Không chịu nổi những pha sợ "đứng tim" khi trông trẻ, cô giáo mầm non xin xuống làm phụ bếp

Thu Hà 2017-11-09 14:00
- Có vô vàn những pha trẻ làm cô giáo mầm non sợ “đứng tim”. Có nhiều việc không tên cô phải làm bên cạnh việc chăm sóc trẻ nhưng phụ huynh hầu như chẳng ai biết.

Xin xuống làm phụ bếp sau sự cố không ngờ

Mất một thời gian dài học tập và làm việc, chị Nguyễn Minh Anh (Hà Đông, Hà Nội) được lên lớp làm cô giáo mầm non. Vậy mà sau vài năm đứng lớp, mới đây, chị Minh Anh đã xin xuống làm phụ bếp.

Quyết định này của chị khiến ai cũng ngạc nhiên. Vì thường cô phụ bếp nào cũng mong muốn được rời bếp lên dạy trẻ cho đỡ vất vả.

"Làm bếp cũng vất vả nhưng tinh thần thoải mái, không phải lo lắng về những chuyện không thể lường trước được như dạy trẻ", chị Minh Anh lý giải.

Không chịu nổi những pha sợ đứng tim khi trông trẻ, cô giáo mầm non xin xuống làm phụ bếp

Cô giáo mầm non phải đối mặt với vô vàn tình huống khó lường từ những đứa trẻ hiếu động. Ảnh: Thu Hà

Sự cố xảy ra trên lớp gần đây là "giọt nước tràn ly", khiến chị Minh Anh đi đến quyết định xuống làm phụ bếp. Chẳng là trong lớp có một học sinh hay được chị gái (đang học lớp 2) hay theo mẹ đến đón em. Những hôm mẹ chưa đến, chị gái thường xin cô cho vào lớp chơi cùng em.

Không ngờ hôm đó, chị vào lớp chơi rồi dẫn em về nhà từ lúc nào. Phụ huynh đến đón không thấy con đâu. Các cô giáo tá hỏa lên đi tìm. 

Rất may hai chị em đã dắt nhau về nhà, không đi lung tung, hoặc ra đường cái đầy xe cộ. Suốt một tuần sau sự cố đó, lúc nào cô giáo Minh Anh cũng thấy lo nơm nớp. Chị thấy lo ngay cả khi đã về nhà. Buổi tối đến là lo có phụ huynh gọi điện hỏi cô giáo.

Đây chỉ là một trong những sự cố sợ đứng tim của cô giáo mầm non. Chị Minh Anh khẳng định đã làm nghề này là chấp nhận đối mặt với các sự cố không thể lường trước được từ bọn trẻ nghịch ngợm, hiếu động. 

Không chịu nổi những pha sợ đứng tim khi trông trẻ, cô giáo mầm non xin xuống làm phụ bếp

Cô giáo rất vất vả để trông chừng, quản lý mấy chục đứa trẻ cùng lúc chạy nhảy, nô đùa. Ảnh: Thu Hà

Một lần khác, chị Minh Anh cho học sinh đi ngủ trưa. Lớp học buổi trưa im phăng phắc, không một tiếng động. Vậy mà đến lúc bọn trẻ ngủ dậy, chị bàng hoàng phát hiện mặt của một bé gái trong lớp chảy máu. “Hoá ra trong lúc ngủ, bé gái bị bạn nằm cạnh cào cấu nhưng không hiểu sao bé lại nằm im thin thít cho bạn cấu, không khóc, không kể cô giáo”, chị Minh Anh kể.

Quá sợ hãi, chị lập tức lau mặt cho học sinh rồi gọi điện thông báo cho phụ huynh của bé. Cũng may phụ huynh thông cảm, không trách cô giáo vì cũng biết trẻ con nghịch ngợm.

Nhưng theo cô Minh Anh, có không ít phụ huynh "hổ báo", chỉ cần con bị một vết cấu nhỏ hoặc con kể bị bạn cấu, không biết thực hư ra sao đã phản ánh lên hiệu trưởng, đòi đuổi việc cô giáo.

