Những ngày cuối cùng ở Việt Nam: Lịch sử vẫn còn tiếp diễn
2015-03-04 08:32
- "Last Days in Vietnam" gợi ra sự đau xót, nỗi sợ hãi, giận giữ, hối hận, và cả tự hào, nhưng cảm xúc rõ ràng nhất có lẽ là nỗi lo sợ về một câu hỏi vẫn còn đang âm ỉ.
Tin liên quan
Phim tài liệu dài nhận đề cử Oscar với tựa đề "Last Days in Vietnam" (Những ngày cuối cùng ở Việt Nam) đã được trình chiếu trực tuyến, tuy nhiên chỉ những ai sống tại Mỹ mới có thể thưởng thức tác phẩm này. Bộ phim được tài trợ bởi PBS và là một phần của loạt chương trình truyền hình "American Experience". Những tác phẩm được trình chiếu trên TV thường không đủ điều kiện để dự tranh tài tại Oscar. Dù vậy, vẫn có những ngoại lệ. Một vài phim khác của "American Experience" từng được chiếu ở các rạp, hầu hết được giới thiệu trong các liên hoan phim và do đó đủ điều kiện xét duyệt cho giải thưởng của Viện Hàn lâm. “Last Days in Vietnam” là bộ phim thứ 4 của "American Experience" nhận được đề cử tại Oscar.
"Last Days in Vietnam" là bộ phim tài liệu về ngày 30 tháng 4 lịch sử trong con mắt của những người bên kia chiến tuyến.
"Last Days in Vietnam" nói về sự sụp đổ của chế độ Mỹ ngụy trước lực lượng Quân đội Nhân dân và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam vào mùa Xuân năm 1975. Câu chuyện được kể lại dưới góc nhìn của người Mỹ cũng như lực lượng đồng minh tại miền Nam Việt Nam và khán giả thực sự không cần phải là người Việt Nam hay người Mỹ để có thể nhận thức rõ giá trị của bộ phim. Tác phẩm đề cập đến một chủ đề hấp dẫn, đặc biệt là đối với những người Mỹ trẻ tuổi vì hầu như họ không được nghe nhiều về thời kỳ này, chương trình giáo dục lịch sử của Mỹ cũng ít khi đề cập tới việc chính quyền miền Nam Việt Nam đã thất bại như thế nào trước đoàn quân giải phóng.
Giống như những bộ phim "American Experience" điển hình khác, "Last Days in Vietnam" được kể lại thông qua nhiều cuộc phỏng vấn cũng như các cảnh bom nổ, khói lửa và một vài đoạn mô phỏng dựng bằng máy tính. Tác phẩm không phải là một câu chuyện được kể lại, điều thú vị là thay vì nói về những sự kiện đã xảy ra bộ phim trở thành cơ hội để những nhân chứng lịch sử giải thích sự việc bằng tiếng nói của chính họ. Một bộ phim được thực hiện một cách kỹ càng, chỉn chu, đầy kịch tính, tương xứng với chất lượng của những chương trình dài kỳ trên truyền hình.
Đại úy Stuart Arthur Herrington, một nhân vật xuất hiện trong phim.
“Last Days in Vietnam”, sản xuất năm 2014, được biên kịch và đạo diễn bởi Rory Kennedy. Tác phẩm được công chiếu tại Liên hoan phim Sundance (liên hoan phim dành cho những bộ phim kinh phí thấp và không do hệ thống của Hollywood sản xuất) vào ngày 17 tháng 1 năm 2014. Sau khi ra mắt tại Liên hoan phim Sundance, hãng American Experience Films giành được quyền phân phối cho bộ phim. Tác phẩm được công chiếu trên màn ảnh lớn tại thành phố New York vào ngày mùng 5 tháng 9 năm 2014 trước khi công chiếu toàn quốc tại Mỹ vào tháng 9 và đầu tháng 10. Bộ phim nhận về đề cử Oscar lần thứ 87 cho hạng mục Phim tài liệu dài hay nhất.
Đạo diễn Rory Kennedy là con gái út của chính trị gia, Thượng nghị sĩ người Mỹ Robert F. Kennedy và là cháu gái của Tffổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ John F. Kennedy.
Vào mùa Xuân năm 1975, 2 năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết để lặp lại hòa bình, sự hoảng loạn tràn ngập miền Nam trong những tuần cuối cùng khi hàng ngàn người dân và quân lính nỗ lực di cư hàng loạt bằng bất cứ phương tiện nào có thể. Hầu hết quân đội Mỹ đến lúc này đã rút khỏi Việt Nam, chỉ để lại vài trăm nhà ngoại giao và đại diện quân sự tại Sài Gòn. Giới chức quân đội Mỹ và các quan chức chính phủ đầy lo lắng, vài người trong số đó đã định cư và thậm chí xây dựng gia đình tại Việt Nam, bắt đầu ngấm ngầm sơ tán càng nhiều người dân Nam Việt Nam càng tốt bằng đường hàng không và đường biển.
Nữ đạo diễn Kennedy đã bắt kịp sự căng thẳng trong ngày cuối cùng của cuộc chiến ở Việt Nam. Ngày 29 tháng 4 năm 1975, mật mã báo tin cho người Mỹ ngay lập tức đến vị trí di tản là ca khúc “White Christmas” của Irving Berlin được phát sóng trên kênh truyền thanh của lực lượng quân đội (Armed Forces Radio), và sẽ chẳng thể nào cảm thấy sợ hãi hơn khi hơn khi xem cảnh hàng ngàn người dân miền Nam Việt Nam trầm mình trong nỗi lo lắng, không nhận ra rằng đất nước từng có của họ sẽ chẳng còn tồn tại cho tới chiều hôm sau đó. Toàn bộ sự hiện diện của nước Mỹ được lệnh phải biến mất khỏi quốc gia này trong vòng 24 giờ. Khi những lời này được truyền đi, Đại sứ quán Mỹ ngay lập tức bị bao vây bởi những người dân địa phương nói là có bạn là người Mỹ, nhiều người được dẫn vào trong, hầu hết đều bị giữ lại bên ngoài bởi lực lượng bảo vệ quân sự.
“Last Days in Vietnam” miêu tả những cảnh tượng căng thẳng với những mâu thuẫn nội tại rối ren phức tạp trong giây phút mong manh giữa sự sụp đổ và cơ hội sống sót, gần giống như cảm giác khán giả trải qua khi chứng kiến nỗi sợ hãi đầy kịch tính trong tác phẩm điện ảnh từng đoạt giải Oscar - “Argo” (2012). Các tập hồ sơ bị phá hủy một cách điên cuồng và hơn 1 triệu đô la tiền mặt bị đốt trong khi trực thăng bắt đầu vận chuyển người từ nóc nhà của Đại sứ quán Mỹ, nơi mà thậm chí không phải là một trong những địa điểm sơ tán ban đầu. Đại sứ Mỹ, Graham Martin từ chối rời đi cho tới khi càng nhiều người dân miền Nam được di tản càng tốt.
Các cảnh được phục dựng bằng đồ họa máy tính miêu tả sự thất bại thương tâm của 4 lựa chọn sơ tán đã được cân nhắc, bao gồm Chiến dịch Gió lốc, chiến dịch cuối cùng do Mỹ thực hiện trong cuộc chiến tại Việt Nam, sử dụng 75 máy bay trực thăng của lực lượng lính thủy để vận chuyển người sơ tán từ nhiều điểm khác nhau tại Sài Gòn lên một chiếc tàu sân bay neo ở Biển Đông, 40 người cùng một lúc trên chuyến bay khứ hồi kéo dài 1 giờ đồng hồ.
Chiếc máy bay trực thăng cuối cùng rời đi vào hồi 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Đại sứ quán Mỹ ngay lúc này vẫn đang đầy ắp người. 10 giờ 45 sáng, gần 24 tiếng sau khi bản nhạc “White Christmas” vang lên, một chiếc xe tăng của đoàn quân giải phóng sừng sững tiến vào, ủi qua cửa trước của Dinh Độc Lập. Chính quyền Sài Gòn chính thức thất thủ.
“Last Days in Vietnam” đã nhận được nhiều nhận xét tích cực từ giới phê bình. Rob Nelson của tờ Variety, bình luận rằng, "Bộ phim tài liệu của Rory Kennedy kết hợp những cảnh đáng kinh ngạc từ Sài Gòn, tháng 4 năm 1975 với hồi ức đương đại từ những người đã có mặt ở đó." Justin Lowe trong bài viết của mình trên tờ Hollywood Reporter ca ngợi bộ phim như sau, "Một chương hầu như chưa được kể về lịch sử Mỹ vẫn vang lên chua xót sau gần 4 thập kỷ." Mary Sollosi của tờ Indiewire, đánh giá tác phẩm ở mức B+ và nhận xét, "Nội dung mạnh mẽ của tác phẩm đã tự cất lên tiếng nói hé lộ ra câu chuyện bi thương của cuộc chiến tranh tại Việt Nam – một chương rắc rối trong lịch sử nước Mỹ". Dan Schindel trong bài bình luận của mình trên tờ Nonfics đã nói rằng, "'Last Days in Vietnam' là một bất ngờ vô cùng thú vị. Đây là một ví dụ điển hình về việc cách mà những bộ phim tài liệu có thể chiếu sáng những khoảng trống trong ký ức được sẻ chia của chúng ta, và cách mà những câu chuyện phi tiểu thuyết thường có thể vượt qua những tác phẩm cảm động nhất của Hollywood”. Bên cạnh những lời ngợi khen, tác phẩm được dẫn dắt dưới bàn tay của cô con gái nhà Kennedy cũng đối mặt với những lời chỉ trích sâu sắc. Sử gia Nick Turse cho rằng bộ phim tài liệu “thiếu ngữ cảnh một cách đau đớn”. Tác phẩm "toàn nói về người Mỹ có ý nghĩa như thế nào mà chẳng có gì về việc hỏa lực Mỹ bừa bãi đã phá hủy đất nước này ra sao,” Turse viết.
Hồi ức của những nhân vật đã đưa ra một bài bình luận sống động đầy màu sắc cho những hình ảnh phim kịch tính. Bộ phim gợi ra sự đau xót, nỗi sợ hãi, giận giữ, hối hận, và cả tự hào, nhưng cảm xúc rõ ràng nhất có lẽ là nỗi lo sợ về một câu hỏi chưa được nói ra đang âm ỉ dưới bề mặt của câu chuyện: Điều này liệu sẽ xảy ra lần nữa ở Iraq và Afghanistan? Như đã mô tả trong phim, yêu cầu của Tổng thống Gerald Ford đòi chi thêm 722 triệu đô la viện trợ quân sự khẩn cấp trong những tuần cuối trước khi chế độ Sài Gòn sụp đổ đã bị Quốc hội Mỹ từ chối, và thật khó để tưởng tượng Tổng thống đương nhiệm Barack Obama có thể thuyết phục Washington (và công chúng Mỹ) chấp nhận chi thêm hàng tỉ đô la khác cho các nỗ lực chiến tranh tại Afghanistan. Câu chuyện về “Những ngày cuối cùng ở Việt Nam” có lẽ không đơn giản là lịch sử đã khép lại, mà nó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho công chúng Mỹ về cái giá phải trả cho chiến tranh tới tận bây giờ.
Phim tài liệu “The Last Days in Vietnam”, tạm dịch “Những ngày cuối cùng ở Việt Nam”
Đạo diễn: Rory Kennedy
Sản xuất: Rory Kennedy, Keven McAlester
Biên kịch: Mark Bailey, Keven McAlester
Quay phim: Joan Churchill
Dựng phim: Don Kleszy
Âm nhạc: Gary Lionelli
Độ dài: 98 phút
Thể loại: Tài liệu/Chiến tranh
Nước sản xuất: Hoa Kỳ
Công chiếu: Ngày 17 tháng 1 năm 2014 tại Liên hoan phim Sundance
Lumye
Nguồn ảnh: The NewYorker, Vanity Fair, IMDb
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Chân to như cột đình bẩm sinh cũng thon dài như đôi đũa, chỉ nhờ 4 bài tập đơn giản trong 15 phút