Phận đời sau những tiếng rao đêm chốn thị thành

Thùy Linh 2014-09-21 08:09
- (Em đẹp) - Tiếng rao đêm văng vẳng lúc trời đã về khuya khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng, đằng sau đó là biết bao số phận...
Hình ảnh những người phụ nữ đạp xe với ngô luộc, khoai nướng, bánh mỳ… cùng tiếng rao đi đến khắp mọi ngõ ngách trong thành phố mỗi tối đã không còn xa lạ với nhiều người. Nhưng mấy ai biết sau những chiếc xe hàng rong ấy là biết bao vui buồn, vất vả xen lẫn những khoảng lặng trong tầm hồn người phụ nữ.

Tủi cực phận tha hương

Những người phụ nữ bán hàng rong đêm ở Hà Nội hầu hết đều là dân tỉnh lẻ rời quê hương đến thành phố với mong muốn kiếm được thu nhập cao hơn. Bên cạnh những người bán ban ngày còn có nhiều chị em phải đạp xe rong ruổi trên nhiều con đường trong đêm tối.

Hàng đêm trên chiếc xe đạp cà tàng đã cũ, chị Oanh (Nghệ An) lại rong ruổi khắp nhiều con ngõ của Hà Nội. Nhớ lại ngày mới ra Thủ đô, đường đi lối lại chưa thuộc, sau 6 năm gắn bó với chiếc xe cà tàng không biết quãng đường chị đã đi dài bao nhiêu km, chỉ biết bây giờ tấm bản đồ đường phố đã được xếp gọn một góc ở phòng trọ không cần dùng đến.

Quyết định ra Thủ đô bán xôi xéo, bánh mỳ nóng ban đêm sau khi gia cảnh túng quẫn do người chồng cờ bạc, rượu chè. Bỏ lại tất cả ở quê, nuốt nước mắt vào trong, chị Oanh một thân một mình lặn lội kiếm tiền. Nhiều đêm bán hàng quá khuya nhìn dòng người thưa thớt, đi vào các con ngõ rao bánh mỳ mà lòng chị cứ thắt lại.

Chị Oanh nói: "Bán hàng từ trưa, đến 9h tối là chân mỏi lắm rồi, nghĩ nhiều người trong chăn ấm đệm êm mà tôi cũng tủi thân. Nhưng vì miếng cơm manh áo nên bản thân phải vậy. Hôm bán hết còn đỡ, chứ hôm nào ế hàng, cả đêm về tiếc đứt ruột còn không ngủ được".


Sau những chiếc xe bán hàng đêm là nhiều số phận cuộc đời.

Bán hàng ở khu vực Cầu Giấy đã nhiều năm nay, cứ gần tối chị Nguyễn Thị Hoa bày biện đủ thứ từ ngô luộc, khoai, xúc xích rán, bánh mỳ pate để đi rao khắp nơi. Tất cả đều được xếp gọn gàng và che chắn cẩn thận để tránh khói xe và bụi đường. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoa cho biết, quê gốc chị ở Thái Bình và lên Hà Nội đã được 4 năm. Ngày chồng chị "nướng" toàn bộ đất đai nhà cửa cho lô đề cũng là lúc chị quyết định ly hôn, dắt con về nhà ngoại.

Tự thấy làm ruộng quanh năm không đủ nuôi con ăn học, chị đành để hai đứa con lại cho bà ngoại chăm sóc rồi một thân một mình lên đất Thủ đô kiếm tiền với nghề bán ngô, bánh mỳ ban đêm. Công việc vất vả, sau một ngày nhọc nhằn nhưng chị Hoa chỉ chi tiêu rất tằn tiện, ăn uống qua quýt cho đủ bữa với cơm, canh đạm bạc.

Theo lời chị Hoa, ngày nào chị cũng cố bán hết hàng rồi mới đạp xe về căn phòng chật hẹp thuê chung cùng mấy người bạn với giá 600.000 đồng/tháng.

