Ăn thực phẩm có tồn dư kháng sinh, mắc bệnh không thuốc chữa

2016-12-17 06:13
- Nguy cơ con người bị kháng kháng sinh không chỉ nằm ở việc sử dụng thuốc kháng sinh sai cách mà còn do tiêu thụ thực phẩm chứa tồn dư kháng sinh.

Trong thời đại hiện nay, mối lo lắng hàng đầu của người dân và các nhà chức trách là vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, đặc biệt là tồn dư chất kháng sinh trong thực phẩm. Cũng như chất tạo nạc, các loại kháng sinh tồn dư trong thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Tình trạng cơ thể con người kháng kháng sinh không chỉ xảy ra khi sử dụng thuốc kháng sinh không đúng liều lượng mà có thể xảy ra khi cơ thể hấp thụ liên tục thuốc kháng sinh từ thực phẩm.

Ông Nguyễn Đình Đảng – Cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: “Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi thường phải sử dụng kháng sinh để giống vật nuôi khỏe mạnh, mang lại giá trị kinh tế. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, tôi luôn lo lắng vật nuôi bị giết mổ đã đủ thời gian để loại bỏ các chất kháng sinh hay chưa, nếu chưa thì những kháng sinh này sẽ đến miệng người tiêu dùng".

Nguy cơ con người bị kháng kháng sinh từ chính nguồn thực phẩm

Nhiều người chăn nuôi thường sử dụng kháng sinh cho vật nuôi, nếu sử dụng sai cách sẽ để lại hậu quả nguy hại cho người tiêu dùng (Ảnh minh họa).

Theo GS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), hậu quả của việc con người ăn nhiều thực phẩm còn tồn dư kháng sinh là bản thân có thể bị kháng thuốc.

Ông cho biết, khi con người bị bệnh sẽ sử dụng liều lượng kháng sinh cao dùng trong y tế để diệt hoàn toàn vi sinh vật gây bệnh. Khi lượng kháng sinh tồn dư này đi vào cơ thể, các vi sinh vật đang "chờ đợi" trong cơ thể sẽ làm quen với thuốc.

GS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: "Hiện tượng thích ứng của vi sinh vật đối với kháng sinh trong cơ thể con người nếu chưa đủ liều sẽ sinh ra hiện tượng quen thuốc, hay còn gọi là nhờn thuốc. Khi quen rồi, vi sinh vật này sẽ phát triển và gây bệnh cho cơ thể, không có thuốc trị. Lúc này, các bác sĩ sẽ phải tìm kiếm những loại kháng sinh mạnh hơn nhiều so với kháng sinh thông thường để chữa bệnh, nghiêm trọng hơn nữa là không tìm ra thuốc để chữa".

GS Thịnh cũng cảnh báo, hiện tượng nhờn thuốc kháng sinh đang ngày càng nhiều. Thậm chí, nhiều loại thuốc kháng sinh trước kia có hiệu lực cao nhưng hiện nay không có hiệu lực hoặc hiệu quả chữa trị thấp. 

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới TW cho biết: "Kháng sinh được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản với mục đích kích thích tăng trưởng, phòng bệnh và điều trị. Tại Viện Nam, chăn nuôi lợn và gia cầm thường được bổ sung kháng sinh như tetracycline và tylosin. Trong nuôi trồng thủy sản, tôm, cua và cá thường có tồn dư lượng kháng sinh nhóm quinolones".

kháng sinh

Ăn thực phẩm có tồn dư kháng sinh sẽ khiến cơ thể kháng kháng sinh gây ra tình trạng "mắc bệnh không thuốc chữa" (Ảnh minh họa).

Lưu ý gì để tránh kháng kháng sinh?

Thế nhưng việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là điều cần thiết để phòng bệnh cho động vật, gia cầm và tăng năng suất. Các nhà quản lý cũng đã thừa nhận chỉ có thể quản lý chất kháng sinh cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi để hạn chế khả năng động vật còn dư thừa chất kháng sinh khi xuất chuồng. 

Có thể thấy từ việc tiêm kháng sinh, cho gia súc ăn cám chứa chất kháng sinh để phòng bệnh trong thời gian dài có khả năng khiến vi khuẩn trong cơ thể động vật phát triển thành siêu vi khuẩn kháng thuốc. Những siêu vi khuẩn này có thể lây sang những người thường có tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc có thể tồn tại lâu hơn ở thịt chưa được nấu chín kỹ.

Trong nhiều trường hợp, các vi khuẩn kháng kháng sinh này cũng có thể phát tán sang các loại thực vật, rau cỏ, nếu người trồng sử dụng phân bón hoặc phân động vật bón cho cây. Những thứ này sẽ tiếp tục đến miệng người ăn và truyền vi khuẩn vào cơ thể.

Bằng nhiều con đường như vậy, các siêu vi khuẩn kháng thuốc sẽ xâm nhập vào cơ thể con người, gây nên bệnh tật khó chữa, thậm chí là có thể tạo các tuýp bệnh không có thuốc chữa.

Hiện nay, tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề y tế toàn cầu. TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo mọi người cần hạn chế sử dụng kháng sinh nếu không cần thiết, đồng thời nhấn mạnh cách phòng bệnh tốt nhất là tăng cường sức đề kháng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cũng như tiêu thụ các thực phẩm hợp vệ sinh.

Còn trong việc chăn nuôi, ông Nguyễn Đình Đảng – Cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, người nuôi chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn cho vật nuôi dưới sự giám sát của cán bộ thú y; không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng cho vật nuôi; tiêm phòng vaxin cho vật nuôi để giảm việc dùng thuốc kháng sinh. 

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Điểm danh 6 món chè thanh mát mùa hè mẹ đảm không thể bỏ qua