Tình yêu son sắt của cặp vợ chồng tật nguyền

Khương Mỹ 2015-06-29 10:08
- Ông bị cụt 1 chân và mù 1 mắt, còn bà thì bị cụt cả 2 chân. Thế nhưng, vượt qua bao lời dị nghị, họ vẫn quyết tâm đến với nhau và hiện đang sống rất hạnh phúc
Cùng chung nỗi đau 
Miền Trung những ngày nắng hanh hao, từ thành phố Đà Nẵng vượt hơn 70 km chúng tôi tìm về xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện cổ tích tình yêu “mắt vợ chân chồng” mà người dân xứ Quảng thường hay khen ngợi.
Về đến đầu làng, may mắn được một người dân địa phương nhiệt tình dẫn đường, vừa đi ông vừa chia sẻ: “Vợ chồng anh Định, chị Tưởng thì ở đây ai cũng thương, cũng quý hết. Cả 2 vợ chồng đều bị tật nguyền thế nhưng họ đã vượt lên bao lời dị nghị để đến với nhau bằng tình yêu thương chân thành và hiện họ đang sống rất hạnh phúc khiến nhiều người phải trầm trồ, ngưỡng mộ…”.
Vừa kết thúc câu chuyện cũng là lúc chúng tôi đến được căn nhà đơn sơ của  anh Phạm Văn Định (56 tuổi) và chị Nguyễn Thị Tưởng (58 tuổi). Dù đang lui cui làm những chiếc quạt mo cau trước sân nhưng khi thấy chúng tôi ghé thăm, ông bà nghỉ tay tiếp khách. Có nghe được câu chuyện tình yêu của đôi vợ chồng khiếm khuyết ấy thì mới thấy được cuộc đời này vẫn còn nhiều điều kỳ diệu, được viết lên bằng tình yêu thương giữa người với người.
Tình yêu không tật nguyền của đôi vợ chồng cụt chân

Bà Tưởng bị cụt cả 2 chân do bom mìn trong chiến tranh (Ảnh: Khương Mỹ) 

Dẫn chúng tôi vào căn nhà đơn sơ, rót vội cốc nước chè xanh nóng hổi mời khách, ông Định bắt đầu kể về “tuổi thơ dữ dội” của mình. Ông Định bị dị tật từ nhỏ, nhưng không phải bẩm sinh mà do chiến tranh. Mồ côi cha mẹ từ lúc 5 tuổi, được người bác ruột thương tình cưu mang trong cảnh nghèo khó, để có cái ăn, hằng ngày ông Định phải đi chăn trâu thuê cho các điền chủ.
Năm vừa tròn 9 tuổi, trong một lần chăn trâu trên núi, ông Định không may dẫm phải mìn. Nhờ được đưa vào viện cấp cứu kịp thời nên giữ được mạng sống nhưng hậu quả khiến đôi mắt của ông bị hỏng và cụt chân bên phải. Sau khi khoẻ lại, không muốn làm gánh nặng cho gia đình người bác, ông Định xin vào cô nhi viện để tá túc.
Cùng chung nỗi bất hạnh như chồng, bà Tưởng luôn đồng cảm với ông. Sinh ra trong một gia đình nghèo có đông anh em, năm lên 7 tuổi, lúc cả nhà đang sum họp bên mâm cơm trưa thì bất ngờ bị quân địch ném bom khiến cha mẹ, anh em của bà đều chết thảm. Tỉnh dậy sau tiếng nổ to, bà thấy mình nằm trong bệnh viện. Nhìn xuống dưới, bà khóc không thành tiếng khi đôi chân của mình đã không còn.
Cùng chung nỗi đau tật nguyền, hai con người tưởng như xa lạ lại nhanh chóng tìm thấy ở nhau sự đồng cảm.
Hạnh phúc không khuyết
Sau ngày đất nước thống nhất, cô nhi viện giải thể, anh Định và chị Tưởng không biết đi đâu. Vì đã quý mến nhau từ trước nên từ đó họ quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Dù xung quanh có dăm ba lời ra tiếng vào ác ý về việc “thằng cụt lấy con què” thì “lấy cái gì mà ăn”, nhưng anh chị vẫn tổ chức lễ cưới. Ngày nên nghĩa vợ chồng, cô dâu không váy cưới xúng xính, bữa tiệc không rộn ràng mâm cao cỗ đầy, chỉ vỏn vẹn ấm trà, vài ba gói kẹo, điếu thuốc nhưng đầy ắp tiếng cười và lời chúc phúc.
Tình yêu không tật nguyền của đôi vợ chồng cụt chân

