Chuyện phá thai: Bác sĩ với trái tim "lạnh" vẫn "toát mồ hôi"

Thủy Nguyên 2014-09-22 10:51
- (Em đẹp) - Bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Khoa sản, Trung tâm Y tế Thái Hà) đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm nhưng vẫn không quên được những ca phá thai khiến bà cũng "toát mồ hôi".
>>> Chuyện người thu thập hài nhi lìa đời khi đang thành hình

Bác sĩ đau đầu với ca khó


11h trưa, tại khu vực ghế chờ của một phòng khám sản khoa nằm trên đường Thái Hà (Hà Nội) vẫn khá đông đúc. Hầu hết trong số họ đều là những gương mặt còn non nớt. Những ánh nhìn đầy thăm dò nhưng cũng khá sợ sệt của các cô gái, chàng trai luôn hướng về phía có tiếng cánh cửa mở với những bước chân vào – ra vội vã.

Nhiều người hốt hoảng, giật mình khi được bác sĩ "xướng tên". Và trong phòng khám phụ khoa, tôi cũng vô tình bắt gặp những nét lo âu hiện rõ trên gương mặt của một vài cô gái đang ngồi chờ tới lượt mình bước lên chiếc giường được trải lớp khăn trắng muốt...

Trò chuyện với phóng viên Emdep.vn, T (nhân viên phòng khám) vừa tìm bảng exel ghi tên bệnh nhân tới khám vừa thở dài khi được hỏi về những ông bố, bà mẹ trẻ "bất đắc dĩ" và số phận những hài nhi xấu số.


Bác sĩ Kim Dung cho rằng, nạo phá thai là trường hợp bất đắc dĩ, phụ nữ luôn là nạn nhân của chính mình.

Mặc dù vào nghề chưa lâu nhưng làm việc ở phòng khám sản - phụ khoa, T đã chứng kiến không ít những giọt nước mắt, tiếng kêu xé lòng của sản phụ khi phải bỏ thai nhi. Nhưng những gương mặt lãnh đạm, vô cảm, những lời nài nỉ van xin để được phá thai của nhiều cô gái cũng khiến nhân viên này bị ám ảnh. Trong số đó, có không ít trường hợp là thuộc thế hệ 9X.

Còn với bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Khoa Sản - Trung tâm y tế Thái Hà), trong cuộc đời "cầm dao kéo" không nhớ hết bao nhiêu lần đã thực hiện những ca nạo, phá, hút thai. Nhiều năm kinh nghiệm là thế nhưng cũng không ít lần bác sĩ Dung phải "toát mồ hôi".

Và mỗi lần nhắc tới trường hợp phá thai của cô bé 16 tuổi là cháu của một người bạn đồng nghiệp lại khiến bác sĩ Dung trầm ngâm. Một cô bé non nớt với gương mặt còn hồn nhiên trẻ con nhưng lại mang thai đến 3,5 tháng mới nói với gia đình. Để làm mẹ vào thời điểm đó, có lẽ là điều không tưởng với cô bé ấy. Hơn nữa, tương lai dài với biết bao dự định, con đường học hành và sự nghiệp đang ở phía trước.

"Ngày ấy, tôi không khỏi giật mình khi biết người yêu của cô bé là một kẻ nghiện ngập. Cô bé đã gọi điện nói với người yêu vì gia đình yêu cầu phá thai. Thậm chí, hắn đã dọa sẽ phá phòng khám nếu bác sĩ thực hiện thủ thuật để phá thai. Tôi đã phải bàn bạc với người nhà và quyết định đưa cô bé vào trong một căn phòng. Chị gái của cô bé thì thuê bảo vệ đứng canh bên ngoài cho tới khi mọi việc được thực hiện an toàn. Cho đến giờ, câu chuyện của cô bé đó vẫn là những ám ảnh trong tôi. Nhưng mọi việc rồi cũng qua và cô bé ấy cũng đã trưởng thành hơn cả trong lối sống và cách nghĩ”, bác sĩ Dung chia sẻ.

Trong câu chuyện với phóng viên Emdep.vn, bác sĩ Dung không quên nhắc lại câu chuyện lúc mang thai tháng thứ 9 nhưng vẫn phải thực hiện ca nạo, phá thai cho bệnh nhân.

Bác sĩ Dung kể: "Thai trong bụng tôi đã ở tháng thứ 9 nên rất khó ngồi bình thường để làm việc. Khi đó, mọi người phải kê chăn ở dưới mông cho tôi. Còn tôi thì kì cạch phá thai cho người khác. Bản thân tôi cũng từng sảy thai nên khi chứng kiến hình ảnh đó, bố tôi không đồng ý và yêu cầu cấp trên cử người thực hiện ca phá thai này thay tôi".

