1. “Bảy bước tới mùa hè” – Nguyễn Nhật Ánh
“Bảy bước tới mùa hè” là truyện dài mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm kể câu chuyện về mùa hè ngọt ngào, những trò chơi nghịch ngợm và cảm xúc bâng khuâng của tuổi mới lớn. Với giọng văn ngây thơ, hóm hỉnh và nhẹ nhàng, Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục cuốn hút người đọc từ trang đầu đến trang cuối thông qua những hồi ức về kỷ niệm trong veo thời niên thiếu.
Những dòng văn trong tác phẩm có những vui buồn rưng rưng đầy cảm xúc nhưng kết thúc có hậu và thuyết phục. Bên cạnh đó, những câu chuyện về tình thầy trò, bè bạn, tình xóm giềng, họ hàng cũng được nhà văn miêu tả trong tác phẩm thông qua cách nhìn bao dung và rộng lượng.
2. “Đong tấm lòng” – Nguyễn Ngọc Tư
“Đong tấm lòng” là cuốn sách gồm hơn 30 tản văn của Nguyễn Ngọc Tư. Trong tác phẩm này, nhà văn xứ Cà Mau đã tận dụng triệt để tâm hồn nhạy cảm vốn có cùng cơ hội được đắm mình trong không gian miền quê để lấy ra những câu chuyện kể. Cảnh sinh hoạt ấy trong trang viết Nguyễn Ngọc Tư hiện lên vừa yên tĩnh, thanh bình mà cũng vừa dậy sóng, đầy ắp những đổi thay.
Trong bức tranh đồng quê có người già, trẻ nhỏ, có những thanh niên trai tráng, có con xóm nhỏ với rặng hoa dâm bụt, những chiếc ghe vất vả ngược xuôi mùa gió chướng, có mùa lụt nước về hay những câu chuyện ma mị dọc đường gió bụi giang hồ của miền Tây xa thẳm.
3. “Tâm Thành và Lộc Đời” – NSƯT Thành Lộc
“Tâm Thành và Lộc Đời” là cuốn tự truyện NSƯT Thành Lộc - người được mệnh danh là “phù thủy của những vai diễn”. Với gần 50 năm đứng trên sân khấu, vui - buồn - sướng - khổ cùng hơn 600 nhân vật tức 600 kiếp người, Thành Lộc đã quyết định nói về số phận của đời mình, do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chấp bút.
Những câu chuyện riêng tư, chuyện nghề được kể trong cuốn sách giúp người đọc cảm nhận rõ hơn về chân dung của một người nghệ sĩ nổi tiếng cùng những bước thăng trầm của nghệ thuật sân khấu. Và rồi sau tất cả, độc giả nhận ra Thành Lộc đơn giản chỉ là Thành Lộc, một nghệ sỹ như tên mình, đến Trái Đất này với “Tâm Thành”, mong mang chút tài năng đến với khán giả như để “tặng Lộc” cho đời.
4. “Đằng sau những nụ cười” – Khánh Ly
Đằng sau những nụ cười” là một cuốn tản văn được Khánh Ly viết liên tục trong hàng chục năm. Tác phẩm được xuất bản vào tháng 5 năm nay được coi là món quà nữ danh ca dành tặng cho khán giả quê nhà. Ở đó một Khánh Ly liêu trai ma mị trong âm nhạc đã trở thành một người phụ nữ mượt mà và ắp đầy cảm xúc trong câu chữ. Chân dung “nữ hoàng chân đất” thể hiện rõ qua từng trang sách, từ cách đối nhân xử thế đến phong cách âm nhạc và cả những sự kiện, nhân vật quan trọng xung quanh cuộc đời nhiều thăng trầm của bà.
Người đọc thấy một Khánh Ly hiểu đời, hiểu người sâu sắc và nhạy cảm đến kỳ lạ. Bà thường trích dẫn những lời nhạc Trịnh trong những trang viết của mình như một sự tri ân đối với người tri kỷ. Bên cạnh đó, người được cho là hát thành công nhất các sáng tác của Trịnh Công Sơn cũng không ngần ngại kể về những lần bà bị nói xấu, dèm pha, mắng mỏ nhưng bà vẫn quyết chọn thái độ im lặng, chăm chỉ làm việc để đối đầu với thị phi. Khánh Ly tâm sự: “Tôi cũng từng lãnh những cú... tát trái, tát phải, những cú đấm nghìn cân, những nắm bùn vứt vào mặt tôi ở đằng sau những nụ cười. Nhưng có sao đâu. Thế mới là đời... Cứ bình thản trước mọi việc là câu trả lời đúng nhất. Im lặng cũng là một cách sống”.
5. “Trái tim đàn bà” – Nguyễn Quỳnh Hương
“Trái tim đàn bà” là tập hợp những bài tản văn của Nguyễn Quỳnh Hương. Những câu chuyện được nhắc tới đôi khi chỉ là những vụn vặt đời thường, nhưng đó là cách tác giả đưa người đọc trở lại bản ngã ngây thơ, nguyên vẹn có trong mỗi con người. Độc giả có thể nghe thấy tiếng reo của nồi cơm sôi trong một gia đình, tiếng khúc khích của trẻ con, những phòng bếp ấm sực gia vị yêu thương. Nếu trong một phố thị ồn ào, những ngôi nhà như thế cứ nhân lên, tiếng reo vui nhiều hơn... thì thành phố sẽ bớt lạnh lẽo và con người cũng bớt cô độc phần nào.
