Những đứa con của làng: Một câu chuyện cũ nhưng nhiều cảm xúc

Lê Phan 2015-03-03 16:31
- "Những đứa con của làng" tuy có đề tài rất cũ, nhưng sự mạch lạc trong đường dây kịch bản, diễn xuất có hồn của các diễn viên cùng những khung hình chăm chút, chắc chắn sẽ không làm người xem thất vọng.
Không ồn ào như những bộ phim độc lập gần đây, không gây sốt với những cảnh nóng, cũng không khiến dư luận “dậy sóng” về kinh phí như những bộ phim được Nhà nước đặt hàng vào năm 2014, “Những đứa con của làng” (kịch bản Phạm Dũng) lặng lẽ kể câu chuyện tình người thời hậu chiến. Có lẽ, chính việc khai thác đề tài này khiến phim càng lặng lẽ hơn khi ra rạp. Ngay cả người được mời xem cũng chuẩn bị tâm lý “sợ hẫng hụt” như những gì họ đã trải nghiệm với "Bước khẽ đến hạnh phúc" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh), "Sống cùng lịch sử" (Nguyễn Thanh Vân), hay chứng kiến sự gắng gượng của Phi Tiến Sơn trong "Đam mê". Cho đến khi 90 phút phim khép lại, khán giả đã có thể thở phào nhẹ nhõm.

Bộ phim "Những đứa con của làng" được đạo diễn bởi Nguyễn Đức Việt.
Phim có khoảng 30 diễn viên, nhưng chủ yếu xoay quanh 5 nhân vật. Bối cảnh chỉ trong một hai căn nhà, túp lều, dăm ba ngôi mộ và hai bên bờ sông bị tách rời bởi chiếc cầu bê tông đang xây dở ở một ngôi làng miền Trung. Tất cả các nhân vật được đan cài vào nhau với những tình tiết đều xoay xung quanh chiếc cầu.
20 năm trước, tại ngôi làng này, cha của Đông dẫn địch về giết dân làng. Ông Thập (NSƯT Trung Anh) may mắn sống sót, bây giờ đã là trưởng làng, luôn nhắc nhở mối thù ấy với người làng. Hằng năm, vào ngày giỗ làng, ông đều bảo tất cả người làng dùng dao, cuốc, gậy gộc… đập vào mộ của kẻ thủ ác. Ông Thập sống cùng với mối thù, thậm chí quen đến độ khi nó lên da non lại cào ra cho tứa máu. Cả làng cũng vì thế lầm lụi sống với vết thương ấy. Tại làng, còn có anh Bè (Huy Cường) ngơ ngẩn tốt bụng, luôn bị cho là “khùng”, yêu đơn phương cô lái đò và thích lo chuyện bao đồng. Suốt ngày quẩn quanh chơi với “người bạn tri kỷ” là con gà trống, và không quản cực nhọc, ôm thùng phi, vác tre làm cầu tạm cho làng. Có Đông (Trần Bảo Sơn) tốt bụng và hiếu thuận – con trai kẻ từng dẫn địch về làng – đi làm ăn xa, phải đợi đêm xuống, cởi trần đội hoa, hương trên đầu lội sông thắp nén hương cho cha. Có cô Bưởi lái đò (Thúy Hằng) xinh đẹp, con ông Thập, trót “bụng mang dạ chửa” do dại khờ trao nhầm tình yêu cho gã chủ tịch xã sở khanh, tham ô, tráo trở, ăn chặn tiền làm cầu của làng.

NSƯT Trung Anh vào vai ông Thập.
Từ nút thắt là chiếc cầu bị phá vỡ do bom đạn thời chiến, đến chiếc cầu dở dang trong thời bình, phim từ từ lật mở mối hằn thù, định kiến ám ảnh từ quá khứ, đến cái nhìn vị tha, tích cực của những người trẻ thời bình. Qua câu nói của Bè khi từ chối đánh vào mộ ba của Đông “chừ đánh rồi thì ba mẹ tui có sống lại được chăng?”, qua hành động liên tục xin ông Thập cho Đông bốc mộ cha. Qua hành động yếu ớt của Bưởi giúp Đông qua sông khi bị dân làng đuổi đánh lúc về viếng mộ cha, và bùng lên mạnh mẽ, phản kháng trước sự cứng nhắc của ông Thập. Qua những câu hỏi bâng quơ, hồn nhiên của thằng Nam – cháu ông Thập. Và sự chân thành của Đông – một đứa con dù xa làng nhưng tâm tư luôn ở làng, thương người cha đã khuất nhưng cũng rất ý thức tội của cha với làng. Dù giận ông Thập không cho bốc mộ nhưng vẫn thương Nam, sẵn sàng giúp Bưởi khi cô lâm nạn với cái bầu. Phim đan cài tinh tế yếu tố tâm linh giữa người sống và người chết. Hơn một lần, câu nói: “Chết là hết!” được nhắc lại.

