Bàn tay phố ngóng quê

Văn Khoa 2015-08-28 14:57
- “Nơi nào có ký ức, nơi đó thành quê hương". Vậy nên, có gì ngạc nhiên khi mười mấy năm ở phố, thói quen xâm chiếm ký ức một cách tàn bạo thì Luân vẫn ngóng về thuở còn ấu dại, trên mảnh đất quê hương.
Chuyện của Luân, như lời đề tựa đã quen thuộc đầu trang phiếm đàm tờ báo của cơ quan anh, là chuyện gió mưa sớm chiều. Thấy tách trà bốc khói đâm nhớ một chỗ ngồi, thương con nắng ban sớm nhẩn nha trên tán cây chôm chôm, nghe gió lồng lộn áo mỏng bất chợt nhớ người dưng, nằm bệnh thì vơ vẩn nghĩ chuyện nọ xọ chuyện kia, hết cô gái áo hoa từng đi chung một đoạn đường giờ làm dâu nhà người, hết châu chấu búng tanh tách trên tàng cây nhỏ đến chuyện mải chơi khi má sai đi chợ mua thơm, ba bừa đất, đất bám vào kẻ nứt gót chân, lò dò sang thời trẻ trai đi học rồi đâm thương vợ đang vò lá trầu nấu nước sôi rắc muối bắt xông mắt…
Chuyện vụn, không đầu không cuối mà vấn vương như mùi hương cũ neo vào ký ức. Chạm nhẹ là nhớ, khơi nhẹ là ào ạt ùa về. Độc giả của Luân bảo, sao anh lắm ký ức thế. Hình như, đúng vậy thật. Căn "bệnh" lớn nhất của Luân chính là "Nhớ". Những ý nghĩ, luôn mang lại cho anh sự thú vị. Mà nếu không viết ra, có lẽ anh sẽ không thể nào chịu đựng nổi. Như khi anh viết “Phải nhớ mới về. Và rất nên, có nhớ hãy về!” Bởi khi ấy, người ta về bằng tâm tưởng của một đứa con nơi phố thị, nơi phồn hoa đô hội, về với tất cả yêu thương, lẫn lộn vui buồn, tự hào và xao xác. Ở đó, cái chất quê ngấm sâu vào máu thịt, dễ gì pha tạp!
Tôi vẫn thường gọi Luân là người ôm giấc mộng quê. Phố phường ngổn ngang trăm lối, anh ngang dọc cũng nhiều mà lúc nào hở chân vẫn ngóng về quê như người ta thương những điều xưa cũ, rồi ru lòng bằng câu "đi ở nhớ về". Nhiều người đọc rồi thích giọng văn của anh, có lẽ ngoài những ý tứ xa xôi, ngoài những điều dám nghĩ, dám nói và nói một cách thẳng thắn, ngoài câu chữ giản dị mà cuốn hút còn bởi những nỗi nhớ rất đỗi mong manh ấy của thuở ấu dại, của thời niên thiếu. Bởi, bao nhiêu người, rời quê lên phố mà không mang theo vài kỷ niệm bình dị, thậm chí chẳng đâu vào đâu? Bao nhiêu người, rời quê ra phố mà không len lén cất giữ những vấn vương bên dậu cúc, con nắng hắt ngoài hiên bóng dáng người thương cúi mặt, thẹn thùng? Bao nhiêu người, rời quê lên phố mà không đôi lần mi rơm rớm nước, thương chân cha nứt gót, tay mẹ queo quắt? Nhọc nhằn, buồn bã mà cứ váng vất nhớ.
Bàn tay phố ngóng quê
Tản văn "Đi ở nhớ về" của Ngô Kinh Luân.
Cũng như, có bao nhiêu người về thăm quê sau nhiều năm xa cách, tránh sao được cảm giác bồi hồi như hẹn hò mối tình đầu, vui vui buồn buồn trước những bể dâu, những thân phận? Cũng như có bao nhiêu người, đi qua yêu thương dang dở mà không thon thót giật mình khi nghe tên người xưa, không thương thương nhớ nhớ một con đường với ngã tư và những cột đèn trong chiều ngâu, lặng lẽ đếm những bước chân? Cũng như, có bao nhiêu người, bên tách trà đã nhạt, bên ly rượu đã phai không tiếc nhớ bằng hữu đã từng chia ngọt sẻ bùi?
Luân, trừ đôi lần trở về quê để tránh đời sống xô bồ, mỏi mệt, thì cái chính vẫn là được sống một cuộc đời tự do tự tại, kiểu ông Đào bên xứ Trung hay cụ Nguyễn của nước mình ngày trước. Uống trà, thưởng rượu, ngắm trăng, vui với con chào mào gõ trong lồng.
Đọc Luân phải đọc từng chữ. Bởi anh viết gần như không có chữ thừa. Có thể hôm đó anh mệt hoặc nhiều việc, song bài nào cũng tăm tắp những ý nghĩ mới mẻ và lạ lẫm. Kiểu hành văn đó, cách dùng từ đó, suy nghĩ thấu đáo đó. Tuyệt nhiên, không bao giờ có sự lơi tay hay qua loa lấy lệ. Vậy nên, sẽ chẳng mấy kinh ngạc khi độc giả cầm tờ báo trên tay, bao giờ cũng tìm bài của anh đọc trước. Vậy nên, không có gì bất ngờ khi lượng người yêu quý anh trải dài khắp trong Nam ngoài Bắc, từ phụ nữ đến nam giới, từ học sinh, sinh viên, dân văn phòng, giới trí thức, bình dân cho đến các cụ cao niên.
