Tips quan trọng giúp mẹ phục hồi cơ thể thời kì hậu sản

2015-12-09 11:44
- Mẹ sinh thường có thời gian hồi phục nhanh hơn mẹ sinh mổ, nhưng vẫn cần lưu ý đến một số vấn đề trong cách chăm sóc sau sinh.

Khoảng thời gian từ 6-8 tuần sau sinh (hay còn gọi là thời kỳ hậu sản) là giai đoạn rất quan trọng đối với sản phụ. Ngay sau khi sinh các cơ quan trong cơ thể người mẹ bắt đầu hồi phục, trở về trạng thái bình thường trước khi mang thai. Việc chăm sóc sản phụ trong thời kỳ hậu sản cần được chú trọng, bởi nếu không sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của sản phụ

- Sau sinh, mẹ sẽ cảm nhận những cơn co thắt ở vùng bụng dưới. Đây được gọi là cơn co dạ con do tử cung đang co lại để trở về kích cỡ ban đầu. Quá trình này mất khoảng 6-8 tuần. Cho con bú mẹ sớm và bú thường xuyên sẽ giúp cơ thể mẹ tăng sản xuất hormone oxytocin, từ đó kích thích các cơn co, thúc đẩy sự phục hồi nhanh của tử cung.

- Mẹ có thể cảm thấy đau nhức ở vùng cổ, hàm hoặc bắp tay. Đây là hiện tượng bình thường do cơ thể vừa trải qua cuộc vượt cạn, và thường sẽ biến mất sau vài ngày.

- Sau sinh, âm đạo sẽ tiết ra sản dịch  (dịch và máu còn lại trong tử cung và đường sinh dục). Khoảng 2-3 ngày đầu sau sinh, máu chiếm phần lớn thành phần trong sản dịch nên sản dịch có màu đỏ tươi, sau đổi sang màu đỏ sậm như bã trầu. Từ 4-8 ngày sau sinh, sản dịch sẽ loãng dần và có màu hồng nhạt. Dần dần, sản dịch tiết ra ít đi và chỉ có màu trắng hoặc hơi vàng. Tùy cơ địa mỗi người, sản dịch sẽ hết trong khoảng 2-4 tuần, tối đa là 2 tháng. Để nhanh hết sản dịch, mẹ nên đi lại nhẹ nhàng, tránh nằm lâu, ngồi lâu một chỗ. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn cũng giúp sản dịch nhanh chóng được đẩy ra ngoài cơ thể, tránh được nguy cơ bế tắc sản dịch sau sinh.

Tips quan trọng giúp mẹ phục hồi cơ thể thời kì hậu sản

- Vùng âm đạo có thể đau nhức, bị tê cứng, khó chịu. Nếu sản phụ bị rạch tầng sinh môn, các triệu chứng này có thể trầm trọng hơn rất nhiều.

- Bàn chân và chân vẫn có thể sưng, phù.

- Vài tuần đầu sau sinh, sản phụ gặp khó khăn trong việc tiểu tiện, đại tiện. Vết rạch tầng sinh môn có thể gây cho sản phụ cảm giác đau buốt, bí tiểu, sợ đi tiểu. Ngoài ra, táo bón cũng là vấn đề thường gặp sau sinh.

-  Ngực căng sữa khó chịu do các mô tuyến sữa bắt đầu sản xuất và dự trữ sữa nuôi bé. Tình trạng này có thể kéo dài 1-2 ngày sau đó sữa mới thực sự chảy ra. Khi đã có sữa, mẹ nên cho bé bú thường xuyên, bú đủ cả hai bên vú. Bé không bú hết thì vắt sữa dư ra. Nếu không ngực căng sữa lâu sẽ dẫn đến tắc tia sữa, thậm chí gây viêm nhiễm tuyến vú rất nguy hiểm.

Chăm sóc sản phụ sau sinh thường

Sau sinh, bản thân sản phụ phải có ý thức tự chăm sóc bản thân. Cơ thể hồi phục nhanh mới có thể có điều kiện để chăm sóc con tốt. So với sinh mổ, hồi phục sau sinh thường sẽ nhanh hơn rất nhiều. Sản phụ chỉ cần chú ý đến các vết khâu tầng sinh môn, sản dịch và các cơn co dạ con có gì bất thường hay không.

Ngoài việc nghỉ ngơi, ngủ nhiều, vận động nhẹ nhàng nhưng không làm việc nặng, sản phụ cần lưu ý đến một số cách chăm sóc sau sinh sau:

- Sản phụ có thể đặt miếng dán lạnh vào băng vệ sinh để giảm các triệu chứng đau nhức do rạch tầng sinh môn.

- Khi tiểu tiện, có thể xối nước ấm vào âm đạo để giảm cảm giác đau buốt.

- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô ráo.

- Ngồi dậy, nằm xuống từ từ.

- Nếu bị bí tiểu, có thể chườm nóng, xoa bụng dưới để tiểu tiện dễ dàng hơn.

- Kiểm tra vết khâu tầng sinh môn thường xuyên. Nếu có bất kỳ dấu hiệu như sưng nề, bầm tím, tấy đỏ, đau nhức nhiều, chân chỉ có mủ…thì cần đi khám ngay. Chú ý thay băng vệ sinh nhiều lần trong ngày, giữ vùng kín sạch sẽ, khô ráo.  

Lam Khê
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Các anh đã biết về 'quy tắc con số 4' chưa?