"Có hôm về đến nơi toàn thân đau ê ẩm sau một ngày làm việc, nhìn đồng hồ cũng đã quá 12 giờ đêm. Nghề bán hàng rong vốn đã vất vả, lại còn bán đến tận khuya còn mệt mỏi hơn nhiều. Người bán thì nhiều nên lời lãi chả được bao nhiêu. Vậy nên hôm nào mà ế hàng coi như lỗ vốn. Đặc điểm do ngô, khoai chóng thiu nên không để hôm sau bán được, đành phải cố bán đến khuya, khi nào hết hàng mới dám về, chả riêng gì tôi mà mấy chị em khác cũng vậy thôi", chị Hoa tâm sự.

Với những người bán hàng rong, chuyện bị ăn quỵt và móc túi không phải là hiếm, chị Thảo (bán hàng gần chợ Nhà Xanh, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, những ngày đầu mới dọn hàng ra do không đề phòng nên chuyện bị "thó" củ khoai, bắp ngô lúc đêm tối là chuyện thường.

Tuy nhiên, nỗi ám ảnh nhất với những người bán hàng khuya là những con nghiện "xin đểu". Một người bán bánh mỳ đêm tại bến xe Nam Thăng Long (Hà Nội) ngậm ngùi: "Phận đàn bà một thân một mình không dám cãi lại, lúc đấy chỉ có nước khóc lóc, van xin chúng nó thương tình cầm tạm cái bánh hay lấy tiền ít đi một chút".

Hi sinh đời mình vì tương lai các con

Đất nông nghiệp có hạn, làm quanh năm thu nhập không được là bao nhưng cực chẳng đã mới phải rời quê đi kiếm tiền ở nơi xa vì tương lai của các con là quan điểm của nhiều người đạp xe bán hàng đêm.

Chị Thắm (Hưng Yên) chia sẻ: "Chẳng ai muốn tha hương để bỏ nhà, bỏ quê, con cái đi kiếm tiền thế này, nhưng không đi thì lấy đâu tiền mà chi tiêu. Cho nên, dù có thương con, nhớ nhà, tôi cũng phải cố nén lại để tiếp tục buôn bán mưu sinh. Mùa hè còn đỡ chứ mùa đông lang thang từ chập tối đến tận đêm khuya với cái rét cắt da cắt thịt, chân tay tê cóng không muốn cử động, môi thâm tím vì lạnh, hai hàm răng cứ đánh vào nhau lập cập. Nhìn người ta áo đơn áo kép, mình thì quần áo chả đâu vào đâu nghĩ mà tủi thân".


Tiếng rao đêm nhọc nhằn là vậy nhưng nhiều người vẫn phải cố gắng.


Không ngần ngại tâm sự về những khó khăn của nghề, chị Thùy (Bắc Ninh) cho biết: "Làm nghề này nguy hiểm nhất là đêm hôm mưa to gió lớn, chả biết trú vào đâu, đường Hà Nội thì nhiều cây lớn, đạp xe chạy mưa vừa lo sợ sét đánh trúng lại vừa sợ cây đổ trúng người”. Nhiều lần đi bán gặp cơn mưa lớn khiến chị Thùy ốm cả tuần, không người chăm sóc nên cứ triền miên lúc tỉnh lúc mê, khi cảm thấy khỏe hơn chút lại gượng dậy để khỏi mất khách.

Một thân một mình mưu sinh ở thành phố, những ngời phụ nữ này chỉ mong đến dịp cuối năm để được về thăm quê, để tận hưởng cái không khí của gia đình quây quần mà suốt cả năm trời họ không có được. Khi được hỏi sao cứ phải đợi tới dịp cuối năm mới về thăm nhà, chị Hoa cười nói: "Một năm mà về quê những 3 - 4 lần sao được, chỉ tính tiền tàu xe rồi tiền quà cáp cộng thêm mấy ngày nghỉ bán nữa thì coi như hết cả vốn. Chỉ có cuối năm người ta nghỉ hết thì những người như chúng tôi mới tranh thủ về thăm gia đình”.

Thùy Linh
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 người đẹp Việt thừa nhận 'chỉnh sửa' một vài điểm trên mặt