Tâm nguyện lay động trái tim bác sĩ của nữ bệnh nhân mắc ung thư vú mong ước đóng góp cho đời

2017-11-06 06:45
- Với bệnh nhân ung thư hoàn toàn có thể hiến giác mạc cho y học sau khi qua đời vì bộ phận này không chịu tác động của hóa chất, xạ trị.

Vì sao bệnh nhân ung thư có thể hiến được giác mạc?

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Ths.BS Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người chia sẻ câu chuyện cảm động về một bệnh nhân ung thư vú mà bác sĩ Phúc quen biết mong muốn hiến tạng. Bệnh nhân nữ này ngoài 30 tuổi, không may mắc phải căn bệnh ung thư vú, đã điều trị nhiều năm.

Bệnh nhân nữ trên mong mỏi, giá như khỏe mạnh để được hiến tạng, làm một việc gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời trước khi chết. Nhưng vì mắc căn bệnh ung thư cho nên chị không thể thực hiện được ước nguyện đó. Khi biết được tâm nguyện của bệnh nhân, bác sĩ Phúc rất cảm động và khuyên bệnh nhân nên đăng ký hiến tạng.

“Đăng ký hiến tạng là quyền của công dân, còn việc có lấy được bộ phận nào hay không thì là câu chuyện của ngành y tế. Sau khi bệnh nhân nói trên mất, chúng tôi đã lấy hai bên giác mạc của bệnh nhân để ghép cho một bệnh nhân khác”, Th.BS Phúc nói.

Bệnh nhân ung thư có thể hiến tạng được hay không?

Ảnh phía trên là giác mạc chưa được ghép, ảnh dưới là giác mạc sau khi được ghép (ảnh TS.BS Phạm Ngọc Đông, Bệnh viện mắt Trung ương cung cấp).

Th.BS Phúc cho hay, tất cả người khỏe mạnh trên 18 tuổi đều có thể đăng ký hiến tạng. Người hiến tạng khi còn sống có thể hiến một phân lá gan, một phận thận, da, xương. Với một người chết hoặc chết não có thể hiến các mô, tạng như: 01 quả Tim, 02 lá Gan, 02 quả Thận, 01 Tụy, 02 lá phổi, 02 giác mạc, da, xương, gân, sụn…

Giải thích thêm về việc vì sao bệnh nhân ung thư vẫn có thể hiến được giác mạc, bác sĩ Hoàng Thanh Tùng, Đại học Y Hà Nội cho hay, nếu như các mô tạng trong cơ thể của bệnh nhân ung thư đều bị ảnh hưởng do quá trình điều trị thì giác mạc rất ít chịu ảnh hưởng của quá trình điều trị bệnh lý. Giác mạc là một màng xơ trong suốt, không có mạch máu, cơ quan khá đặc biệt của cơ thể nên nó không được nuôi dưỡng trực tiếp bằng các mạch máu

Giác mạc của con người được nuôi dưỡng theo nguyên tắc thẩm thấu (đường bạch huyết, thẩm thấu từ nước mắt qua biểu mô, thẩm thấu từ thủy dịch nội mô. Cho nên, khi điều trị ung thư bằng hóa chất, xạ trị không làm ảnh hưởng tới cơ quan này như các bộ phận khác của cơ thể.

Lấy đi giác mạc, đôi mắt không thay đổi gì

Với sự hỗ trợ của công nghệ cao, việc lấy giác mạc hiện nay rất dễ dàng và nhanh chóng. Một cặp giác mạc lấy ra sẽ cứu giúp được cho 3-4 bệnh nhân có thể nhìn thấy ánh sáng. Vùng giác mạc trung tâm có thể được cấy ghép cho hai bệnh nhân cần giác mạc thay thế, còn phần viền giác mạc có thể làm phẫu thuật cho bệnh nhân bị mắc cườm mắt.

Theo bác sĩ Tùng, giác mạc chỉ chiếm 1/6 của trục nhãn cầu, là một phần rất nhỏ của đôi mắt. Lấy đi một phần giác mạc thì đôi mắt vẫn còn ở đó. Sau thủ thuật lấy giác mạc sẽ phải bù lại phần đã lấy vì vậy người hiến đôi mắt vẫn gần như bình thường.

“Sau khi đậy mi mắt xuống thì dung nhan của người lấy hoàn toàn bình thường. Không hề có sự thay đổi hình dạng trên khuôn mặt nó giống như chưa có gì xảy ra”, bác sĩ Tùng nói.

Hiện nay, số lượng người chờ đợi ghép giác mạc rất nhiều, bác sĩ Tùng khuyên mọi người nên có nhìn nhận đúng về hiến giác mạc và mô, tạng khác. Hiến tạng là một hành động mang tính chất nhân văn mang đến cơ hội sống cho người khác, bản thân bác sĩ Tùng cũng đã đăng ký hiến toàn bộ mô tạng sau khi chết.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Anh đừng bất chợt một ngày lại nhớ tới em