Nước Ý – "Đế chế" hùng mạnh tiếp tục thống trị thời trang toàn cầu
2015-05-03 06:50
- Đế chế La Mã đã từng chinh phục những lãnh thổ rộng lớn khắp các châu lục, còn ngày nay, hậu duệ của họ khẳng định sức mạnh bằng thời trang.
Tin liên quan
Ý là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về lĩnh vực thiết kế thời trang, sánh ngang với Pháp, Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản. Bản thân ngành thời trang đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của quốc gia này, và bản thân người Ý cũng nổi tiếng là những người có gu ăn mặc lịch lãm. Câu nói "la bella figura" – nghĩa là “ấn tượng tốt”, đã trở thành truyền thống của người Ý.
Ảnh quảng cáo của thương hiệu Valentino - Ý
1 quốc gia – 3 thủ phủ thời trang
Tại Ý có 3 thành phố đều được coi là kinh đô thời trang, là Milan, Rome và Florence. 3 thành phố này đều có vai trò rất quan trọng đối với ngành thời trang Ý. Milan và Rome còn từng xuất hiện trong danh sách 30 thủ phủ thời trang hàng đầu thế giới.
Các người mẫu bên thềm Tuần lễ Thời trang Milan mùa Thu 2011
Năm 2009, Milan được công nhận là kinh đô thời trang thế giới, vượt qua cả New York, Paris, Rome và London, đến năm 2011 thì mới chịu xếp sau 3 thành phố này. Rất nhiều thương hiệu thời trang lớn ở Ý như Valentino, Versace, Prada, Armani, Missoni, Moschino, Etro và Dolce & Gabbana hiện đang đặt trụ sở tại Milan. Milan tổ chức Tuần lễ Thời trang 2 lần mỗi năm, được coi là một trong 4 sự kiện Tuần lễ thời trang quan trọng nhất thế giới. Tại Milan, khu vực tập trung nhiều các cửa hàng mua sắm thời trang nhất được gọi là khu "quadrilatero della moda", trải dài trên các con phố Via Montenapoleone, Via della Spiga, Via Sant'Andrea, Via Manzoni và Corso Venezia. Ngoài ra, nếu bạn đến Milan thì cũng có thể đến thăm một số khu như Galleria Vittorio Emanuele II, Piazza del Duomo, Via Dante và Corso Buenos Aires để mua sắm.
Hình ảnh từ một buổi trình diễn thời trang của Ermanno Scervino tại Florence
Florence được coi là nơi khai sinh ra ngành công nghiệp thời trang hiện đại của Ý, sau thời Thế chiến thứ II. Những chuỗi sự kiện thời trang đầu tiên của thời kỳ này được tổ chức những năm đầu thập niên 50 bởi Giovanni Battista Giorgini, tại đó, các nhà thiết kế Ý đã tham gia giới thiệu các tác phẩm của mình, là nơi đầu tiên họ thu hút được sự chú ý của công chúng quốc tế. Florence là nơi thương hiệu thời trang Salvatore Ferragamo được thành lập năm 1928. Các thương hiệu khác như Gucci, Roberto Cavalli, Ermanno Scervino, Stefano Ricci, Patrizia Pepe, Enrico Coveri và Emillio Pucci cũng đều được thành lập tại đây, đa phần đến nay vẫn đặt trụ sở chính ở Florence. Một số thương hiệu lớn khác của Ý như Prada, hoặc Chanel của Pháp cũng đặt văn phòng và đại lý tại Florence. Khu phố mua sắm nhộn nhịp nhất của Florence là Via de' Tornabuoni, nơi tập trung rất nhiều cửa hiệu thời trang và trang sức xa xỉ nhất, trong số đó phải kể đến cửa hiệu của Armani và Bvlgari. Ngoài ra, những con phố như Via del Parione và Via Roma cũng nổi tiếng với nhiều cửa hàng thời trang cao cấp.
