Những người trẻ hay kêu ca...

2015-09-04 05:56
- Thở than thực ra đó cũng là cách người ta bung tỏa ra ngoài những ẩn ức của bản thân, những khó khăn mình đang phải đối mặt, tiềm ẩn trong đó còn là sự mong chờ giải pháp.
Lên mạng xã hội facebook bây giờ không khó để bắt gặp những lời thở than của người trẻ. Từ những việc lẻ tẻ như nhà mất nước, hết tiền cho đến việc vi mô như người yêu bỏ, chưa có việc làm. Đời sống ảo đã thế, ở đời sống thực những lời thở than còn phong phú, đa dạng và càng day dứt sầu não hơn.
 Thở than thực ra đó cũng là cách người ta bung tỏa ra ngoài những ẩn ức của bản thân, những khó khăn mình đang phải đối mặt, tiềm ẩn trong đó còn là sự mong chờ giải pháp. Mạng xã hội phần nào đã giải quyết được điều này. Nếu như trước đây, muốn thở than người ta chỉ có cách duy nhất hoặc là gọi điện thoại cho bạn thân, hoặc là rủ rê nhau ra chỗ nào mát mát dốc bầu tâm sự, thì bây giờ chỉ cần một dòng trạng thái thở than trên Facebook cũng có khả năng nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của không chỉ bạn thân mà của cả những người chưa gặp nhau đến một lần.
Thế nhưng than thở thường không bao giờ mang lại giải pháp, có nhiều sự than thở chỉ nhằm bấu víu lấy một sự tương đồng nào đó mà thôi. Anh bạn tôi là cán bộ tuyển dụng nhân sự cho một tờ báo lớn, sau ngày tuyển dụng anh gọi một số bạn trẻ anh phỏng vấn là “Cán bộ tập đoàn Than”. “Tập đoàn Than” là từ chúng tôi vẫn nói với nhau để chỉ những người thường hay than thở, hay kể ra nỗi khổ của mình như kiểu tất cả mọi khó khăn trúc trắc trên đời đều đổ dồn lên đầu họ. Các bạn trẻ đó theo như lời anh kể, khi được hỏi tại sao lại bỏ tờ báo cũ, tại sao không tiếp tục cộng tác với tờ báo hiện tại đều có chung một kiểu trả lời như: Ở đó sếp khó tính, nhuận bút thấp, em làm việc như trâu mà không được đối xử tốt… Đòi hỏi lao động bản thân phải được đối xử tương ứng là một đòi hỏi hợp lý, tuy nhiên đó không phải là thế mạnh cá nhân để đem ra mặc cả với nhà tuyển dụng. Thay vì than thở về nơi cũ, người trẻ chỉ cần chứng minh được rằng mình thật sự là người tài năng và ở chỗ cũ tài năng đó không được phát huy. Dĩ nhiên, đối với một số nhà tuyển dụng ở xứ ta, nói quá nhiều về mình lại thành ra bất lợi, vì họ coi đó là sự ngạo mạn.
Dạo gần đây, VTV có những phóng sự dài kỳ về hoạt động của một công ty bán hàng đa cấp có tên là Liên kết Việt. Công ty này đã thò chân riết của mình đến tận những vùng nông thôn, kéo theo nhiều gia đình lụn bại. Các công ty kiểu này thường rất dễ thu phục những người trẻ, những người mất định hướng và khao khát kiếm tiền một cách nhanh chóng theo kiểu: “Không làm gì cũng có tiền”.
 Đánh vào tâm lý đó, các công ty này luôn vẽ ra những tiền đồ xán lạn để dẫn dụ con mồi. Họ, những người trẻ đó thường xuất thân từ những gia đình nông thôn nghèo khó, có người thậm chí học xong Đại học nhưng chưa có việc làm, một người bạn của tôi đã từng là nạn nhân của mô hình này lúc đó tâm sự: “Nơi nào tốt thì toàn là con ông cháu cha rồi, còn nơi kém hơn cũng không đến lượt mình”, mặc cảm tự ti kéo theo tâm lý lười dấn thân, ngại va chạm đã khiến cho không ít người trẻ thụt vào trong cái vỏ bọc an toàn của mình và chỉ làm duy nhất một việc là than thở về số kiếp.
Những người trẻ hay kêu ca...
Hay như câu chuyện về chàng cử nhân mới ra trường, có một vợ một con nhưng không có tiền mua sữa cho con, phải cầm biển xin việc ra đứng giữa đường cũng là một biểu hiện như thế. Chàng trai ấy không phải là người lười, chắc cũng không phải là người ngại va chạm và ngại khổ, nhưng bằng sự cảm thông sâu sắc về hoàn cảnh của cậu ta tôi vẫn không thể đưa ra bất cứ lý do gì cho việc tuyển dụng nếu tôi là nhà tuyển dụng và nếu bỏ qua khía cạnh tình cảm. Trong một clip trả lời các báo, chàng trai cho hay mình đã xin việc nhiều nơi nhưng bất lực, và bày tỏ mong muốn có được một công việc nhẹ nhàng để đủ nuôi vợ, nuôi con. Anh ta cũng không quên kể về hoàn cảnh bi kịch khó khăn của gia đình mình. Tôi tin rằng, nói về hoàn cảnh gia đình trên đất nước ta không hiếm những gia đình còn khổ cực hơn thế, không hiếm những cá nhân còn không được lành lặn tay chân, không được học hành nữa cơ, nhưng họ vẫn tự vươn lên để không phải là người thừa của xã hội.
Công việc làm báo khiến tôi tiếp xúc được những hoàn cảnh như vậy, có một phần trong đó là những người chịu khiếm khuyết về cơ thể họ có động lực lớn lao hơn là muốn được khẳng định mình, muốn người khác nhìn mình không phải qua lăng kính của sự thương xót.
Tôi không lên án việc thở than, bởi nó cũng là một phương cách để giải tỏa bức bí xã hội, thua thiệt cá nhân. Nhưng lấy thở than, lấy hoàn cảnh hiện có để làm bệ đỡ cho việc thúc thủ, đứng im, lười vận động lại là một chuyện khác. Cộng đồng có thể đưa ra cho bạn những lời khuyên, cộng đồng cũng có thể gửi cho bạn một icon với khuôn mặt đau khổ, nhưng cộng đồng không phải lúc nào cũng đủ sức cải tạo hoàn cảnh của chính bạn.
Không ai chọn cửa để sinh ra, nhưng chúng ta có quyền quyết định tương lai của mình bằng việc lựa chọn đúng đường đi. Sự lựa chọn đó không phải khi nào cũng đúng, vấn đề là biết rút kinh nghiệm từ những lần sai để đi đến gần hơn con đường đúng mà mình sẽ đi.
Tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Du Nguyên, một đồng nghiệp của tôi, trong tập thơ Khúc lêu hêu mùa hè. 
"Mẹ bảo mình đi hết phần tuổi trẻ của mẹ
Một tuổi trẻ bão giông
 Nói nhiều và hay kêu ca…"
Hồ Viết Thịnh
(Theo Thatmah)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 nguyên liệu tự nhiên giúp xóa mờ nếp nhăn trán