>>> Chuyện rùng mình ở phòng phá thai: Click xem chi tiết

Nhiều khi không dám nghĩ về những ca nạo, hút thai

Với bác sĩ Dung, làm công việc này, vấn đề y đức là rất nặng nề. Bệnh nhân mang thai ngoài ý muốn tới khám, có người với tâm trạng hoảng loạn nhưng cũng có những người cảm xúc đã "trơ". Và bà luôn phải cởi mở để không khiến cho bệnh nhân cảm thấy mặc cảm hay sợ hãi.  Thậm chí, sau khi thực hiện xong việc nạo, phá thai cho bệnh nhân, bác sĩ Dung không cho phép mình suy nghĩ về những cảm xúc đã trải qua.

"Tôi luôn đưa ra cho họ câu hỏi: "Tại sao không giữ được" và yêu cầu họ cân nhắc lại trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là bỏ đi quyền sống của một đứa trẻ. Đồng thời, tôi tư vấn cho họ rõ các nguy cơ có thể xảy ra khi thực hiện thủ thuật này, trừ những trường hợp bất khả kháng. Trái tim của người bác sĩ làm nghề này cũng phải thật “lạnh”, luôn đặt công việc lên trên đầu mà bỏ qua cảm xúc của mình, của bệnh nhân"
, bác sĩ Dung tâm sự.

Rồi bác sĩ nhớ lại câu chuyện của một cô gái ở Hà Nội vì sợ đến các trung tâm nạo phá thai nên đã dùng thuốc phá thai nhanh tại nhà. Nhưng sau khi uống thuốc xong, cô gái ấy bị đau bụng, băng huyết rất nhiều. Lúc ấy vì quá hoảng hốt, cô gái mới tới đây để kiểm tra. "Cũng may cô gái ấy tới khám sớm nếu không sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng", bác sĩ Dung nói.

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, dù đã được bác sĩ tư vấn, khuyên nhủ nên giữ lại cái thai nhưng vì điều kiện kinh tế, sợ hàng xóm và họ hàng dị nghị… nên nhiều người vẫn quyết tâm bỏ thai.

"Nạo phá thai là trường hợp bất đắc dĩ, phụ nữ luôn là nạn nhân của chính mình. Chính vì thế, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra cũng như đảm bảo cho tương lai của chính mình, cần hạn chế tối đa việc nạo phá thai. Cuộc sống luôn do mình làm chủ, kể cả trong việc quan hệ tình dục và tránh thai", đó là điều tâm niệm của vị bác sĩ này.

Khi hỏi về những nguy cơ khi nạo, phá thai, bác sĩ Dung nói, câu chuyện này không ít lần được đề cập đến. Nạo, hút, phá thai luôn tiềm ẩn những nguy cơ, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

Phá thai và những hệ lụy lâu dài:

"Có nhiều phương pháp phá thai khác nhau và đã có những cải tiến lớn, nhưng phương pháp nào cũng để lại tâm lý với người phụ nữ. Nhẹ thì có thể dẫn tới suy nhược cơ thể trong thời gian dài, mắc bệnh trầm cảm, phụ khoa, rối loạn nội tiết, nặng thì có thể hôn mê, xuất huyết, tử cung bị thủng, nhiễm trùng, vô sinh, thậm chí ảnh hưởng tới cả tính mạng sau khi quyết định phá thai", bác sĩ Dung khẳng định.

Chia sẻ về nguy cơ có thể xảy ra khi nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết: "Nếu phá thai ở tuổi vị thành niên thì mức độ mắc bệnh và biến chứng sau này còn nặng nề hơn nhiều. Vì hầu hết các bạn ở lứa tuổi này thường có kiến thức rất nông về thai nghén, khả năng có thai cũng như hoạt động tình dục sẽ ảnh hưởng nhiều. Sau khi phát hiện có thai, một số bạn giấu gia đình và tự đưa ra quyết định "giải quyết" ở các cơ sở bất hợp pháp, không an toàn… nên những biến chứng xảy ra là không tránh khỏi".

Thêm vào đó, việc nhiều chị em tự ý dùng thuốc phá thai cũng là điều rất tai hại, ảnh hưởng tới chính sức khỏe của thai phụ. Đây cũng là nguy cơ rất lớn dẫn tới việc có chửa ngoài tử cung ở người phụ nữ. Nếu không phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Là bác sĩ sản khoa đã thực hiện không ít ca nạo phá thai, đã trăn trở rất nhiều mỗi khi đưa ra quyết định với thai phụ và đứa bé, bác sĩ Lê Thị Kim Dung khuyên: "Mỗi người nên tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Sự thiếu hiểu biết trong vấn đề nạo phá thai có thể sẽ để lại những ân hận, ám ảnh suốt đời không chỉ với thai phụ mà với cả những người chứng kiến sự việc đó".

Có thể bạn quan tâm:

Cứu sản phụ sa dây rau tại Bạch Mai: Gặp nữ điều dưỡng người Nhật "mát tay"


Chuyên gia y tế mách những cách đơn giản nhất phòng dịch Ebola

Trẻ vừa sốt đã muốn tiêm, truyền dịch: Bố mẹ "điếc không sợ súng"


Thủy Nguyên
logo smaill


Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bài tập vận động toàn thân dành cho dân văn phòng