Cửa hàng Prada ở Rome
Thành Rome không phải là kinh đô thời trang nổi tiếng như Milan, nhưng năm 2009, Rome đã từng vượt qua London để lọt vào top 4 trung tâm thời trang của thế giới. Nơi đây là địa điểm sáng lập hoặc là nơi đặt trụ sở chính của các thương hiệu thời trang, trang sức lớn của Ý, như Valentino, Bvlgari, Fendi, Laura Biagiotti, Gattinoni và Brioni. Một số thương hiệu thời trang lớn khác như Prada, Dolce & Gabbana, Armani và Versace cũng đặt cửa hiệu lớn ở Rome, chủ yếu là tại con phố lộng lẫy Via dei Condotti.
12 người phụ nữ đã thay đổi ngành thời trang Ý
Sẽ tốn rất nhiều giấy mực để viết về những nhà thiết kế (NTK) thời trang ở Ý, nhưng ngành công nghiệp thời trang Ý còn được thay đổi diện mạo nhờ những nhân tố khác. Họ là những người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, ý chí sắt đá, góp phần chuyển đổi và viết lại lịch sử thời trang Ý.
Lea T
Người đầu tiên nên được nhắc đến là Lea T, một người mẫu sinh ra ở Brazil và hiện đang làm việc tại Milan. Lea T gây chú ý khi xuất hiện trong ảnh quảng cáo của Givenchy năm 2010 dưới sự chỉ đạo của NTK người Ý Riccardo Tisci. Cô là người mẫu chuyển giới đầu tiên được xuất hiện trong một bộ ảnh quảng cáo thời trang của thương hiệu lớn. Sau đó, cô xuất hiện trong chương trình phỏng vấn của Oprah hai lần, và tiếp tục xuất hiện trên nhiều bìa tạp chí khác. Đến cuối năm 2015, cô người mẫu Brazil lại tiếp tục viết lại lịch sử thời trang một lần nữa khi ký hợp đồng với hãng Redken, trở thành người chuyển giới đầu tiên làm đại sứ toàn cầu cho một công ty lớn.
Franca Sozzani
Người phụ nữ đáng kính trọng thứ hai là Franca Sozzani – Tổng biên tập tạp chí Vogue Ý. Từ năm 1994, bà rời ghế Giám đốc Biên tập của Condé Nast Ý. Đến năm 2007, bà đồng thời giữ chức Tổng biên tập tạp chí L’Uomo Vogue, tạo sự khác biệt trong việc sử dụng người mẫu nam khi tại nhiệm. Riêng đối với tạp chí Vogue Ý, bà đã có công biến đổi tờ tạp chí này từ một cuốn catalogue thông thường trở thành một ấn phẩm hấp dẫn toàn cầu. Bà cũng được nhiều người nể phục vì dám đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm như nạn phân biệt chủng tộc trong ngành thời trang, hay tình trạng bạo lực gia đình, thông qua từ ngữ sắc bén và hình ảnh sáng tạo.
Patrizia Wassermann
Người tiếp theo là Patrizia Wassermann, người tự nhận là “một trong những con khủng long cuối cùng của thời trang Ý”. Năm 2009, Patrizia sáng lập công ty đại diện đầu tiên chỉ quản lý người mẫu nam mang tên “I LOVE”. Đây là thành quả từ 25 năm tích lũy kinh nghiệm khi làm giám đốc quản lý bộ phận người mẫu nam khi bà làm việc cho công ty quản lý người mẫu Beatrice. Hiện tại, Patrizia đang là đại diện cho những gương mặt người mẫu nam nổi tiếng nhất thế giới, như Simon Nessman Jon Kortajarena và Gabriel Aubry. Vào thập kỷ 90, bà chính là người khởi xướng trào lưu tạo hình người mẫu nam có dáng thanh mảnh, đời thường – đến nay đã trở thành tiêu chuẩn cho người mẫu của Prada.
