Gặp gỡ Phan Việt - Khi nào bất hạnh trở thành tài sản?
2014-07-16 15:07
- Cuộc giao lưu với nhà văn Phan Việt diễn ra trong bầu không khí thân tình với những chia sẻ mang nhiều ý nghĩa không chỉ về cuốn sách “Xuyên Mỹ” mà về hôn nhân, cuộc sống, và sự bất hạnh.
Tin liên quan
Cuộc gặp gỡ với nhà văn Phan Việt nhân dịp xuất bản cuốn sách “Xuyên Mỹ” đã diễn ra vào 18h tối qua tại Trung tâm văn hóa Pháp L’espace. Không giống với những buổi tọa đàm trước đó của Nhà xuất bản Trẻ, lần này vắng bóng một người diễn giả chuyên làm công việc dẫn dắt chương trình. Thay vào đó, chương trình trở thành một buổi trò chuyện chia sẻ giữa tác giả Phan Việt và hai khách mời là hai người bạn của chị - họa sĩ Lê Thiết Cương và ca sĩ Giang Trang, cùng tiếng đàn réo rắt của nghệ sĩ violin Doãn Tuấn Anh.
Họa sĩ Lê Thiết Cương (Ảnh: SGTT)
Cũng không theo hướng được đưa ra trong thông cáo, Phan Việt không chia sẻ nhiều về những lựa chọn xung quanh “Xuyên Mỹ”, mà thực chất chỉ có 1 lựa chọn - cũng không phải “lựa chọn không mất mát” - mà chỉ có 1 lựa chọn. Với nhân vật Tôi trong "Xuyên Mỹ", đó là lựa chọn li hôn và vượt qua bất hạnh. Với tác giả, đó là lựa chọn xuất bản cuốn sách kể câu chuyện mất mát của mình.
Cuộc trò chuyện diễn ra trong một không khí thân tình, xúc động với những chia sẻ mang tính cá nhân của nhà văn Phan Việt, dí dỏm với lối nói chuyện có duyên vừa “đanh đá” vừa gây cười của họa sĩ Lê Thiết Cương, ca sĩ Giang Trang với giọng đọc truyền cảm và phong thái ngơ ngác một cách tỉnh táo đóng vai trò làm nhân tố dung hòa. Lê Thiết Cương xoáy sâu vào người phụ nữ trong Phan Việt, về vai trò người phụ nữ trong hôn nhân của chị. Trong khi Giang Trang cũng làm việc tương tự, nhưng theo một cách “bênh vực” hơn và “thương” hơn. Về phần khán giả, nhiều câu hỏi thú vị được đưa ra đi kèm với những chia sẻ có ý nghĩa.
Ca sĩ Giang Trang (Ảnh: Hải Tròn)
Buổi giao lưu thu hút rất đông khán giả từ lứa tuổi còn đang đi học đến những người mà mái tóc đã bạc phơ, khán đài của L’espace chật kín chỗ và đa số khán giả nán lại đến phút cuối của chương trình.
Xuyên Mỹ - tự truyện hay không tự truyện
“Xuyên Mỹ” có đích thực là một cuốn tự truyện hay không, đó là câu hỏi mà nhà văn Phan Việt được nghe nhiều nhất. Không phải vì tính nhập nhằng trong việc phân định thể loại của tác phẩm, mối băn khoăn này xuất phát từ thực tế tự truyện là một thể loại khá hiếm trong văn học nước nhà. Theo quan niệm của người Việt Nam, kể chuyện mình, mà nhất là những chuyện chả mấy hay ho, chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”. Nhất là chuyện li dị, chẳng ai muốn bày ra cho thiên hạ biết rằng “Tôi là một phụ nữ thất bại trong hôn nhân”. Bởi thế mà chẳng lạ khi nhiều độc giả thắc mắc rằng có đúng tác giả đang kể chuyện mình hay không, hay chỉ đang muốn nhân một câu chuyện li dị nào đó để nói lên một tình trạng xã hội?
Cũng theo nhận định của ca sĩ Giang Trang, người bạn thân của tác giả trong suốt 10 năm, Phan Việt tỉnh táo quá, trí thức quá, văn minh quá trong cách hành xử; họa sĩ Lê Thiết Cương thì cho rằng Phan Việt chính xác quá, thiếu sự “lỏng lẻo, linh tinh” của phụ nữ. Một người phụ nữ như thế, liệu khi kể chuyện mình, sẽ “kể về mình hay chỉ là về một người na na giống mình”?
Phan Việt không có một câu trả lời chính xác “đúng/sai” cho câu hỏi này, nhưng chị đã trả lời nó thỏa đáng. “Xuyên Mỹ” là một câu chuyện buồn, nhưng cái buồn đã được “biên tập” để tiết giảm đi. Khi chị bắt tay viết, câu chuyện đã xảy ra được 4 năm, chị đã không còn là chị của thời điểm xảy ra câu chuyện đó nữa. Bởi vậy, nếu hỏi chị có là người phụ nữ Tôi trong cuốn sách hay không, có lẽ chị không dám chắc. Nhưng chị khẳng định mình trung thực với chính bản thân mình trong từng khoảnh khắc viết “Xuyên Mỹ” để ra đời một câu chuyện đúng nhất với những gì nó xảy ra qua con mắt của chị.
Xuyên Mỹ - Bất hạnh đã là tài sản chưa?
Hôn nhân đổ vỡ có phải là bất hạnh hay không? Và tại sao lại gọi “bất hạnh” là một “tài sản”? Với hầu hết những gia đình phụ nữ Việt, vợ chồng li hôn, con không được sống với cả bố lẫn mẹ, là bất hạnh. Với Giang Trang, chị không thích câu “bất hạnh là một tài sản”, có lẽ vì chị không muốn phụ nữ phải ôm khư khư cái bất hạnh mà hãy coi nhẹ nó đi. Với Lê Thiết Cương, bất hạnh đúng là một tài sản hiểu theo nghĩa rộng của nó. Theo triết lý âm dương, không có gì là hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương; trong dương có âm, trong âm có dương. Theo đó, anh cho rằng không bao giờ là luôn được hoặc luôn mất, cuối cùng tất cả những “cái mất” đều thành “cái được”. Đấy là khi “bất hạnh” trở thành động lực để phát triển, là khi biết nhìn vào phần sáng chứ không chăm chăm vào phần tối.
Với Phan Việt, câu trả lời cho hai câu hỏi trên là “Đúng” với cá nhân chị. Li dị là một bất hạnh của chị, và trong “Xuyên Mỹ”, bất hạnh vẫn đang là bất hạnh. Với chia sẻ này, Phan Việt cũng hé lộ về cuốn sách thứ ba trong bộ hồi ký dự định sẽ ra mắt vào năm sau. Cuốn có tên gọi “Về nhà” - về Việt Nam - sẽ giải đáp tất cả những khúc mắc, sẽ mang đến một cái nhìn toàn cảnh về toàn bộ phần hồi ký mà chị muốn chia sẻ. Và trong “Về nhà”, chị nói, bất hạnh đã chuyển hóa thành tài sản.
Red
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Chẳng cô gái nào ngốc nghếch cứ thương mãi một người chắng sợ mất mình