Những câu chuyện thời trang đáng dựng thành phim

Eve Nguyễn 2015-05-12 13:08
- Thành công bất ngờ của bộ phim “Dior và tôi” đã cho thấy một tương lai khả quan dành cho mảng phim tài liệu thời trang. Ngoài câu chuyện xúc động của NTK Raf Simons, giới thời trang vẫn còn rất nhiều những sự thật thú vị đáng được đưa lên phim ảnh, những mảng sáng tối mà không phải tín đồ thời trang nào cũng đã từng nghe qua.
Bộ đôi thân thiết Naomi và Kate
Chắc chắn mọi cô gái đều muốn được xem một bộ phim nói về tình bạn giữa siêu mẫu Naomi Campbell và Kate Moss. Cả hai đều bắt đầu tạo dựng sự nghiệp từ thập niên 90, họ làm việc cùng nhau, và chơi bời, tiệc tùng cũng luôn có nhau. Không chỉ hỗ trợ nhau trong những mùa thời trang bận rộn, cả hai còn luôn được giới báo chí bắt gặp sát cánh bên nhau trong mọi hoạt động suốt những năm 90. Với hình thể siêu chuẩn, chiều cao đáng mơ ước, và tính cách nghịch ngợm, vô tư, phóng khoáng, Naomi và Kate đã duy trì một tình bạn kéo dài qua ba thập kỷ, trải qua những dấu mốc hôn nhân, scandal và nhiều lần thay đổi phong cách. Tình bạn của họ chính là nguồn cảm hứng cho mọi mối quan hệ mà các cô gái ngày nay mơ ước. 
 
Quyền lực của “Bộ sậu Antwerp”
“Bộ sậu Antwerp” là một nhóm 6 NTK vốn là bạn học cùng lớp, bao gồm Ann Demeulemeester, Dries Van Noten, Walter Van Beirendonck, Dirk Bikkembergs, Marina Yee và Dirk Van Saene. Họ đã cùng nhau thay đổi bộ mặt thời trang nước Anh nói riêng và thời trang thế giới nói chung. Khi tốt nghiệp năm 1986, cả 6 người đã cùng nhau đóng gói bộ sưu tập thời trang tốt nghiệp của mình, chung nhau một chiếc xe tải tiến thẳng tới hội chợ ở Tuần lễ Thời trang London. Ngoài 6 người này, còn một NTK nữa là Martin Margiela cũng là bạn cùng lớp, tuy nhiên không được nhắc tới với tư cách là thành viên chính thức của “Bộ sậu Antwerp”. 
 
Bộ mặt thời trang ở Nga sau Chiến tranh Lạnh
Ảnh chụp trên tạp chí Ptyuch, số tháng 10/1998. 
Sau khi Liên Xô tan rã, giới thanh thiếu niên ở Nga mới bắt đầu được tiếp cận cởi mở hơn với thời trang và văn hóa đại chúng của các nước phương Tây. Trong bối cảnh đó, Igor Shulinsky và Igor Grigoriev đã sáng lập ra những tạp chí tiên phong là Ptyuch và OM, những tạp chí này đã thể hiện một cách mạnh mẽ về bộ mặt cuộc sống thời trang, phong cách, văn hóa ở Nga, đập tan định kiến của người phương Tây về cuộc sống của người dân Xô Viết sau chiến tranh Lạnh. Đây cũng là câu chuyện về tinh thần phản kháng của tuổi trẻ, chống lại những quy định bó buộc và rập khuôn. 
 
Cuộc đời của Michèle Lamy
Trước khi kết hôn với NTK Rick Owens và trở thành một hình tượng dị biệt trong ngành thời trang, Michèle Lamy vốn là một người sở hữu quán cafe khá nổi tiếng ở Los Angeles. Từ ngày còn niên thiếu, bà đã đi học ngành luật, và đóng vai trò khá chủ chốt trong những cuộc biểu tình của sinh viên tại Pháp năm 1968. Sau đó, bà bỏ việc trong ngành luật, đổi hẳn sang làm ca sĩ phòng trà và vũ nữ thoát y, chính công việc này đã mở đường cho bà sang California. Đến khi bước sang độ tuổi 40, bà mới gặp Rick Owens qua sự giới thiệu của nhiếp ảnh gia Rick Castro. Cuộc sống hoang dại đầy quyến rũ và lộng lẫy từ những năm tháng tuổi trẻ của Michèle Lamy chắc chắn sẽ làm nên một bộ phim hấp dẫn, với bối cảnh đời sống ở cả Paris và Los Angeles sẽ khiến cho những hình ảnh, tình tiết càng thêm phong phú. 
 