Miuccia Prada
Một cái tên khác được nhắc đến sẽ khiến nhiều tín đồ thời trang lập tức nhận diện được ngay, đó chính là Miuccia Prada. Mỗi khi Tuần lễ thời trang Milan được tổ chức, show diễn của bà luôn là một trong những buổi diễn được mong chờ nhất. Có thể nói, Miuccia chính là người khởi xướng rất nhiều trào lưu và xu hướng thời trang cho các tạp chí và các công ty bán lẻ học theo. Miuccia luôn được ca ngợi bởi những thiết kế sáng tạo của mình sau mỗi mùa thời trang, luôn có điểm nhấn bởi nét nữ tính dịu dàng, e thẹn đặc trưng của thương hiệu. Bà đã biến thương hiệu Prada mà ông mình sáng lập năm 1913 trở thành một trong những tên tuổi dẫn đầu ngành công nghiệp thời trang thế giới mà vẫn giữ được bản sắc riêng.
Emanuela Schmeidler chụp ảnh cùng NTK Roberto Cavalli
Tiếp theo trong danh sách là Emanuela Schmeidler, người có công nâng tầm tạp chí Vogue Ý lên thành một thương hiệu trong ngành truyền thông và thời trang. Bà sinh ra tại Milan, bắt đầu khởi nghiệp vào những năm đầu thập kỷ 80 khi mới 23 tuổi. Lúc đó, Emanuela làm việc với hai NTK Gianni và Donatella Versace, chủ yếu tập trung vào công việc PR của thương hiệu Versace. Năm 1999 - 2 năm sau cái chết của Gianni Versace, bà nghỉ việc tại Versace và thành lập công ty PR riêng mang tên mình. Bà đã giúp quảng bá tên tuổi nhiều thương hiệu thời trang Ý, nhưng quan trọng nhất là với tạp chí Vogue Ý, bằng cách mở rộng tầm ảnh hưởng của tạp chí này ra quốc tế và tổ chức nhiều sự kiện dưới tên ấn bản này. Đến nay, công ty PR của Emanuela đã mở rất nhiều chi nhánh khắp nơi trên thế giới.
Noona Smith-Petersen
Sánh ngang với Emanuela Schmeidler là Noona Smith-Petersen, một người phụ nữ sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, lớn lên ở Đan Mạch, sau đó chuyển tới Paris và cuối cùng bà đã chọn Milan làm nơi an cư lạc nghiệp. Noona Smith-Petersen đã hoạt động trong ngành PR hơn 30 năm, quảng bá cho các thương hiệu như Armani, Tod's và Calvin Klein, sau đó thành lập công ty PR riêng năm 2006. Kể từ đó, bà đã có công tạo dựng những chiến dịch quảng bá lớn cho hai thương hiệu đình đám ở Ý là Valentino và Lanvin, đồng thời cũng là người chắp cánh cho nhiều NTK mới nổi tại quốc gia này, gồm có Philipp Plein, Umit Benan và Aquilano Rimondi.
Karla Otto
Một tên tuổi “máu mặt” không kém trong ngành PR thời trang ở Ý là Karla Otto. Công ty PR của bà được thành lập năm 1982, đến nay đã có trụ sở tại Milan, Paris, New York, London, Los Angeles, Hongkong và Bắc Kinh. Karla Otto vốn là một cựu người mẫu, và với kinh nghiệm cùng tài năng của mình, công ty PR thời trang của Karla hiện đã có trị giá tới hàng tỷ đô la Mỹ.
Carla Sozzani
Nối dài danh sách nữ quyền của thời trang Ý là Carla Sozzani – người đã phát minh ra ý tưởng xây dựng cửa hàng kiểu “concept store”, nơi khách hàng không chỉ đến mua sắm quần áo mà còn là thưởng thức nghệ thuật. Bà cũng được công nhận là người đầu tiên giới thiệu môn nghệ thuật nhiếp ảnh tại Ý khi khai trương Gallery Sozzani 25 năm trước. Đến nay, sản nghiệp quan trọng nhất của Carla là chuỗi siêu thị hàng hiệu 10 Corso Como, không chỉ mở tại Ý mà còn có chi nhánh tại Bắc Kinh và Seoul.
