Bị đối tượng nhiễm HIV đâm kim vào tay, bác sĩ từng hoảng loạn viết di chúc

2016-12-19 06:30
- “Bản thân tôi nghĩ có lẽ đã cầm chắc bản án nhiễm HIV trong tay. Lúc đó, tôi đã viết sẵn di chúc, chuẩn bị tình huống xấu nhất có thể ra đi bất cứ lúc nào".

Sự việc bất ngờ

Trầm ngâm, khá ít lời là những gì chúng tôi cảm nhận khi tiếp xúc với bác sĩ Hoàng Hải Hà, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện 09. Sau một lúc trò chuyện, bác sĩ Hà mới bắt đầu mở lòng. Anh là người thấm thía hơn ai hết sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Bác sĩ viết di chúc chuẩn bị sẵn cái chết vì án tử phơi nhiễm HIV

Bác sĩ Hà từng bị đối tượng nhiễm HIV tiêm xi lanh máu vào người vào năm 2011. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy, anh âm tính với HIV.

Cách đây 15 năm (năm 2001), bác sĩ Hà công tác tại Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân, Hà Nội. Thời điểm đó, công an Quận Thanh Xuân có bắt được 8 đối tượng phạm tội, một trong các đối tượng đó bị nhiễm HIV.

Theo lời bác sĩ Hà, lúc đó mọi người chỉ nghĩ đối tượng nói dối để được đưa điều trị. Sau đó, đối tượng trên được đưa tới Trung tâm Y tế Quận Thanh Xuân lấy máu làm xét nghiệm.

Khi bác sĩ Hà đang lấy máu để xét nghiệm, đối tượng này đột nhiên đứng dậy và cầm xi lanh đầy máu rồi đâm kim tiêm vào tay bác sĩ này.

Mặc dù lo lắng, hoang mang nhưng bác sĩ Hà vẫn hoàn tất công việc của mình. Anh dùng số máu còn lại của đối tượng trong xi lanh để xét nghiệm. Khoảng 5 phút sau, bác sĩ Hà cầm trên tay kết quả đối tượng dương tính với HIV.

“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ bản thân phải tìm mọi cách để dùng thuốc chống phơi nhiễm một cách nhanh nhất. Năm 2001, thuốc chống phơi nhiễm cực kỳ ít. Cả thành phố chỉ được 10 liều dành cho người bị phơi nhiễm. Sau hơn 10 tiếng, tôi được uống thuốc phơi nhiễm”, bác sĩ Hà nói.

Bác sĩ Hà hiểu hơn ai hết trường hợp phơi nhiễm của anh vô cùng nguy hiểm. Ngay cả các giáo sư trong ngành cũng không dám đưa ra kết luận hay tiên lượng về trường hợp của anh.

“Anh Trần Quốc Tuấn là người tiếp nhận hồ sơ điều trị của tôi (hiện nay giám đốc bệnh viện 09) nói yên tâm điều trị, chỉ cần uống thuốc phơi nhiễm 10 ngày là không đáng lo. Nhưng khi xem bệnh án của tôi, anh Tuấn lặng người, không dám khẳng định về chuyện tôi có thể thoát khỏi án tử HIV hay không. Giáo sư Viêm (khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai) cũng lắc đầu không nói gì”, bác sĩ Hà chia sẻ.

1 năm sống còn hơn cả địa ngục

Bác sĩ Hà tâm sự: “Bản thân tôi làm trong ngành nên hiểu rõ trường hợp phơi nhiễm của mình rất đặc biệt. Tôi bị cả xi lanh máu có vi rút HIV tiêm thẳng vào chứ không phải dẫm phải kim tiêm dính máu hay bị vết dao rạch. Thời gian đầu, tôi đã cực kỳ sốc và coi như đã cầm chắc bản án HIV. Tôi đã viết sẵn di chúc, chuẩn bị tình huống xấu nhất có thể ra đi bất cứ lúc nào”

May mắn kết quả xét nghiệm 1 tháng, 3 rồi 6, 9 tháng và cuối cùng là 12 tháng cho kết quả âm tính với HIV. Lúc đó, bác sĩ Hà mới thở phào.

phơi nhiêm

Bác sĩ Hà đang xử lý vết thương cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, suốt 1 năm thấp thỏm, bác sĩ Hà cảm giác mọi thứ như "địa ngục". Thời điểm đó, con bác sĩ Hà còn rất nhỏ chỉ mới 2-3 tuổi, vợ trẻ, bố mẹ già… bản thân còn rất nhiều dự định tương lai chưa làm được cho gia đình. Bỗng nhiên sự việc xảy ra, anh Hà gần như muốn buông bỏ cuộc sống, ngày đêm lo lắng không yên.

Theo lời bác sĩ Hà, anh đã chuẩn bị sẵn cho cái chết của mình bằng cách lập kế hoạch rất tường tận. Anh sắp xếp công việc, nghĩ sẽ làm được gì, những gì còn dang dở... “Tôi dồn hết số tiền mình có để mua một mảnh đất gần nhà ngoại cho vợ con để lỡ qua đời thì vợ tiện chăm sóc cho ông bà hai bên", bác sĩ Hà chia sẻ.

Nhớ về khoảng thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, bác sĩ Hà vẫn không thể nào quên cảm giác bị đồng nghiệp xa lánh, nhìn con ở nhà mà không dám lại gần.

Và cũng chính trong thời gian này ,anh thấm thía được sự kỳ thị của mọi người với bệnh nhân nhiễm HIV. Người kỳ thị anh không ai khác chính là những bạn bè đồng nghiệp. Nhiều người nhìn thấy anh sẽ lảng tránh hoặc không dám ngồi gần. .

“Mọi đồ dùng cá nhân như cốc, khăn mặt, bàn chải của tôi đều khiến mọi người sợ hãi", bác sĩ Hà tâm sự.

Thấu hiểu được những nỗi tủi hờn của căn bệnh thế kỷ, bác sĩ Hà đã tự nguyện xin chuyển công tác về Bệnh viện 09 để chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối.

Vì có thời gian sống trong cảnh lo lắng, bác sĩ Hà hiểu nỗi lòng của những bệnh nhân điều trị tại đây. Những bệnh nhân tại bệnh viện 09 không gọi anh là bác sĩ mà gọi anh với từ gần gũi như: “bố Hà”, “chú Hà"...

Chị T.T.P.A (Đông Anh, Hà Nội) - bệnh nhân đang điều trị tại khoa Nội chia sẻ: “Chú là bác sĩ rất đặc biệt. Chú không chỉ điều trị bệnh mà còn xoa dịu nỗi đau tinh thần cho bệnh nhân. Ngay cả chuyện đời tư, gia đình, tôi cũng nhờ chú Hà giúp đỡ. Mỗi lần tôi và chồng cãi nhau, chú lại đứng ra phân xử. Vợ chồng tôi mang ơn chú rất nhiều”.

 

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Tôi xin lỗi, vì đã từng gặp em