Luân viết, tài hoa mà rất đời (kiểu “nằm chèo queo như chó con trong góc nhà”, “ngồi buồn như chó ốm”…), tinh tế mà rất nghịch. Cái nghịch của kẻ biết và ý thức được tài năng của bản thân. Cái nghịch của một kẻ kiêu bạc, chẳng sợ trời, chẳng sợ đất (hoàn toàn khác với ý nghĩ không coi ai ra gì như một số dèm pha), đã không thích thì đừng cố nài ép. Điều dễ nhận thấy trên những trang phiếm đàm. Ở tập tản văn này, bạn đọc có thể liếc qua: Luận chuyện vợ chồng, Luận chuyện lăng nhăng, Bằng hữu mấy người Một đoạn trích: Hóng hóng hớt hớt, ngồi với mấy đại gia. Thấy mỗi đại gia có một xinh tươi, vừa ngồi vừa mơ… Đêm, về mơ tiếp. Nếu mình là đại gia, hẳn đám đông sẽ đại loạn dưới tay mình. Tính rồi, sắm cho con Ferrrari 2 cửa, màu đỏ chót… Mình lái một em BMW mui trần. Ôi, mình là đại gia.. thì xá gì tiền bạc. Lúc đó, mình chơi cho mà thấy. Tiếc là, như đã nói, mơ không bao giờ thực”. (Trích Vặt vãnh phố thị).
Trần Hoàng Nhân - một người anh, một người bạn của Luân - thường gọi anh rất yêu bằng từ “đĩ” kèm sau tên. Nhân là một nhà báo có tiếng, một nhà thơ có tài, tính Nhân khẳng khái và là “dân chơi” đúng nghĩa như “người trong giang hồ”, nên hiểu ngoài lời khen tặng còn là sự quý trọng một con người tài hoa. Mà thật ra, không chỉ có Trần Hoàng Nhân, còn nhiều nhiều cây bút có tiếng khác, dẫu quý mến hay xem Luân là “kỳ phùng địch thủ” trên “mặt trận” con chữ, vẫn dành tặng những lời có cánh cho anh.
Người tài hoa, thường trực ba điều, dẫu muốn dẫu không. Một, bằng hữu thương quý đế độ chỉ mong được làm một cái gì đó cho người được vui. Hai, nhan sắc yêu dấu, dẫu muốn hay không. Ba, như là hệ lụy của tài hoa cộng hai điều trước đó, thị phi bủa vây. Nhất cử nhất động đều được suy đoán, gán ghép tới nỗi không biết đâu mà lần. Tâm có lặng đến mấy thì những lời đồn vô căn cớ vẫn khiến người ta phiền muộn. Luân, hơn người không chỉ ở tài mà còn ở cách ứng xử. Trong rất nhiều câu chuyện với anh, tuyệt nhiên, chưa bao giờ anh nói sau lưng ai, kể cả kẻ đó trước mặt anh giả lả tươi cười, anh quay đi thì ton hót bằng miệng lưỡi của kẻ tiểu nhân.
Bàn tay phố ngóng quê
Bao trùm những bài tản văn trong cuốn sách này, ngoài nỗi nhớ váng vất là nỗi buồn man mác, cứ thế len sâu rồi ở lại. Hiện hữu thường trực là những nỗi buồn thân phận (mà chủ yếu là người ở quê, người từ quê lên phố) như: Đi ở nhớ về, Vé số buồn vui, Tuổi già ngong ngóng, Những câu chuyện miền Tây, Chuyện vặt ngày đường phố ướt mưaQuê cách thành thị có bao xa, mà phận người cứ cung cúc như mẹ ngồi đan áo, chị thổi lửa nấu cơm chiều. An bình mà nhiều lo toan. Phận người quê, như sẻ làm tổ trên cây tầm vông cuối ngõ. Gió qua một cơn, tan tác sẻ non. Phận người ở quê, như con nhạn bị cầm tù trong lồng sắt. Ngước mắt hoang hoải nhìn tàn ngày… (Trích Những người nhà quê).
Rồi chính từ những thân phận đó vút lên cái hạn hữu của đời người. Thời gian theo tuổi, chớp mắt cái mà thành khoảnh khắc. Tôi vẫn luôn tin rằng, chỉ những ai có đời sống sôi nổi, thực sự sôi nổi mới thường hay chong mắt ngóng về những điều xưa cũ, mới bị thời gian ám ảnh. “Tự bấy lâu, mình vẫn hay nghĩ đến sự mỏng manh của kiếp người. Cái gì đã trôi qua, tức là chỉ có thể lưu giữ lại trong tư duy mà thôi, tuyệt nhiên không thể nào có thể lặp lại. Như những hồi vui, cũng chừng đó con người, chừng đó bằng hữu, chừng đó câu chuyện. Nhưng mỗi chặp vui là một cảm xúc khác nhau. Chúng ta, thật là nhỏ bé và bất lực. Tạo hóa cho chúng ta là chiếc đồng hồ cát, trở mặt đặt thẳng đứng, cát rơi đến hạt cuối cùng là đến lúc quay về". (Trích Mùa qua ký ức).
Tôi đọc sách xưa thấy, người nhận ra sự hạn hữu không chấp ngã bao giờ! Nỗi ưu tư lớn nhất của họ là chuyện thế sự. Trong phạm vi thu nhỏ, là trách nhiệm với gia đình. Luân có hai cậu con trai như khuôn đúc. Tình cảm anh dành cho con không chỉ qua những trang viết mà còn bằng sự quan tâm, thương vô cùng. Đang viết, sực nhớ ngày con đi chích ngừa, gọi điện nhắc vợ kiểm tra. Đi công tác, nhớ con, leo vội lên máy bay về, bỏ quên lời hẹn hò của bằng hữu. Lâu trước, ngồi với nhạc sĩ Sơn Thạch (tác giả của bài hát Cánh buồm phiêu ducho một bài viết, bất chợt anh nhắc: “Luân hay lắm, ngồi chơi với bọn anh nhưng tới giờ, nhất quyết về với con!”.
Có những nỗi buồn khiến người ta trở nên vị tha và thánh thiện hơn. Vậy thì, nên thử một lần bùi ngùi ký ức cùng những con chữ đầy sức lay động trong Đi ở nhớ về. Biết đâu, soi mình ở một ký ức cắt ngang nào đó, từ chuyện của tác giả ngẫm ra chuyện mình. Và cũng đừng ngạc nhiên, nếu như bạn phát hiện đâu đó sự cô độc ẩn mình rất kỹ của tác giả…

