Vụ trẻ nhiễm HIV bị bạo hành: Các bảo mẫu có thể bị xử phạt thế nào?

2015-04-09 09:10
- Vụ việc trẻ nhiễm HIV bị bạo hành khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Các luật sư cho rằng, bảo mẫu thiếu tình thương, thiếu đào tạo nghiệp vụ.
Mấy ngày qua, thông tin vụ việc trẻ nhiễm HIV bị bạo hành tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân trong lúc ăn khiến dư luận bức xúc. Đến nay, năm bảo mẫu có hành động đánh trẻ và giám đốc trung tâm đã bị tạm đình chỉ công tác. Phía Sở LĐ-TB&XH cũng đã cử đoàn cán bộ đến trung tâm để thanh tra thời hạn trong vòng bảy ngày. 
Trước sự việc này, luật sư Trương Thị Thu Hà (Tp.HCM) cho rằng, những bảo mẫu này thiếu tình thương, thiếu sự đào tạo nghiệp vụ. Dẫu biết rằng, trẻ nói chung và trẻ bị nhiễm HIV, bị khuyết tật nói riêng thường quấy khóc, khó ăn. Tuy nhiên, không thể lấy điều này để bao biện cho nguyên nhân dẫn đến đánh đập, hành hạ các cháu.
Theo quan điểm của luật sư này các bảo mẫu, người quản lý trung tâm này tuân thủ pháp luật đặc biệt là quyền về trẻ em rất kém. Trẻ có quyền được bảo vệ tinh thần, thân thể nhưng ở đây, các cháu đã bị bạo hành, đã có hành vi vi phạm quyền trẻ em. Điều này bị pháp luật ngăn cấm và có quy định xử lý tùy theo từng mức độ.
Theo Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP năm 2013 về quy định vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì những bảo mẫu có hành động bạo hành trẻ có thể bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, họ có trách nhiệm khắc phục hậu quả như chịu mọi chi phí điều trị chữa bệnh, buộc phải tiêu hủy vật phẩm gây hại sức khỏe của nạn nhân…
Nếu cơ quan điều tra xác định hành vi bạo hành gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nguy hiểm cho xã hội thì các bảo mẫu có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em với hình phạt nhẹ nhất là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 
         
Ngoài ra, người đứng đầu trung tâm cũng phải liên đới chịu trách nhiệm về mặt quản lý. Trong trường hợp này, giám đốc trung tâm ít nhất cũng bị xử lý hành chính hoặc khiển trách.
Theo thông tin báo chí, các bảo mẫu được tuyển dụng có trình độ văn hóa chưa học hết cấp hai là không đảm bảo yêu cầu công việc theo quy định. Các trẻ bị bạo hành nhiều lần. Nhiều bảo mẫu thực hiện đánh trẻ. Từ những điều này đã có đủ căn cứ xác định người đứng đầu phải liên đới bị xử lý.
Ngoài ra, pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại Khoản 1, Điều 34 Nghị định 144/2013/NĐ-CP năm 2013. Theo đó, trung tâm này có thể bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Riêng khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền, trung tâm này có thể bị xử lý nặng nhất là tạm đình chỉ hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Giám định nếu có thương tích sẽ bị truy tố?

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM) cho rằng, hành vi của các bảo mẫu tại trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân bước đầu có thể cấu thành tội hành hạ người khác. Trong trường hợp giám định, xác định trẻ có thương tích, ảnh hưởng đến tâm sinh lý thì có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích gây tổn hại sức khỏe cho người khác và các bảo mẫu sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Ngược lại với luật sư Hà, ông Hậu nhận định, từ clip có thể xác định, trẻ bị đánh trong bữa ăn. Có thể, các bảo mẫu có tâm lý muốn trẻ ăn nhanh, ăn nhiều nên không giữ được bình tĩnh dẫn đến hành vi sai phạm. Từ đó, ông cho rằng, cơ quan chức năng cần có cái nhìn thấu đáo và đầy đủ khi xử lý.
Một chuyên gia khác cho rằng, từ những gì báo chí đưa tin có thể khẳng định, các bảo mẫu trong vụ việc đã không đảm bảo được nghiệp vụ trong quá trình tuyển dụng. Họ thiếu trình độ chuyên môn, kỹ năng lẫn đạo đức nhà giáo. 
Nếu có thể, các em cần được trò chuyện với chuyên gia tâm lý để bày tỏ hết mọi tâm tư, nguyện vọng cũng như tâm sự về sự sợ hãi lẫn tức giận khi bị bạo hành. Tuy nhiên, sau đó, điều cần thiết là các em phải được tạo điều kiện, môi trường sống, được chăm sóc, giáo dục tốt để cải thiện tình hình.
Vị này cho rằng, hiện tại, văn bản quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em ở nước ta vẫn còn thiếu, nhiều điều chưa phù hợp. Luật chỉ mới định khung chứ chưa quy định từng trường hợp xử lý cụ thể đối với mỗi hành vi bạo hành, xâm hại trẻ. Đây chính là một lỗ hổng cần được xem xét và bổ sung.
Hương Giang
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 bài tập lưng với thảm đơn giản tại nhà