cứ từ từ. Sự thực là chuyện “con anh, con tôi” đã quá mệt mỏi với tôi rồi, giờ mà có thêm “con chúng ta” nữa, tôi sợ gia đình sẽ tan vỡ mất”, chị thở dài.

Coi con riêng của vợ là rắc rối?

Cũng là bà mẹ một con lấy hết dũng cảm để “đi bước nữa”, chị Nguyễn H. (32 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) lại rơi vào hố sâu bi kịch khác mà nguyên nhân là do cách ứng xử “côn đồ” của chồng chị. Chị H. kể, chồng chị tên D. cũng đã trải qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ do vợ bỏ đi theo nhân tình, một mình anh gà trống nuôi 2 đứa con trai. Anh mến chị bởi sự chịu thương chịu khó, đảm đang, tháo vát và thường giúp đỡ cả tinh thần, vật chất khi hai mẹ con chị gặp cảnh khó khăn.

Lúc mới trở thành vợ chồng, anh D. đối xử rất tốt với con gái riêng của chị. Con chị thể trạng yếu, hay đau ốm phải đi viện. Những lúc như vậy anh D. thường gửi 2 con trai cho nhà nội chăm sóc rồi cùng chị tất tưởi lo toan, chạy vạy chăm con chị trong viện. Hai đứa con trai riêng của anh D. nhiều tuổi hơn con gái chị nên cũng rất yêu thương em. Cuộc sống gia đình chỉ đủ ăn, đủ tiêu nhưng hạnh phúc.

Thế nhưng mọi thứ xoay đảo đến bất ngờ khi anh D. bị đồng nghiệp “cài bẫy” rồi bị sa thải. Bất đắc chí, anh sa đà vào rượu chè rồi trở thành “bợm nhậu”. “Chồng trở nên như vậy, tôi thành trụ cột kinh tế, một tay tôi làm lụng tối mặt tối mũi để lo cho cả một gia đình có 3 đứa nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Thế nhưng sự hy sinh của tôi nào có làm vừa lòng anh ấy. Mỗi khi đi nhậu về là anh ấy la mắng, đánh đập con gái tôi và tôi. Anh ấy bảo là con tôi bệnh tật, tiêu tốn nhiều tiền bạc, là cục nợ của gia đình… Nghe những lời mắng nhiếc của anh ấy, tôi như đứt từng khúc ruột vì thương con”, chị kể.

Theo các chuyên gia tâm lý, những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn thường có nguy cơ khiếm khuyết về mặt tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách, quan niệm sống của trẻ về sau. Các cặp vợ chồng “rổ rá cạp lại” mà cuộc hôn nhân trước đều đã có con riêng thì cần phải hiểu điều này để có cách ứng xử phù hợp với con riêng của vợ, chồng.

Trước khi quyết định kết hôn, cả hai hãy cùng nhau bàn bạc chia sẻ những khó khăn thuận lợi khi sống chung một nhà. Phải thống nhất được rằng, trong cuộc hôn nhân “tập sau” này thì lợi ích của con trẻ là quan trọng nhất. Cả hai cũng cần thiết lập những nguyên tắc ứng xử ngay từ đầu khi con riêng của mỗi phía tị nạnh, ganh đua, đánh cãi nhau khiến mọi chuyện rối tung. Khi những đứa trẻ cư xử không phải phép, vợ chồng và con cái nên ngồi lại với nhau để bàn bạc, nói rõ những điều chưa đúng để trẻ thay đổi, thậm chí tạm thời thay đổi môi trường sống của trẻ (gửi trẻ về bên nội, bên ngoại) để trẻ bình tâm hoặc suy xét lại hành động của mình.

Trên hết, để cuộc hôn nhân “rổ rá cạp lại” bền vững, hạnh phúc, giải quyết xung đột êm thấm giữa vợ với chồng về quyền lợi của con riêng thì tự bản thân người vợ, chồng phải gạt bỏ cái tôi ích kỷ để thực sự yêu thương, chia sẻ và cùng bù đắp cho những đứa trẻ. Chính sự kiên nhẫn, bình tĩnh, đức hy sinh, dẹp bỏ những toan tính, ích kỷ tầm thường sẽ là “liều thuốc” hóa giải xung đột và là cầu nối hạnh phúc giữa các thành viên trong gia đình.

Phương Linh
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Điểm mặt những ngôi sao thành danh khi quyết định Nam tiến