 

 Ngô Kinh Luân là cây bút quen thuộc trên An ninh Thế giới Giữa và Cuối tháng - một chuyên đề của báo CAND. Mà thật thì, cho dù anh viết ở đâu, độc giả của anh cũng lần ra được. Dù là phiếm đàm, trào phúng, bàn chuyện thế sự hay chuyện yêu đương, chuyện của giai nhân… Anh đọc rộng, chuyện xưa tích cũ có thể nói là rành rẽ nên hay mượn chuyện xưa nói nay. Hơn thế nữa, anh trải nhiều, lại là người tinh tế và cực kỳ nhạy cảm nên cách viết của anh, vừa rất đời lại rất nhã! Điều này tạo nên giọng văn rất riêng - khu biệt với những cây bút khác song lại thống nhất trong nhiều kiểu bài viết khác nhau.

 

"Đi ở nhớ về" là tập hợp những bài viết ở trang “Dọc đường gió bụi” của anh đã từng đăng trên Chuyên đề. Hay đúng hơn là tập hợp những câu chuyện của cảm xúc. Thật ra, tác giả không có tham vọng in thành sách. Là do, Nhà xuất bản quý mà đề nghị. Độc giả góp thêm tiếng nói, muốn có cái lưu dấu thay vì cắt báo sưu tầm rồi dán lại. Luân vốn dĩ sống tình cảm. Chuyện tiền nong, anh có thể chối từ như đã từng chối từ rất nhiều lời đề nghị viết chuyện này, chuyện kia. Song, anh sợ phụ những tấm lòng. 36 câu chuyện nhỏ trong sách khiến người đọc thổn thức bởi nó dẫn dắt bằng những từng trải rất đời của chính tác giả, của những mảnh đời mà tác giả hoặc cùng lớn lên hoặc từng tiếp xúc.

Hoàng Linh Lan

Ảnh: Độc giả
(Theo congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bí quyết trị mụn, dưỡng trắng da hiệu quả từ gừng tươi