6. “Bẫy” – Phạm Anh Tuấn
Là một tác phẩm hư cấu, nhưng “Bẫy” lại thể hiện phần nào hiện thực của giới viết văn trẻ hiện nay. Thông qua “Bẫy”, tác giả thể hiện sự khắc nghiệt của làng văn đằng sau sự hoa mỹ của nghệ thuật. Trong tác phẩm này, các nhà văn hiện lên không còn là những kẻ mộng mơ, lãng mạn. Họ có đầy đủ áp lực cơm áo, gạo tiền. Ngoài tài năng, họ cần nhiều kỹ năng, đôi khi là thủ đoạn để đối diện với sinh tồn. Những người viết trẻ tìm cách làm hài lòng đám đông để có thể bán được nhiều sách. Đôi khi, họ buộc phải ký vào những hợp đồng bị ăn chặn, với số tiền nhuận bút nhỏ hơn rất nhiều so với chất xám bỏ ra.
7. “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” – Đinh Hằng
Bị bỏ lại trước ngưỡng cửa hôn nhân, một mình với chiếc ba lô nặng 34 kg trên lưng, cô gái trẻ thực hiện hành trình xuyên Mỹ với những day dứt, tổn thương sâu sắc trong lòng. Tuy nhiên, hiện lên trong những trang sách là một ta ba lô dày dạn kinh nghiệm trên đất Mỹ với cái nhìn chân thực nhất về thiên nhiên, văn hóa và con người Mỹ. Đó không phải là cái nhìn của công dân một nước đang phát triển lần đầu đến xứ cờ hoa, mà của một người lữ hành dày dạn kinh nghiệm, đến một xứ sở mới, gặp những con người mới - một cái nhìn bình đẳng, điềm nhiên và không định kiến. Nước Mỹ hiện lên qua những trang sách rất thực, không tô hồng, không phóng đại, kể cả khi đề cập các vấn đề tình một đêm, đồng tính, ma túy.
8. “Hạnh phúc đích thực” – Hoàng Anh Sướng
Cuốn sách dày gần 300 trang là cuộc đối thoại, trò chuyện giữa Thiền sư Thích Nhất Hạnh với nhà báo Hoàng Anh Sướng. Ngay từ mở đầu sách, đáp lại câu hỏi của tác giả “Với ngài, hạnh phúc là gì?”, Thiền sư đã dùng lý lẽ ngắn gọn mà bao quát. Ông cho rằng “hạnh phúc là an lạc”. Tiếp đó, qua dẫn dắt của nhà báo, Thiền Sư lần lượt bày tỏ quan điểm về các khía cạnh của hạnh phúc thông qua các vấn đề đang hiện hữu trong đời sống.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh cho rằng: “Tác phẩm đã vượt qua tầm đàm thoại cá nhân giữa nhà báo Hoàng Anh Sướng và Đại Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trở thành cuộc đối thoại giữa hàng triệu con người đang mệt mỏi, loay hoay đi tìm hạnh phúc với Bụt. Đọc hết trang cuối cùng, khép cuốn sách lại, ta bỗng giật mình ngộ ra: hạnh phúc là những điều bình dị ở trong ta, quanh ta mà ta không hề biết”.
9. “Cuốn sổ trắng” – Quốc Bảo
Cuốn sổ trắng được hình thành từ những ghi chép, bài viết của Quốc Bảo trong nhiều cuốn sổ bìa trắng, khổ bỏ túi. Trong phần đầu – “Tim tôi đập nhịp Sài Gòn”, nhạc sĩ kể lại những câu chuyện trong ký ức của mình, qua đó thể hiện tình yêu với thành phố. Người đọc có thể tìm thấy hình ảnh một thiếu niên với điếu thuốc lá đầu đời, một thanh niên với những hoài bão. Ở phần thứ hai – “Cơn mơ khô hạn”, tác giả viết về xúc cảm sáng tác những ca khúc như Em về tinh khôi, Còn hồng trên môi, Tình ca, Chờ em nơi thềm trăng... đồng thời chia sẻ ý tưởng nghệ thuật của anh. Ở phần cuối – “Suy nghiệm”, Quốc Bảo đưa ra các câu chuyện về thiền, về tâm linh và yoga. Tác giả ghi lại cuộc sống qua con mắt một người theo đạo Phật và vô thần.
10. “Tư duy và chia sẻ” - Tôn Nữ Thị Ninh
“Tư duy và chia sẻ” là tập hợp những bài viết của bà Tôn Nữ Thị Ninh trong quá trình hoạt động ngoại giao trước đây và ở cương vị một nhà hoạt động văn hóa, xã hội, giáo dục hiện tại; cũng như nhiều bài viết của các tác giả, nhà báo về bà.
Qua những suy nghĩ sắc sảo về các vấn đề thời cuộc, bà mong muốn đối thoại, chia sẻ với thế hệ trẻ, những người mang trọng trách làm chủ vận mệnh đất nước và trước tiên là làm chủ cuộc đời của chính họ. Cuốn sách là lựa chọn hàng đầu cho những người quan tâm lĩnh vực ngoại giao và xây dựng các mối quan hệ trong cuộc sống.
Lê Đức
Ảnh: Sưu Tầm
(Theo Congluan)
Nắm được các bài tập 4 nhóm cơ chính, đi tập gym không cần HLV