Buổi trình diễn đầu tiên của Raf Simons
Raf Simons cho biết: “Bức ảnh này được chụp ngay trước lúc tôi bắt tay vào thực hiện BST đầu tiên của mình, lúc chụp tôi vẫn mải nghĩ về chuyện bắt đầu chuyển nghề sang thiết kế thời trang.”
Trong thời gian học tập chuyên ngành Thiết kế Công nghiệp và Thiết kế Nội thất hồi đầu thập niên 90, Raf Simons đã gặp gỡ Olivier Rizzo, Willy Vanderperre, David Vandewal và Veronique Branquinho. Họ thường xuyên tụ tập, gặp gỡ ở quán cafe Witzli-Poetzli ở Antwerp, đưa ra những ghi chú về thời trang và các kiểu ý tưởng khác nhau. Dưới sự khích lệ của Linda Loppa, Raf Simons đã thực hiện buổi trình diễn đầu tiên vào năm 1995. Có rất ít các hình ảnh, tài liệu ghi lại buổi trình diễn này, nhưng câu chuyện về nó chắc chắn là một nguồn cảm hứng lớn về tham vọng và hành trình khám phá bản thân mà mọi NTK muốn tìm hiểu. 
 
Những năm đầu thành lập thương hiệu Comme des Garçons
NTK Rei Kawakubo 
NTK Rei Kawakubo tổ chức buổi trình diễn thời trang đầu tiên của thương hiệu Comme des Garçons tại Paris năm 1981 – một BST mang tính đột phá, với các chất liệu vải sờn rách, và những đường cắt may phá cách, mang màu đen chủ đạo. Kawakubo đã đi tiên phong trong việc khám phá ra những giới hạn mới trong thiết kế thời trang, tạo ra một dòng trang phục nam giới hoàn toàn khác lạ. 
 
Dòng thời trang X-Girl
Kim Gordon trong trang phục của X-Girl 
Năm 1993, Kim Gordon – tay bass của ban nhạc The Sonic Youth đã sáng lập ra dòng thời trang X-Girl. Thương hiệu này cũng là sản phẩm hợp tác với nhà tạo mẫu Daisy von Furth. Câu chuyện về dòng thời trang X-Girl này chính là câu chuyện về những cô gái trẻ nổi loạn mang đậm đặc trưng của những năm 90 tràn ngập sắc màu, nhớ lại một thời quá khứ “dữ dội” với những dấu ấn thời trang bất hủ. 
 
Chuyện đời của Isabella Blow
Câu chuyện đời của Isabella Blow cũng giống như một tấm ren đan xen cả tình yêu và những nỗi buồn. Biên tập viên nổi tiếng người Anh này đã có công giúp đỡ cho sự nghiệp của rất nhiều tài năng thời trang Anh Quốc trong những năm 90, bao gồm Alexander McQueen, Hussein Chalayan và Philip Treacy. Rất nhiều NTK đã bắt đầu sự nghiệp bằng cách làm việc trong tầng hầm tại căn nhà của Isabella tại Belgravia. Bà cũng có công phát hiện ra nhiều gương mặt người mẫu tiềm năng như Stella Tennant và Sophie Dahl. Những câu chuyện về Isabella Blow đã trở thành bất hủ, từ chuyện Andy Warhol tới bắt chuyện với bà trong một bữa tiệc chỉ vì nhìn thấy bà đi giày mỗi bên một kiểu, đến chuyện bà hồn nhiên cởi đồ để đổi trang phục với một người mẫu trên một chuyến tàu khi đi du lịch tới Paris cùng Alexander McQueen.
 
Biểu tượng phong cách Anjelica Huston
Anjelica Huston đã cho xuất bản hai cuốn hồi ký, vì vậy, rất có thể chuyện bà đưa quá khứ của mình lên màn ảnh rộng cũng chỉ là vấn đề sớm muộn. Anjelica lớn lên tại Ai-len và London, sống trong cuộc sống hoa lệ từ sự nổi tiếng của gia đình: cha bà là đạo diễn phim nổi tiếng John Huston, mẹ bà là một vũ công ba lê vô cùng xinh đẹp nhưng đã qua đời trong một tai nạn ô tô khi bà còn nhỏ. Sau đó, Anjelica chuyển tới New York, hẹn hò với Bob Richardson – một con người tài năng nhưng cũng đầy rắc rối. 
 
Tưởng nhớ Louise Wilson
Sau khi Louise Wilson qua đời năm ngoái, ngành thời trang thế giới đã mất đi một trong những tài năng hậu trường sáng giá nhất. Louise Wilson chính là người chịu trách nhiệm giảng dạy, nuôi dưỡng tài năng của các NTK nổi tiếng như Alexander McQueen, Christopher Kane, Simone Rocha, Craig Green và nhiều tên tuổi khác, thậm chí kể cả Kanye West cũng đã rất đau khổ vì sự ra đi của bà. 
Eve Nguyễn
(Ảnh: grazia, urbanplayer, oystermag) 
(Theo Congluan.vn)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cát-xê dàn ca sĩ Việt: Hà Hồ 1,5 tỷ dự event, Lệ Quyên hát đám cưới 15k đô