Những nỗi vất vả “không tên, không ai trả thêm lương”

"Mỗi ngày đến lớp là một sự cố khác nhau. Vì mấy chục đứa trẻ cùng nhau chơi trong một không gian, không thể tránh được việc trẻ tranh giành đồ chơi, cắn cấu lẫn nhau. Các cô lúc nào cũng phải căng mắt, căng tai, vừa dạy vừa để ý trẻ nhưng cũng không xuể. Chúng tôi chỉ thấy nhẹ lòng khi trẻ đến và về an toàn mà thôi", cô giáo Minh Anh giãi bày.

Bản thân cô Minh Anh cảm thấy không ngại việc đối mặt với phụ huynh "hổ báo". Nhưng điều khiến chị ám ảnh nhất, sợ hãi nhất chính là làm sao để an toàn cho từng đứa trẻ từ lúc đón cho đến khi trả trẻ.

Không chịu nổi những pha sợ đứng tim khi trông trẻ, cô giáo mầm non xin xuống làm phụ bếp

Chị bảo cô giáo mầm non "siêu nhân ba đầu sáu tay" là ví von hoàn toàn chính xác. Vì ngoài trông trẻ, cô còn phải làm giáo án, đi học nâng cao nghiệp vụ, làm đồ chơi, học cụ cho trẻ, trang trí lớp mỗi năm mấy bận. Những công việc dành cho trẻ không tên, không có ai trả thêm lương và cũng không phụ huynh nào biết.

Hiện tại, lương của cô giáo Minh Anh được gần 5 triệu đồng/ tháng. So với thu nhập mặt bằng chung của xã hội, đây không phải là thu nhập cao. Nếu nuôi hai con nhỏ, chồng không kiếm được thì sẽ rất vất vả để trang trải cuộc sống.

Cô Bích Thủy, hiện đang làm việc tại trường mầm non công lập tại Hà Nội cho biết, lương của cô sau 5 năm theo nghề cũng chỉ quanh quẩn ở mức 5 triệu đồng. “Thẳng thắn mà nói, giáo viên mầm non chỉ có “thu nhập thêm” vào những ngày lễ Tết, phụ huynh có chút ít cảm ơn cô giáo. Ngoài ra không có thêm khoản thu nhập phụ khác. Muốn có, chúng tôi chỉ còn cách bán hàng online sau giờ làm việc. Kiếm thêm được bao nhiêu tùy thuộc vận may của mỗi người", cô Bích Thủy bộc bạch. 

Có lần, phụ huynh nhờ chị vuốt sống mũi giúp cho con họ dễ ngủ trưa. Chị Bích Thủy đã từ chối ngay lời nhờ vả này, không phải vì chị sợ tốn thêm công trông nom trẻ. “Chỉ sợ cô vuốt sống mũi cho trò dễ ngủ, đứa trẻ sẽ về kể với bố mẹ là cô giáo đánh vào mũi. Chuyện cô giáo làm một đằng, trẻ về dựng chuyện kể một nẻo với bố mẹ, gây hiểu lầm, khó dễ cho cô giáo là không hề hiếm”, chị Bích Thủy nói.

Theo chị Thủy cảm nhận, đây là nghề “của một đồng, công vô kể”. “Vất vả là thế nhưng nhiều khi chúng tôi cảm giác nghề cô giáo mầm non vẫn không được mọi người coi trọng. Phụ huynh có chúc mừng cô giáo mầm non ngày 20/11 cũng chỉ là một cách để cô lưu ý đến con cái của họ nhiều hơn. Sự quan tâm, cảm ơn cô chân thành thì có lẽ cực kỳ hiếm hoi”, cô giáo này bộc bạch. 

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 bài tập đơn giản trong 5 phút giúp bạn gái có được đôi chân bút chì thon gọn như IU