Huy Cường (bên trái) có vai diễn điện ảnh đáng nhớ.
Phim có nhiều chi tiết xúc động. Đó là anh Bè nghĩa hiệp, cưu mang Bưởi, nhận bừa là cha đứa con trong bụng cô, thương con gà trống như người bạn tri kỷ nhưng khi Bưởi ốm, vừa làm thịt con gà cho Bưởi bồi bổ vừa khóc. Đó là hình ảnh lũ trẻ reo vui tung tăng chạy trên chiếc cầu tạm bợ ấy từ bờ bên này qua bờ bên kia. Và kháo cho người xem biết rằng, người làng góp kẻ tấm ván, người cái đinh, ông Thập góp cái hòm đóng để dành lúc mất để anh Bè hoàn thành chiếc cầu tạm. Việc làm của Bè, cuối cùng, trong mắt người làng đã không còn vô ích. Và, cũng chính chiếc cầu ấy, đã gắn kết các cá thể trong làng lại với nhau. Ông Thập từ chỗ kiên quyết không cho Đông bốc mộ đã đồng ý để mộ cha Đông ở lại làng và nhận Đông là con của làng. Không phải vì lời đề nghị góp tiền xây cầu của Đông mà tâm tư ông sau nhiều dằn vặt, đã vỡ lẽ, để làng đỡ khổ, và để tâm tư ông nhẹ nhõm, thanh thản, phải biết tha thứ cho quá khứ, mở lòng với hiện tại và hướng đến tương lai.
Thứ tha cho lỗi lầm của quá khứ, phải chăng là chiêm nghiệm chưa bao giờ cũ với mỗi cá nhân?
Phim có những góc quay đẹp mắt, cảnh làng quê thanh bình được khắc họa đậm nét. Cái không khí bức bối được dồn đẩy lên theo từng khung hình. Cảnh chiến tranh ban đầu dựng chăm chút, cách chuyển mạch 20 năm có lớp lang đủ để người xem kịp bắt nhịp. Đặc trưng nhất của bộ phim chính là tiếng nói địa phương được giữ lại nguyên vẹn, khiến người xem có cảm giác thực về câu chuyện diễn ra ở một vùng quê miền Trung. Nhiều khán giả trẻ tại Sài Gòn sau khi xem phim, nói rằng, phim cho họ thấy được vùng quê họ chưa được đặt chân đến, với những định kiến mà họ không nghĩ là lại sâu đậm đến vậy. Việc giữ nguyên tiếng địa phương như vậy, đôi chỗ khiến họ không hiểu hết được lời nhân vật song cũng mang lại cho họ cảm giác phong phú của tiếng Việt – điều mà họ chỉ đọc lớt phớt qua sách vở.

Đám tang của làng sau 20 năm.
Thành công lớn nhất của bộ phim, ngoài kịch bản chắc tay, đạo diễn có nghề còn nằm ở diễn xuất của các diễn viên. Đất diễn của Trần Bảo Sơn trong phim này không nhiều như kỳ vọng. Thay vào đó, Huy Cường và Thúy Hằng – hai gương mặt lần đầu xuất hiện trong điện ảnh khiến người xem ngạc nhiên. Nhất là, với Huy Cường, gương mặt quen thuộc của phim truyền hình, chuyên vào những vai phản diện, từ giang hồ, lưu manh đến sở khanh độc ác lại có thể hóa thân ngọt ngào, lăn xả vào nhân vật Bè đến vậy. Cô Bưởi của Thúy Hằng không chỉ có ngoại hình xinh đẹp, mà còn có nội tâm sâu sắc. Cách diễn đè nén của Thúy Hằng, lúc nào cũng chỉ chực vỡ ra phù hợp với nỗi đau giấu kín của Bưởi bị người thương phụ bạc và tan nát trái tim vì yêu nhầm người. NSƯT Trung Anh nhập vai xuất sắc đến độ người xem tin ông 70 tuổi và “khó chịu” thật!

Thúy Hằng trở lại ấn tượng với phim ảnh sau thời gian vắng bóng. Ngoài “Những đứa con của làng”, cô còn tham gia phim truyền hình “Mưa bóng mây” của đạo diễn Trọng Trinh.
Thẳng thắn mà nói, câu chuyện và cách xây dựng câu chuyện trong "Những đứa con của làng" khá cũ kỹ. Nó có vẻ phù hợp với những thước phim kiểu thập niên 90 hơn. Thế nhưng, sự chắc tay của cả một tập thể đã thổi hồn và giữ nhịp được tính nhân văn cho câu chuyện, lay động người xem. So với những bộ phim theo đơn đặt hàng vào năm 2014, "Những đứa con của làng" thực sự là một điểm sáng. Bộ phim này từng gây tò mò hồi tháng 11 khi được chọn là đại diện của Việt Nam tranh tài tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ ba. Và sẽ tranh giải Cánh Diều Vàng 2015 vào ngày 12/3 tới.
"Những đứa con của làng" được khởi chiếu từ 27/2 tại các phòng chiếu CGV Art House của cụm rạp CGV trên toàn quốc.
Lê Phan
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

'Gà cưng' một thời của Vũ Khắc Tiệp: Người gánh nợ tiền tỷ cho mẹ ruột, kẻ sung túc bên chồng đại gia