'23 tuổi tôi bị chồng ruồng bỏ, bố mẹ đẻ bỏ rơi, rồi tôi bị HIV'
Tin liên quan
Quên đi quá khứ để làm lại từ đầu
Bằng nhiều cuộc điện thoại thuyết phục bệnh nhân của bác sĩ điều trị tại Bệnh viện 09, phóng viên mới có cơ hội được trò chuyện với chị Minh Thu (sinh năm 1980, quê Đông Anh, Hà Nội), người mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV. Chị Minh Thu đã phải trải qua những nỗi đau tột cùng bị gia đình, người thân, xã hội kỳ thị.
“23 tuổi tôi bị chồng ruồng bỏ, bố mẹ đẻ bỏ rơi, rồi tôi bị HIV”… Câu trả lời nhanh, ngắn gọn của chị Minh Thu khiến người nghe không khỏi lạnh sống lưng. Nhưng qua câu chuyện chị chia sẻ, tôi mới thấu hiểu người phụ nữ 36 tuổi đã đi tới cùng cực của nỗi đau.
Vợ chồng anh Văn, chị Thu hạnh phúc bên nhau.
Nhắc về quá khứ lầm lỡ, ánh mắt chị Minh Thu vẫn ngấn lệ. Trước đây, chị cũng từng có một gia đình hạnh phúc, được chồng yêu chiều. Nhưng số phận “trêu ngươi”, cho chị làm vợ nhưng không cho chị thiên chức làm mẹ.
Người phụ nữ thiếu may mắn bị gia đình chồng hắt hủi khi mới 23 tuổi xuân. Bị chồng ruồng bỏ, người phụ nữ trẻ quay về gia đình nhưng không được người thân chào đón.
Cuộc sống không gia đình, không người thân khiến chị Minh Thu mất phương hướng, chị sống buông thả mà không biết tương lai về đâu.
Sau 3 năm sống buông thả trả thù đời, năm 2006 chị Minh Thu biết mắc căn bệnh HIV/AIDS. Chị Minh Thu được đưa vào Bệnh viện 09 điều trị khi đã bị lao rất nặng chỉ còn 1% cơ hội sống. Thậm chí người nhà đã tới để chuẩn bị nhận xác chị về.
Tuy nhiên, nhờ được điều trị kịp thời nên Minh Thu đã may mắn thoát khỏi "ải thần chết". Dù vậy, sự kỳ thị của người thân cộng thêm nỗi đau tinh thần quá lớn đã rất nhiều lần chị Thu đã định nhảy lầu tự tử. Nhờ được bác sĩ khuyên bảo, chị Thu đã thức tỉnh niềm ham sống và có cơ hội thay đổi mọi lỗi lầm.
“Em yêu anh, anh có yêu em không”?
“Cuộc đời tôi dường như được hồi sinh một lần nữa từ khi gặp anh ấy (anh Văn, sinh năm 1981, tại Thái Bình). Anh cũng bị mắc căn bệnh HIV giống như tôi và chúng tôi đã trở thành những người bạn giúp đỡ trong thời gian nằm viện”, chị Thu Minh chia sẻ.
Nói về anh Văn, mắt chị Thu sáng lên đầy hạnh phúc, chị chia sẻ anh Văn là một người rất rụt rè và nhát gái.
Trong thời gian nằm viện, anh Văn yếu hơn chị cho nên tới giờ cơm là chị tình nguyện đi lấy giúp… Rồi khi chị lên cơn sốt, anh lại thức đêm chăm sóc. Tình cảm của hai con người khác giới cứ nhân dần lên trở thành người bạn thân thiết. Họ để dành cho nhau từ món ăn, cái bánh khi có tiếp tế từ gia đình.
Thời gian nằm viện, chị Thu và anh Văn thường đi chơi cùng nhau. Có lần anh Văn ga lăng mời chị đi ăn bún ở phố vọng. Tiền đi xe ôm từ viện lên phố vọng mất 150.000 đồng trong khi đó tiền ăn bún chỉ 50.000 đồng nhưng vì xót tiền mà chị Thu hờn giận anh một ngày.
Họ luôn mắn tay nhau trong quá trình nói chuyện.
Sự quan tâm chăm sóc của anh Văn không thể hiện bằng lời nói mà từ những hành động khiến cho trái tim chai sạm của chị Thu loạn nhịp. Bản thân chị Thu yêu anh từ lúc nào không hay nhưng không biết anh Văn có yêu chị không? Trong một buổi chiều cuối tháng 10/2012, chị Thu đã chủ động ngỏ lời yêu anh Văn.
“Nếu không chủ động tấn công trước thì sẽ có người khác sẽ lấy mất cơ hội. Ngỏ lời cũng nghĩ có thể mình bị từ chối nhưng vẫn “nhắm mắt đưa chân”. Khi hai người đi sát gần nhau, tôi chủ động cầm tay anh nói “em yêu anh, anh có yêu em không”. Anh đứng hình mất gần 1 phút, ngại ngùng gãi đầu, vò tay nói đồng ý. Lúc đó em hạnh phúc vô cùng cứ như đứa trẻ chạy lăng xăng quanh anh”, chị Thu hạnh phúc nhớ lại.
Cuối năm 2012, cả chị Thu và anh Văn ra viện họ thuê nhà gần bệnh viện sống với nhau như vợ chồng. Đầu năm 2013, hai anh chị đã chính thức làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Cũng như các cặp vợ chồng cưới mới, một năm đầu chị Thu và anh Văn thường xuyên có những tranh luận, khắc khẩu nhau. Đã có lúc gia đình hai bên phải vào cuộc khuyên “không ở được cùng nhau thì bỏ”. Cũng đã có lần chị giận anh bỏ về nhà nhưng chỉ được một ngày nhưng rồi lại quay về.
Chị Thu cho hay: “Anh Văn, anh ấy trẻ con lắm. Lúc yêu đòi tôi phải gọi bằng hoàng tử còn anh ấy gọi tôi là công chúa. Tôi phải đấu tranh, giận nhau rất nhiều lần thì anh Văn mới không bắt tôi gọi như vậy.
Về sống với nhau, tính trẻ con của anh ấy vẫn chẳng thay đổi, lúc nào cũng nũng nịu đòi được chiều, được quan tâm…".
Để sống hạnh phúc, bản thân chị Thu đã phải thay đổi chính mình, biết nhẫn nại hơn. Hàng ngày chị bán nước, anh chạy xe ôm để thêm chi phí chữa bệnh.
Ước mơ nhỏ nhoi của anh chị muốn một đứa con không mang bệnh như bố mẹ. Dù biết rằng rất khó vì sức khỏe của anh và chị khá yếu. Một năm hai vợ chồng anh chị phải nằm viện điều trị 3 tháng do mắc những bệnh cơ hội.
Nhìn cặp vợ chồng yêu thương thắm thiết không khác gì đôi chim non, người ngoài nhìn vào khó có thể biết được họ đang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Vào những dịp ngày lễ của phụ nữ, anh Văn không tặng hoa hay quà mà mua thịt gà là món chị Thu thích, còn chị Thu lại nấu cho anh Văn món thịt ba chỉ cháy cạnh khoái khẩu.
Sống cùng nhau, dù chưa một bức ảnh cưới, chưa có một đám cưới nhưng chị Thu vẫn thấy mình không hề thiệt thòi. Vì với chị, anh Văn là niềm động viên an ủi, món quà hạnh phúc mà ông trời ban tặng cho chị.
Tên nhân vật đã được thay đổi.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất