Quà Tết trăm triệu biếu sếp và cái kết bất ngờ...

củ cải 2016-02-07 07:00
- Quà biếu sếp nhân dịp tết nguyên đán và "cái biên chế" đang treo lơ lửng trên đầu, tôi thở dài mà không biết sẽ phải làm gì đây!
Năm nay, như một vài năm trước, cuộc chạy đua quà tết ở văn phòng tôi bắt đầu nhộn nhịp từ đầu tháng 12 âm. Thật ra, năm nào và ở đâu thì chuyện này cũng đều nhộn nhịp như nhau, nhưng văn phòng tôi có điểm hơi khác biệt tí chút. Chẳng là giám đốc của chúng tôi chỉ còn đôi ba năm nữa sẽ về hưu. Đây là khoảng thời gian nhạy cảm. Nếu đám “lau chau” chúng tôi có thể “tác động”, chăm sóc tốt, ông ấy sẽ chọn ai đó để bổ nhiệm. Ngồi được trên cái ghế nào đó rồi thì rất yên tâm, giám đốc sau lên buộc phải chấp nhận. Nếu không tranh thủ cơ hội này, thì khi giám đốc hiện tại về hưu, chúng tôi sẽ phải đợi giám đốc kế nhiệm quan tâm, chú ý, sẽ mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa, khoảng những năm cuối nhiệm kỳ này, giám đốc có phần “bật đèn xanh” cho anh em thẳng tiến, vì đằng nào cũng phải về hưu, “nhường nhịn” mãi rồi, giờ sếp cần phải “xông lên” mà kiếm chác. 
Tôi không định tranh thủ “tiến thân” đợt này. Bởi vì tôi là người chỉ sống bằng chuyên môn. Dân kỹ thuật, đơn giản, bộc trực, tôi đến công ty này chỉ với cái hợp đồng đơn giản chứ không biên chế. Tôi quen làm thuê kiếm tiền, cứ ở đâu trả lương thỏa đáng là tôi đến. Bên cạnh tôi còn một nhóm bạn bè từ thời đại học, họ cũng như tôi. Hết giờ làm việc, chúng tôi vẫn rủ nhau đi làm thêm ở 1 số dự án hoặc công trình cần thêm kỹ thuật viên. Chúng tôi kiếm được khá, so với đồng lương nhà nước có thể gấp 3, 4 lần nên không nghĩ nhiều về mấy chuyện biên chế hay hợp đồng dài hạn.
Nhưng vợ sắp cưới của tôi bảo, bố mẹ cô ấy vẫn “lấn cấn” vì tôi không được vào biên chế. Dù tôi rất tự tin là những công việc thuần túy kỹ thuật thì không quan trọng bằng cấp hay chế độ hợp đồng, cứ làm được là có lương cao, nhưng em bảo, thôi, tranh thủ tết này đến nhà sếp, đưa cái phong bì nặng nặng, để ông ấy đưa vào biên chế, cho bố mẹ vợ tương lai được thoải mái khi giới thiệu họ hàng. Ừ thì thôi, tôi cũng gật đầu cho xong! Tội gì “gây chiến” với cô ấy nữa. 

Quà Tết trăm triệu biếu sếp và cái kết bất ngờ...

