Điều trẻ có thể gặp phải như người lớn mà phụ huynh không ngờ

2016-10-27 08:27
- “Không chỉ người lớn mới gặp stress mà trẻ nhỏ cũng rất dễ gặp phải. Do trẻ nhỏ sức đề kháng yếu, chưa có kinh nghiệm xử lý. Vì thế, trẻ dễ bị rối loạn tâm thần”, bác sĩ Lê Đào Nghĩa chia sẻ.

Trong bài viết trước chúng tôi đã đề cập đến câu chuyện sang chấn tâm lý ở trẻ do bị bạn bắt nạt kéo dài, bạn đánh mà không dám nói ra. Vì vậy, phụ huynh phải thấy được những in hằn đó có thể theo trẻ nhiều năm, nếu sang chấn mạnh có thể là cả đời.

Trẻ con có thể stress như người lớn

Bác sĩ Lê Đào Nghĩa (Phó trưởng Khoa Tâm thần Trẻ em, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) cho biết: “Trẻ con mẫu giáo hoặc bắt đầu vào lớp 1 thường có những rối loạn tâm lý nhất định. Đó là do sự thay đổi phải tách khỏi bố mẹ tới môi trường mới, không phải đứa trẻ nào cũng có khả năng thích nghi được ngay. Vì vậy, trẻ thường có biểu hiện lo lắng sợ hãi có những trẻ còn chống đối vùng vẫy, cương quyết không chịu tới trường”.

Do trẻ bị đột ngột thay đổi môi trường, cộng thêm khi tới môi trường mới gặp phải một trở ngại càng khiến trẻ sợ hãi. Ví dụ, trẻ bị bạn bắt nạt, nếu trẻ bị bạn đánh lặp đi lặp lại, cô giáo và gia đình không phát hiện thì sẽ trở thành những sang chấn.

sang chấn tâm lý

Khi trẻ sợ tới trường có thể có những nguyên nhân sâu xa mà phụ huynh ít để ý (Ảnh minh họa)

Cũng theo bác sĩ Nghĩa, khi trẻ gặp phải những sang chấn tâm lý sẽ có những biểu hiện như: không hòa đồng với các bạn, trẻ thường ăn uống kém hay kêu đau đầu hoặc đau bụng buồn nôn. Về nhà trẻ thường không vui vẻ, giấc ngủ hay có ác mộng, hoặc đang ngủ sẽ vùng dậy la hét. Một số đứa trẻ bị cô giáo phạt, quát mắng, nhốt vào nhà vệ sinh thì khi nhắc tới đi học chống đối rất kinh khủng… Tất cả những biểu hiện đó trong y khoa gọi là căng thẳng hay trầm cảm ở trẻ em.

“Không chỉ người lớn mới gặp stress mà trẻ nhỏ rất dễ gặp phải. Do trẻ nhỏ sức đề kháng yếu, chưa có kinh nghiệm xử lý. Vì thế, trẻ dễ bị rối loạn tâm thần”, bác sĩ Lê Đào Nghĩa chia sẻ.

Không phát hiện sớm dễ trở thành ám ảnh

“Nếu như những sang chấn kéo dài sẽ khiến cho trẻ bị trầm cảm lo âu. Trong tâm thần học gọi những trường hợp này là ám ảnh sợ khi tới trường. Khi nói đến trường trẻ sẽ lên cơn”, bác sĩ Lê Đào Nghĩa nói .

Theo bác sĩ Lê Đào Nghĩa, những sang chấn kéo dài có thể tạo ra những ám ảnh thời thơ ấu cho đứa trẻ. Có những ám ảnh có thể mất đi theo thời gian tùy thuộc vào mức độ và tính cách của từng đứa trẻ.

Tuy nhiên, có những sang chấn mạnh như: trẻ bị lạm dụng bạo lực, lạm dụng cơ thể, lạm dụng tình dục… sẽ ám ảnh rất dai dẳng, nhiều khi còn làm thay đổi tính cách sau này, có thể để lại những in hằn khi trưởng thành dẫn đến trầm cảm...

Bác sĩ Lê Đào Nghĩa khuyên, các bậc cha mẹ cần phải quan tâm tới những tâm lý thay đổi bất thường của trẻ. Trẻ em ngôn ngữ khác so với người lớn vì vậy không phải gặp phải yếu tố sang chấn trẻ cũng nói được ra. Trẻ có thể nghĩ tới cái chết cũng giống như trong chuyện cổ tích, chết đi rồi lại tỉnh được lại…

Nhiều trường hợp bố mẹ phát hiện con gặp phải vấn đề sang chấn khi phát hiện trên cơ thể có những dấu tích, bạn bè trẻ kể lại, trẻ vẽ tranh vẽ lại ác mộng… lúc đó có thể đã muộn.

Khi con gặp phải vấn đề sang chấn tâm lý, bác sĩ Lê Đào Nghĩa cho rằng, bố mẹ cần phải bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân. Đưa trẻ tới gặp những nhà chuyên môn về tâm lý hoặc tâm thần trẻ em sớm. Những đứa trẻ này sẽ được dùng liệu pháp tâm lý cá nhân và liệu pháp tâm lý gia đình và dùng thuốc thích hợp. Gia đình cần phải phối hợp với nhà trường để trẻ sớm khỏi bệnh và có thể đi học được bình thường.

Đọc thêm câu chuyện liên quan về sang chấn tâm lý của trẻ:

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

13 nữ idol K-pop được khen đẹp ngang ngửa Hoa hậu Hàn Quốc