Hằng ngày bà Tưởng làm quạt mo cau cho chồng đi bán (Ảnh: Khương Mỹ) 

Cứ ngỡ, lấy nhau về vợ chồng ông Định sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng chính sự quyết tâm vượt lên số phận, họ đã chứng minh cho mọi người thấy rằng tình yêu là sức mạnh có thể giúp con người vượt qua tất cả mọi bất hạnh. Cứ thế, gần 40 năm qua, bà làm mắt cho ông, ông lại làm chân cho bà. Hai vợ chồng hỗ trợ nhau trong tình yêu thương, êm ấm, khiến không ít người phải trầm trồ thán phục.
Do bị cụt cả 2 chân, việc đi lại khó khăn nên bà Tưởng ở nhà chăn nuôi gà thả vườn, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, bà lại làm quạt mo cau cho chồng đi bán. Hằng ngày ông Định đi khắp các tuyến đường lớn nhỏ của phố cổ Hội An để bán quạt mo cau và dầu xức. Để tiết kiệm chi phí, khoảng nửa tháng ông Định mới về nhà thăm vợ một lần. Tuy cuộc sống vất vả, nhọc nhằn là vậy, nhưng từ khi lấy nhau đến giờ ông bà luôn sống trọn từng ngày hạnh phúc và hết mực yêu thương nhau.
Khi anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi hỏi người bị tàn tật như ông nhưng mỗi ngày phải đi bộ hàng chục km ông có thấy mệt không, rít một hơi thuốc lá thật dài rồi ông Định nói to với cái giọng đặc sệt tiếng Quảng Nam: “Mệt ngất đi chớ sao không chú. Người bình thường mà mỗi ngày đi bộ hàng chục cây số đã đuối đơ rồi huống hồ chi là thân già đui mù lại bị cụt một chân như tui. Nhưng cứ mỗi lần mệt mỏi, nghĩ về vợ ở nhà là tui lại có động lực để đi bán tiếp. Tui thực sự hạnh phúc và may mắn khi lấy được một người như bà ấy làm vợ. Từ lúc nên duyên vợ chồng với bả, tui bỗng thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn rất nhiều…"
Tình yêu son sắt của cặp vợ chồng tật nguyền

Ông Định đang đi bán quạt mo cau và dầu xức ở Hội An (Ảnh: Khương Mỹ) 

Ngồi bên cạnh nghe ông Định tâm sự, bà Tưởng quay sang âu yếm nhìn chồng rồi mỉm cười nói: “Đến chừ tui vẫn còn nhớ như in lời “cầu hôn” của ổng. Lúc tui đang lo lắng không biết đi về đâu khi cô nhi viện giải thể thì ổng chạy đến nắm lấy tay tui và nói em thương anh thì hãy làm vợ anh, 2 đứa mình có khoai ăn khoai, có cơm mình ăn cơm, anh nhất định sẽ mang lại được hạnh phúc cho em, nghe vậy tui gật đầu đồng ý luôn… 
Dù bây chừ cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn và mong ước lớn nhất cuộc đời là có đứa con để nuôi nhưng do tui bị ảnh hưởng của bom đạn nên không thể sinh con như những người phụ nữ khác. Nhiều lúc cũng chạnh lòng lắm nhưng nghĩ lại có người chồng luôn yêu thương, chia ngọt sẻ bùi với mình nên tui cũng thấy mãn nguyện lắm rồi...”.
Chúng tôi ra về lúc ông Định, bà Tưởng đang ngồi trước hiên nhà, lắng tai nghe chiếc radio cũ kỹ phát bài cải lương “Chuyện tình Lan và Điệp”, đôi vợ chồng già ngồi bên nhau, đôi mắt hấp háy nhìn vào khoảng không vô định. Hình ảnh ấy chợt khiến tôi nhận ra rằng, mỗi người đều có cách tìm hạnh phúc theo nhiều kiểu của riêng mình. Đôi khi hạnh phúc bình dị mà cũng cao cả lắm và câu chuyện tình “mắt vợ chân chồng” này là một ví dụ như vậy.
Bài, ảnh: Khương Mỹ
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Nếu tim vẫn đầy thương tổn, đừng nên vội vã kiếm tìm tình yêu