Nhưng quả thật, tôi không thoải mái chút nào khi xin xỏ, bợ đỡ ông sếp này. Ông ấy nhỏ nhen, cố chấp, tham lam kinh khủng. Sếp có chuyên môn kém, lại ôm khư khư mớ kiến thức học hành chắp vá từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đi đâu cũng phát biểu mấy lời lẽ được viết sẵn hàng chục năm không đổi, ai mới gặp thì tưởng ngon lành lắm, chứ chúng tôi ở gần sếp hàng ngày, lại có chuyên môn, chúng tôi thấy chán phè! 
Chuyên môn đã kém, sếp lại còn làm quản lý kiểu tiểu nông, vụn vặt. Loanh quanh chỉ ưu đãi những người giỏi nịnh. Bọn làm chuyên môn như chúng tôi, cả năm cả đời không biết xin xỏ nịnh nọt là gì, ông ghét lắm nhưng đành chịu vì chúng tôi không làm gì sai. Giờ phải đến xin xỏ ông ấy, tôi không tưởng tượng ra cái mặt mình sẽ uể oải thế nào! Tôi nhìn cuốn lịch trên tường, thở dài thườn thượt. Sắp tết Ông Táo đến nơi rồi. Vợ sắp cưới bảo, tầm này, mọi người rục rịch thăm hỏi cấp trên hết rồi, nếu tôi định đến nhà sếp thì cũng phải đến trước chiều 30 tết chứ không thể sáng mùng một vào xông nhà được! 
Thưởng tết chỉ được đôi triệu, tôi là thành phần “tép riu”, không phải “cạ” của sếp nên được thế là vui rồi. Cũng may là vì tôi và mấy anh em kỹ thuật cả năm cày cuốc được, đến giờ chia nhau cũng được trăm triệu/người. Đây là tiền công lao động, rủ nhau đi làm ngoài và được trả xứng đáng của chúng tôi trong cả năm trời, không phải tiền thưởng của công ty, nghĩa là không có tí nào cái “ơn đức” của sếp trong này cả. Số tiền ấy tôi không muốn mất một đồng lẻ nào cho sếp. Tôi đưa hết cho vợ sắp cưới để lo liệu, biếu bố mẹ hai bên và gom lại chuẩn bị cho đám cưới. Nhưng cô ấy gật gù, nhẩm nhẩm, bảo tôi chuẩn bị đi, sẽ mang trăm triệu này đến sếp, xin vào biên chế.
Tôi bật ngửa. Gì mà lắm thế? Cô ấy thản nhiên, xoa đầu tôi như mẹ xoa đầu con, rồi bảo tôi chỉ được mỗi cái đẹp trai chứ tôi ngốc quá, người ta xin việc vào biên chế, giá này là rẻ! Tôi hét lên: “Thôi, anh không cần biên chế nữa, để anh nhảy sang công ty khác làm thuê”. Vợ chưa cưới của tôi lại khóc, cô ấy bảo, ở quê nặng nề lắm, anh không được vào biên chế, họ hàng làng xóm đến chơi cứ hỏi đi hỏi lại, bố mẹ em lại buồn!
Chần chừ mãi, đến tối 30 tết, ngồi với mấy anh bạn thân trong nhóm làm việc cùng nhau, xong xuôi, tôi mới xách túi quà do vợ chưa cưới của tôi chuẩn bị, nhét cái phong bì trăm triệu, tôi mang đến sếp. Cái tết cuối cùng của cuộc đời độc thân, bố mẹ tôi ở quê đang mong chúng tôi về. Vợ chưa cưới của tôi đã về quê cô ấy từ chiều qua, nhắn tin động viên tôi, giục tôi đến nhà sếp “chúc tết” xong là về quê cô ấy ngay, rồi mùng 2 lên nhà bố mẹ tôi...
Tôi hít một hơi dài. Nhà sếp ngay phố lớn, sáng đèn nổi bật nhất khu. Tôi thấy cái ngôi nhà ấy to quá rồi, xe ô tô của sếp đỗ chật kín cả sân rồi, con cái sếp học hành ổn định cả rồi, trăm triệu của tôi cầm đến để làm gì nữa? Tôi nghe tiếng tin nhắn teng teng, là của vợ chưa cưới, cô dặn tôi nhanh nhanh còn về quê cô ấy – cách đây gần năm mươi cây số, cho kịp đón giao thừa. Tôi tiến xe đến gần cánh cổng nhà của sếp, hít thở sâu, định bấm chuông vào...
Thì tôi nghe thấy tiếng chổi tre, rồi trông thấy có cô công nhân vệ sinh đang quét ngõ. Tiếng động như gọi tôi tỉnh lại. Còn hơn 5 tiếng nữa là giao thừa, vậy mà vẫn có những người vất vả mưu sinh. Trong khi có những người khác đã dư dả, thậm chí là thừa mứa. Tôi xách túi hoa quả đến chỗ cô công nhân ấy, dúi vào tay cô. Rút ra tờ năm trăm nghìn, bảo cháu biếu cô, chúc cô ăn tết vui vẻ! Rồi đi ngay...

 Ngọc Nam

(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Tôi thương em, cô gái có bàn tay lạnh