Dùng ớt cay, hành hút chất độc khi chó cắn, cách làm sai bét chớ thực hiện

2018-04-21 17:00
- Những cách hút chất độc bằng nặn, đắp lá hay gia vị cay cũng không có tác dụng.

Mới đây, trên mạng xã hội, một nam thanh niên cho biết bản thân vừa bị chó cắn. Mặc dù, chó đã được tiêm phòng nhưng bản thân không khỏi lo lắng. Người quen của chàng trai này còn lấy hành tím và ớt buộc vào vết cắn để hút chất độc. Chàng trai này băn khoăn không biết có nên đi khám hay tiêm vắc xin phòng dại hay không.

Các cư dân mạng khác cho rằng việc quan trọng là cần đi tiêm vắc xin phòng dại để yên tâm. Có người còn chỉ rõ: "Hành tím và ớt chỉ là gia vị làm sao hút được chất độc. Để yên tâm thì nên đi tiêm vắc xin, bởi chó tiêm phòng dại cũng không biết có chắc chắn không".

Một người khác cho rằng khi virus gây bệnh dại thâm nhập qua vết thương lúc cắn, có thể thâm nhập vào cơ thể và gây bệnh nếu không cẩn thận. "Theo tôi nên đi tiêm phòng là an toàn nhất", cư dân mạng này cho hay.

Không thể hút chất độc?

Trao đổi với Emdep.vn, bác sĩ Trần Hiền (Phòng khám đa khoa Hiền Minh) cho hay, không có cơ sở khoa học nào nói rằng dùng hành tím và ớt buộc vào vết thương là hút được hết chất độc ra khỏi cơ thể. Đây là hiểu nhầm tai hại có thể khiến cho virus dại thâm nhập vào cơ thể. 

"Với trường hợp này, theo tôi nghĩ nên đi tiêm vắc xin phòng dại để đảm bảo yên tâm. Nếu đi tiêm muộn, cơ thể đã phát bệnh dại thì không cứu chữa được. Những cách hút chất độc bằng nặn, đắp lá hay gia vị cay cũng không có tác dụng. Tính mạng là không đùa được, nên không được chủ quan", bác sĩ nói.

Ngoài ra, người bị cắn phải theo dõi trong khoảng 15 ngày. Nếu chó có các dấu hiệu bất thường, phát dại phải đi tiêm vắc xin ngay. Nếu chó vẫn bình thường thì không lo bệnh dại. Trong trường hợp chó vẫn bình thường, không nên quá lo lắng.

Theo lời khuyên của bác sĩ, mọi người tuyêt đối không nghe theo những cách truyền tai đắp lá, đắp ớt hay hành mà có thể loại bỏ hay hút được chất độc. Sau khi bị chó cắn,  cần xử lý ngay vết cắn bằng xà phòng hoặc với nước sạch trong vòng 15 phút, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iôt hoặc povidone - iodine (nếu có).

Mùa hè đang đến gần cũng là thời điểm thuận lợi cho bệnh dại. Ngoài việc cẩn thận khi đi lại, tiếp xúc với chó mèo thì các gia đình nuôi các con vật này cũng phải chú ý rọ mõm khi đưa chó ra đường, tiêm phòng đầy đủ hằng năm. Khi chó mèo có các dấu hiệu bất thường như hung dữ, cắn người phải nhốt lại để kiểm tra, xem xét.

Vắc xin phòng bệnh dại là an toàn với mọi người. Với phụ nữ có thai, nếu phải tiêm phòng dại cần có sự tư vấn cụ thể, cẩn thận của bác sĩ.

Theo bác sĩ Hiền, hiện nay, nhiều gia đình nuôi chó, méo và không ít người tiếp xúc với các con vật này rất gần gũi, kể cả ngủ chung. Tuy nhiên, việc quan trọng đầu tiên phải quan tâm là tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh dại lại chưa được chú trọng.

Trên thực tế, nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị chó mèo cắn không gây bệnh dại nhưng để lại hậu quả đáng sợ, thương tích ở mặt và cơ thể dẫn đến những nỗi đau đáng sợ. Do đó, các bậc phụ huynh nuôi con nhỏ cũng cần kiểm soát chó, méo tránh để trẻ tiếp xúc quá gần dẫn đến hậu quả đáng tiếc. 

Đông Ngân

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cách trang điểm cho nàng tóc đen: Toàn mẹo 'nhỏ mà có võ'