Hôm nay 1/3, đồng loạt giá của 1.887 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh theo quy định tại Thông tư 37/TT-BYT-BTC của liên Bộ Y tế - Tài chính. Để chuẩn bị cho việc áp dụng viện phí mới, các bệnh viện đã rà soát lại các dịch vụ, điều chỉnh phần mềm công nghệ thông tin tính giá viện phí.
Theo quy định, người bệnh vào viện trước ngày 1/3 sẽ được áp dụng mức giá viện phí cũ cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú. Mức giá tăng mới chỉ áp dụng với bệnh nhân khám, chữa bệnh bắt đầu từ 1/3/2016. Theo lộ trình, từ năm 2016, viện phí tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp; Năm 2018, tính đủ chi phí lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý; năm 2020 tính đủ chi phí lương, chi phí trực tiếp, quản lý và khấu hao tài sản.
Đến bệnh viện mới biết tăng viện phí?
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều bệnh viện do công tác chuẩn bị từ trước nên không có vấn đề phát sinh hay khó khăn gì khi áp dụng tăng viện phí từ sáng nay (1/3). Tuy nhiên, khi được hỏi về chủ trương tăng viện phí, một số người đi khám bệnh tỏ ra khá thờ ơ hoặc chưa biết về thông tin này.
Đi gần 300km từ Nghệ An ra Hà Nội để khám bệnh, bà Hà - bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm chưa biết về việc tăng viện phí. Mặc dù, là người thường xuyên theo dõi tin tức nhưng bà Hà ít quan tâm đến điều này. Với chứng bệnh thoát vị đĩa đệm đang mắc phải, bà Hà chỉ mong làm sao sớm tìm được phương pháp điều trị hoặc chỉ định phẫu thuật hay dùng thuốc hợp lý để giảm cơn đau.
"Đi đường xa ra tận Hà Nội, tôi cũng đã chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý và tài chính để khám bệnh. Nói là quan tâm thì tất nhiên đó là dịch vụ thiết yếu của đời sống, có liên quan đến túi tiền cá nhân cũng như gia đình. Nhưng tôi cũng chỉ biết là dịch vụ này tăng bao nhiêu, dịch vụ kia tăng bao nhiêu. Chứ cấu thành giá cả như thế nào tôi cũng không biết. Mong làm sao tìm được bác sĩ giỏi, phương pháp điều trị nhanh và sớm khỏi bệnh", bà Hà nói.
Trong khi đó, anh Truyền (Thanh Hóa) đưa người mẹ hơn 60 tuổi đi khám tiểu đường. Mặc dù có nghe loáng thoáng về việc tăng viện phí nhưng anh không rõ cụ thể mức tăng như thế nào, giá từng loại dịch vụ có gì thay đổi không.
"Đơn giản như gia đình tôi, có mẹ bị tiểu đường mới đi khám. Hàng ngày cũng năm ba lần đến bệnh viện. Cho nên khi tới bệnh viện mới thấy bảng thông báo. Biết là tăng nhưng cũng không có đủ thời gian để xem tăng bao nhiêu, tính toán gì nữa. Họ bảo đóng bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu. Vì mức giá cũng được niêm yết rõ ràng rồi", anh Truyền nói.
Bảo hiểm y tế gắn với mỗi người
Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì những người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được hưởng lợi, vì trước hết được hưởng dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn, mà không phải bỏ tiền túi ra do có bảo hiểm y tế chi trả
Một chuyên gia cho rằng, khi có thẻ bảo hiểm y tế có nghĩa người dân sẽ yên tâm khám chữa bệnh, do mức đồng chi trả rất ít. Mức đồng chi trả ít sẽ là lợi ích thiết thực cho người đi khám bệnh.
Thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân đã được hưởng lợi rất nhiều từ bảo hiểm y tế. Với các căn bệnh nhẹ sẽ không phải suy nghĩ quá nhiều. Còn với những căn bệnh nặng, khi hóa đơn tiền thuốc và viện phí lên đến tiền triệu mới khiến nhiều người hốt hoảng.
"Có trường hợp cấp cứu ở bệnh viện phải lọc máu, dùng thuốc đắt tiền, tốn kém hàng chục triệu đồng. Nhưng may mắn có bảo hiểm y tế không thì khánh kiệt, cố gắng mấy cũng không lo đủ", bác sĩ cho hay.
Hay có bệnh viện, khoảng 50% bệnh nhân khám bảo hiểm y tế. Với những bệnh nhân điều trị nội trú thì con số bệnh nhân khám bảo hiểm y tế lên đến 95%. Hay tại Thái Nguyên có đến 88% dân có bảo hiểm y tế nên dù giá tăng cao, người dân được Bảo hiểm y tế chi trả nên không chịu tác động nhiều.
Theo các chuyên gia y tế, tăng giá viện phí lần này thực tế là chuyển các khoản chi trước đây từng được nhà nước bao cấp cho bệnh viện vào giá sang hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế. Thậm chí từ ngày 1/7, viện phí tăng 50% tức tính cả phần lương của cán bộ y tế. Tức là bệnh viện phải nâng cao chất lượng, việc khám chữa bệnh tốt sẽ có nhiều bệnh nhân. Còn những bệnh viện có dịch vụ không tốt, bệnh nhân không đến khám, cơ quan bảo hiểm xã hội không ký hợp đồng khám chữa bệnh thì bệnh viện đó có nguy cơ đóng cửa.
Đọc thêm những bài viết đáng chú ý khác:
Phương Hà
6 thần dược cho sức khỏe trong mùa hè