Xâm hại tình dục nhan nhản trên truyền thông, MXH: Liều thuốc mạnh chống xâm hại hay con dao sắc lẹm cứa thêm nỗi đau?

2017-03-16 14:10
- Đúng là trước tội ác với trẻ, chúng ta không thể thờ ơ. Nhưng với tần suất dày đặc thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội có thật sự là “liều thuốc mạnh” chống lại nạn xâm hại tình dục? Hay đây lại là những con dao sắc lẹm cứa thêm vào nỗi đau?

Những ngày qua, thông tin liên quan đến các vụ xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện tràn lan trên những phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội. Vấn nạn này đang được coi là hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ những “mầm non” còn nhiều lỗ hổng.

Sự việc cháu N.Y (8 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị người đàn ông gần nhà xâm hại tình dục từ cuối năm ngoái và cháu bé ở Vũng Tàu bị cụ ông 76 tuổi có hành vi dâm ô vẫn chưa khép lại khi những người đàn ông kia chưa chịu hình phạt thích đáng của pháp luật.

Dư luận xã hội, nhất là các phụ huynh không thể chấp nhận được hành vi đồi bại của những kẻ “yêu râu xanh” đã gieo rắc nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần cho những đứa trẻ. Chắc hẳn, trước những cái ác dư luận không thể im lặng.

Xâm hại tình dục nhan nhản trên truyền thông, MXH: Liều thuốc mạnh chống xâm hại hay con dao sắc lẹm cứa thêm nỗi đau?

Phẫn nộ trước nỗi đau mà con cái mình phải gánh chịu, những bậc cha mẹ đành nuốt nước mắt vào trong để viết lên những dòng tố cáo đẫm cay đắng. Họ lên tiếng yếu ớt bảo vệ con khi bị xâm hại. Và khi cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ trắng đen thì phần nào nỗi đau của họ được vơi đi. Nhưng, để vết thương chờ ngày lành sẹo có khi cũng hết cả cuộc đời.

Sau những vụ trẻ bị xâm hại tình dục, điều mà các chuyên gia tâm lý lo ngại là những đứa trẻ sẽ không vượt qua được cú sốc quá lớn về tinh thần khi chúng còn quá non nớt.

Thực tế, đã có nhiều “tấn bi kịch” xảy ra! Trẻ bị xâm hại tình dục phải chịu ảnh hưởng rất lớn không chỉ về thể xác mà đặc biệt là tâm lý của trẻ. Bị đau về thể xác chưa là gì so với những ám ảnh tâm lý của trẻ. Trẻ dễ bị tổn hại về tinh thần, nhất là trẻ có thần kinh yếu, sẽ dẫn đến bị tâm thần, trầm cảm và cuối cùng sẽ đến tự tử.

Đối với trẻ nhỏ hơn sẽ bị hoảng loạn, bỏ ăn, cơ thể suy nhược… Sau những vụ việc đau lòng trên, nếu cha mẹ không tạo một môi trường tốt, trẻ sẽ rất dễ bị ám ảnh về mặt tinh thần, sống trong sợ hãi suốt cả đời.

Thế nên, nhiều ý kiến cho rằng, xâm hại tình dục là tội ác nhục nhã nhất, đáng hổ thẹn nhất mà chúng ta cần phải lên án và phản đối. Nếu chúng ta còn im lặng thì sẽ còn có thêm nhiều em bé phải chịu đựng nỗi đau đớn về thể xác và sự giày vò về tinh thần.

Một chuyên gia xã hội học thốt lên rằng: “Tôi rất bức xúc khi tại sao chúng ta đòi hỏi người con gái phải nguyên vẹn trinh tiết khi về nhà chồng nhưng lại im lặng trước những vụ xâm hại tình dục này. Nhiều gia đình dù phát hiện ra sự việc nhưng lại chọn cách im lặng?”.

Đúng là trước tội ác với trẻ, chúng ta không thể thờ ơ. Nhưng với tần suất dày đặc thông tin xuất hiện trên các phương tiện truyền, mạng xã hội có thật sự là “liều thuốc mạnh” chống lại nạn xâm hại tình dục? Hay đây lại là những con dao sắc lẹm cứa thêm vào nỗi đau của những người đang cố nguôi ngoai đi nỗi đau sâu thẳm tột cùng?

Thực tế, đã có những em bé không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục. Nhiều em bé bị cắt đi toàn bộ phần phụ sau khi kẻ thủ ác đạt được điều hắn mong muốn. Với những em bé này, cuộc sống chấm dứt ngay từ khi bé chỉ vừa bắt đầu. Một đứa trẻ lành lặn, xinh đẹp, khỏe mạnh bỗng chốc trở thành tật nguyền về cả tâm hồn lẫn thể xác. Nỗi đau đớn đó trẻ sẽ mãi mãi mang theo cho đến tận khi xuống mồ và không ai muốn khơi lại, cứa lại nỗi đau.

Đã có những vụ việc xâm hại lắng xuống, nhưng mỗi “đợt sóng” dấy lên lại khiến giới truyền thông lật lại, xâu xé, xử lý lại thông tin. Họ chỉ biết có những thông tin nhiều chiều nhất đến độc giả của mình mà không lường được, những lần đào xới lại này là một lần khiến những đứa rẻ bị xâm hại và gia đình của họ thêm một lần “sống trong sợ hãi”.

xâm hại tình dục trẻ em

Với tần suất xuất hiện các vụ xâm hại tình dục trẻ em dày đặc trên các phương tiện truyền thông, ở một khía cạnh nào đó còn gây nên sự nghi hoặc và ngờ vực với nhiều người. Hiện, có nhiều người thay vì bày tỏ thông cảm với nạn nhân lại quay ra nghi ngờ, chê trách họ và người nhà. Họ cay nghiệt cho rằng, chính cách ăn mặc dễ dãi hoặc dại dột chơi với kẻ xấu đã gây nên mối hiểm họa này cho chính nạn nhân. Và tất nhiên, ai biết miệng lưỡi thế gian còn “cứa” thêm nỗi đau nào khác cay nghiệt vào con trẻ.

Thiết nghĩ, thay vì truyền thông đưa tin các vụ xâm hại tình dục với tần suất thái quá, nhan nhản như hiện nay, chúng ta nên tập trung thông tin nhiều hơn đến các biện pháp thiết thực để bảo vệ trẻ. Và quan trọng hơn, có thể định hướng, hướng dẫn được các phụ huynh cần phải làm thế nào để biết cách dạy trẻ tự bảo vệ mình, dạy cho trẻ kỹ năng sống để không còn những nỗi đau nào bước qua đời trẻ nữa, để trẻ không còn nỗi bất an và nguy hiểm rình rập nào khi ở nhà, ở trường…

Phương Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Loạt mỹ nhân Việt sang Mỹ du lịch, chữa bệnh nhưng trở về lại có baby 'đính kèm'