Nhiễm trùng, teo da vì lạm dụng thuốc bôi ngoài da
2016-03-23 08:00
- Nhiều người vẫn tưởng thuốc bôi ngoài da không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nhưng thực tế, loại thuốc bôi này có thể gây nhiều nguy cơ khôn lường nếu sử dụng sai cách.
Tin liên quan
Thuốc dạng mỡ, dạng kem chưa hẳn đã an toàn
Thuốc mỡ có tác dụng dịu nhẹ với da và niêm mạc, được nhiều người tin dùng. Chính vì mọi người nghĩ thuốc mỡ “lành” như thế nên sử dụng mà không hề lo ngại. Thuốc mỡ được một số người sử dụng với mọi loại vết thương mà không cần biết có tác dụng hay không.
Thuốc là dạng mỡ nên khi sử dụng khiến sự trao đổi chất giữa chỗ bị bôi thuốc và môi trường bên ngoài bị hạn chế. Thuốc dễ gây bẩn quần áo và khó rửa sạch bằng nước vì cảm giác bị nhớt do thuốc mỡ mang lại.
Đối với những vết thương có nguy cơ nhiễm trùng cao, nhiều người vẫn quá tin tưởng vào tác dụng của thuốc mỡ và tự ý sử dụng khiến cho vết thương không những không khỏi mà còn nặng hơn vì nhiễm trùng.
Ví dụ điển hình là trường hợp của chị Lan Hương, ở Cầu Giấy, Hà Nội. Chị đã gặp rắc rối không nhỏ với thuốc bôi ngoài da dạng mỡ. "Tôi bị ngã, trên tay có vết sỏi đâm vào, chảy khá nhiều máu, sau khi cầm máu xong, tôi thấy cũng không nghiêm trọng lắm nên tự mua thuốc mỡ về bôi, nào ngờ vết thương mưng mủ, nhiễm trùng nặng hơn. Đến bệnh viện, tôi mới biết, vết thương hở đó dính tạp chất, chưa được loại bỏ, tôi lại bôi phủ lên 1 lớp thuốc mỡ, vậy là thành ra nhiễm trùng nặng."
Khác với thuốc mỡ, thuốc dạng kem không làm cản trở sự trao đổi chất bình thường giữa chỗ bị bôi thuốc và môi trường bên ngoài. Đây là dạng kem dễ sử dụng, không gây bẩn và rất dễ rửa sạch. Khi sử dụng dạng kem này có tác dụng làm dịu mát, khô ráo vết thương vì nó có khả năng hút được các chất dịch tiết ra từ vết thương.
Thuốc dạng kem không làm cho vết thương bị khô bỏng rát và vẫn giữ được độ ẩm cần thiết cho da. Vì nhiều người cũng thấy được tác dụng “hút dịch” này nên đã lạm dụng để bôi vùng âm đạo, với mục đích để da được khô ráo. Tuy nhiên, việc sử dụng không đúng cách vô tình lại đưa vi khuẩn vào cơ thể mà chị em không biết.
Teo da vì lạm dụng thuốc bôi có chứa corticoid
Chị Thu Hường, ở Cầu Giấy, Hà Nội buồn bã chia sẻ câu chuyện của bản thân với sự hối hận vì thiếu hiểu biết: “Con gái ở tuổi dậy thì, mụn trứng cá mọc nhiều quá, tôi nghe nói thuốc corticoid bôi rất có hiệu quả nên mua về cho cháu dùng, sử dụng thời gian đầu thì thấy đúng là tình trạng mụn thuyên giảm. Nhưng cháu bôi được một thời gian thì da có dấu hiệu lạ. Tôi cho cháu đi khám thì bác sĩ cho biết da cháu đang có hiện tượng bị teo da do sử dụng thuốc corticoid”.
Nhóm corticoid là tên gọi được sử dụng rộng rãi cho việc điều trị các bệnh ngoài da. Đây là loại thuốc được bày bán nhiều và được người dân sử dụng một cách tràn lan. Hễ có dấu hiệu bất thường trên da là người dân có thể tự ý đi ra hiệu thuốc mua loại thuốc bôi này về dùng. Thuốc có tác dụng nhanh khiến nhiều người lầm tưởng đây là thuốc tốt.
Trên thực tế, nếu sử dụng thuốc bôi không đúng bệnh, không đúng cách thì sẽ có rất nhiều tác dụng phụ có thể xảy ra. Thậm chí bệnh không thể khỏi mà còn nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị tiếp theo của các bác sĩ.
Ngoài ra, khi sử dụng thuốc không đúng còn xảy ra tình trạng rạn da, giãn mạch, xuất huyết, rối loạn sắc tố, bùng phát nhiễm khuẩn, nấm, virut, làm chậm liền vết thương, viêm da tiếp xúc dị ứng do thành phần có trong tá dược.
Với các bệnh nhân bị chứng viêm da cơ địa hoặc bị eczema khi bôi corticoid có thể tiến triển nặng hơn. Đây gọi là chứng trơ với corticoid. Nhiều người dùng thuốc không thấy tác dụng lại nghĩ phải dùng thời gian dài nên cứ tiếp tục duy trì sử dụng, rồi dẫn đến hiện tượng da bị bỏng rát, dị ứng nặng.
Người bệnh sử dụng thuốc này kéo dài khiến cho lớp sừng và thượng bì mỏng hơn, người bệnh sẽ rất dễ bị kích ứng da, làm da bị yếu đi, rất nhạy cảm với các loại mỹ phẩm, thậm chí là với cả thời tiết. Đến lúc tình trạng như vậy, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa và lập tức dừng thuốc bôi corticoid và thay bằng các thuốc có chất làm mềm da, phục hồi da sau tổn thương do bác sĩ chỉ định.
Ngoài những hiện tượng teo da, da yếu đi, giảm sắc tố da, dễ bị nhiễm trùng cho mất sức đề kháng, thuốc bôi corticoid còn có thể thẩm thấu qua da vào máu gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cơ thể có thể phù nề, rối loạn chuyển hóa lipid, nguy cơ bị teo tuyến thượng thận, ảnh hưởng tới nội tiết do người bệnh sử dụng thường xuyên loại thuốc này. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc có corticoid còn có thể làm cho người bệnh bị loãng xương, tăng huyết áp, làm giảm sức đề kháng của cơ thể.
Lưu ý: Khi có những dấu hiệu bất thường trên da, người bệnh cần phải đi khám ở những nơi uy tín để phát hiện đúng bệnh. Từ đó có những hướng điều trị tích cực. Khi đã có sự chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối, tránh tình trạng bỏ thuốc hoặc bôi quá liều lượng. Tránh bôi thuốc ở diện rộng để hạn chế dị ứng, gây biến chứng toàn thân. Bên cạnh đó, người bệnh nên chú ý vệ sinh cá nhân thật tốt để tránh lây lan sang người khác hoặc vùng da khác.
Hạnh Vân
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
7 mẹo trang điểm hoàn hảo cho ngày nắng nóng