Món khoái khẩu mùa World Cup nhưng chế biến không cẩn thẩn có ngày bỏng nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch

2018-07-02 14:19
- Nhiều người nướng mực để ăn nhưng không ngờ hậu quả có thể xảy ra rất đáng sợ.

Chị Nguyễn Hải Yên (Vĩnh Phúc) là bệnh nhân bị bỏng cồn đang điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia. Chị Yên chia sẻ, khi chị mang bia cho khách, nhân viên nướng mực đổ thêm cồn vào khiến ngọn lửa bùng nên nhân viên hất cả khay mực lên người chị.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bé Nguyễn Hải Nam không may bị bỏng cồn do chơi gần chỗ người lớn nướng mực. Theo người nhà bệnh nhân, khi đang nướng mực, người lớn tưởng hết lửa đã đổ thêm cồn vào khiến ngọn lửa bùng lên. Bé Nam chơi gần đó bị bỏng. Bé trai này nhập viện trong tình trạng bỏng độ 3, diện tích bỏng 15%.

Nắng nóng cao điểm tăng nguy cơ bỏng vì thói quen dùng cồn làm chín thức ăn

Bỏng cồn rất nguy hiểm, ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, thời gian gần đây, số bệnh nhân nhập viện do bỏng cồn tăng cao so với các dịp khác. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng trùng vào dịp diễn ra World Cup, nhiều người thường nướng mực uống bia hoặc các gia đình đi du lịch mua mực về làm quà.

Bỏng cồn rất nguy hiểm, dễ để lại biến chứng

Bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Phó trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội khuyến cáo bỏng cồn rất nguy hiểm có thể gây chết người. Đặc điểm bị bỏng cồn thường rất nặng thường, để lại sẹo co trên da, với thời gian điều trị khá lâu.

Bệnh nhân bỏng cồn thường bị bỏng phần mặt (mất thẩm mỹ), các chi dưới và trên. Tùy theo mức độ bỏng mà các tổn thương để lại sẽ rất khác nhau. Bỏng cồn nặng có thể gây ra tình trạng tổn thương các giác quan và tổn thương đường hô hấp, có nguy cơ tử vong cao.

Theo bác sĩ Giang, bỏng cồn thường xảy ra khi tiếp thêm cồn trong khi lửa vẫn cháy âm ỉ có ánh sáng xanh hoặc trắng nên bằng mắt thường khó phát hiện việc lửa đã tắt hay chưa. Khi tiếp tục đổ cồn vào khiến lửa bùng lên rất nguy hiểm. 

Bác sĩ Giang cho hay: “Hiện nay, mọi người không nhận thức được hậu quả của bỏng cồn nên vẫn chủ quan. Để nướng chín thức ăn nên dùng than, bếp lửa sẽ an toàn hơn. Nếu nướng bằng cồn cần phải để lửa tắt hoàn toàn mới cho thêm cồn vào”.

Mọi người nên hạn chế sử dụng cồn nước, vì nếu đổ ra ngoài hoặc đổ lên người sẽ bốc cháy rất nhanh, dễ gây bỏng nặng. Bởi, cồn nước tuy không có khả năng gây nổ nhưng rất dễ cháy lan.

Khi có nạn nhân bị bỏng cồn cần phải dập tắt lửa bằng nước, không cố lột bỏ quần áo trên người nạn nhân khi đã cháy. Sau đó, người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bí quyết làm đẹp da siêu tiết kiệm cho từng loại da