Silvia Venturini Fendi
Nếu bạn muốn hỏi ai là người đưa những chiếc túi xách “hot” nhất xuất hiện trên sàn diễn thời trang Ý, thì câu trả lời là Silvia Venturini Fendi – Giám đốc Sáng tạo Phụ kiện của thương hiệu Fendi. Năm 1997, Silvia đã thiết kế ra chiếc túi Baguette, một trong những chiếc túi đầu tiên được sử dụng trong các buổi trình diễn thời trang. Silvia thừa nhận: “Lúc đó, tôi muốn làm điều gì đó mới lạ, chưa ai làm bao giờ. Lúc ấy, giới thời trang đang thịnh hành xu hướng tối giản. Tôi muốn tạo ra một chiếc túi mang đúng cảm hứng khi người ta thiết kế quần áo.”
Eva Cavalli
Một người phụ nữ khác tạo nên sự khác biệt cho một thương hiệu thời trang Ý là Eva Cavalli. Bà vốn là cựu hoa hậu ở Úc, sau đó gặp gỡ NTK Roberto Cavalli năm 1976 ở Santo Domingo. Chính bà là người đã gợi ý cho Roberto Cavalli thử nghiệm với các thiết kế trên chất liệu jeans, thay vì chỉ với da như trước đó. Bà cũng là người thúc đẩy thực hiện chiến dịch quảng cáo đầu tiên cho thương hiệu này hồi năm 1995. Bà tâm niệm rằng, sứ mệnh của mình là giúp cho NTK Roberto Cavalli nhận ra được ý tưởng thực sự của ông, giúp tạo ra những thiết kế thanh lịch hơn cho thương hiệu này, thực sự phục vụ được nhu cầu của phụ nữ.
Anna Dello Russo
Gần cuối danh sách, ta có Anna Dello Russo. Cô vốn là cựu biên tập viên thời trang của tạp chí Vogue Ý, và hiện đang làm tư vấn sáng tạo cho tạp chí Vogue Nhật Bản. Anna Dello Russo có thể được coi là một trong những fashionista được chụp ảnh nhiều nhất, trang blog của cô luôn là một trong những website được truy cập nhiều nhất. Có thể nói, Anna đã tạo ra những chuẩn mực dẫn đầu trong trào lưu street style, là người luôn tạo xu hướng cho mọi tín đồ thời trang học tập và ngưỡng mộ. Chính Anna đã giúp tạo nên nền tảng cho nhiều NTK ở Ý sáng tạo và quảng bá thiết kế của mình, đơn giản chỉ bằng cách diện đồ của họ và tạo dáng ở khắp mọi nơi, tất nhiên, những người hâm mộ cô sẽ ngay lập tức học tập theo.
Gaia Trussardi
Và người “chốt hạ” cho danh sách này là Gaia Trussardi. Ở tuổi 35, Gaia đang là một thành viên của Ban Quản trị Tập đoàn Trussardi, sở hữu 25% cổ phần của công ty mà gia đình cô đã thành lập từ năm 1911. Năm 2013, cô chính thức trở thành Giám đốc Sáng tạo của dòng sản phẩm chính của thương hiệu Trussardi, đây là một hiện tượng hiếm có, bởi các Giám đốc Sáng tạo ở Ý thường có độ tuổi trung bình xấp xỉ 40. Không dựa dẫm vào lợi thế “con ông cháu cha”, bản thân Gaia đã chăm chỉ làm việc tại công ty của gia đình từ năm 23 tuổi, tham gia vào nhiều kế hoạch sản xuất và quảng bá của thương hiệu Trussardi. Hiện tại, tham vọng của Gaia là xóa nhòa ranh giới giữa các dòng sản phẩm tách biệt của Trussardi, muốn phát triển các nhánh thương hiệu dưới chung một mái nhà trong tương lai gần. Cô đã khẳng định: “Sự mới lạ ở đây là hòa hợp thời trang cao cấp và thời trang bình dân. Khách hàng không cần thiết phải đi tới các cửa hiệu khác nhau để mua sắm nữa.”
Eve Nguyễn
(Ảnh: interviewmagazine, forbes, telegraph)
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Lên sóng Running Man hậu drama, Jack bị chỉ trích vì nói trống không, hành động thô bạo với đàn anh