Trải lòng của người làm nghề nhặt rau nhút thuê

2016-05-05 11:05
- Một ngày mưu sinh của những người phụ nữ nhặt rau nhút thuê thường bắt đầu từ 6h sáng và kéo dài nhiều tiếng đồng hồ rất vất vả

Nhẫn nại sớm tinh mơ 

Dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh hướng về QL 1A, đoạn qua xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM), đã thấp thoáng những người phụ nữ đang cần mẫn mưu sinh. Dưới những hàng phượng vỹ, những chiếc nón lá chốc chốc lại nhấp nhô, những câu chuyện và tiếng cười hồn hậu, tất cả vẽ nên một bức tranh mộc mạc chân chất giữa một Sài Gòn tưởng như chỉ có những phồn hoa thị thành.

Chị Huỳnh Thị Thu (38 tuổi, ngụ xã Phong Phú, huyện Bình Chánh), đôi tay thoăn thoắt “múa” trên chậu rau nhút, vừa cho hay, mỗi ngày chị và những người phụ nữ nơi đây đã bắt tay vào công việc từ lúc 6h sáng, khi những chuyến xe tải chở hàng chục tấn rau từ các quận Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn... tìm đến.

Tùy vào số lượng rau nhiều hay ít, họ tập trung lại thành từng nhóm lớn hoặc nhỏ. Nhóm lớn từ 7 đến 10 người, nhóm nhỏ ít hơn từ 4 đến 6 người. Tư trang của mỗi người chỉ là một chiếc ghế con, hai thau nước sạch và một chiếc nón lá. Ngày nào họ cũng ngồi ở đoạn đường này nhặt rau thuê.

Công việc nhặt rau nhút nhìn qua có vẻ nhàn hạ bởi họ chỉ ngồi một chỗ, việc nhặt rau cũng không có gì nặng nhọc, nhưng những công đoạn của nó lại không kém phần tỉ mẩn.

Trải lòng của người làm nghề nhặt rau nhút thuê

Chị Thu lý giải, rau nhút sinh trưởng trên mặt nước nên rất sạch sẽ, tuy nhiên lại dễ bị rác, bèo hoặc lá cây bám vào. Những người nhặt rau phải kiên nhẫn loại bỏ chúng, đồng thời bóc bỏ phần phao trắng bao bọc lấy cọng rau. Thân rau rất giòn nên mọi tác động phải thật mềm mại khéo léo. Xong những công đoạn đó, người nhặt rau chỉ lựa chọn giữ lại những phần ngọn non, xanh mướt, số còn lại tập trung thành từng đống để làm phân bón hoặc đổ đi. Để rau giữ được màu sắc, hương vị tươi ngon và độ giòn, người nhặt vừa thoăn thoắt hái vừa cho vào thau nước sạch bên cạnh. Rửa hai nước, rồi cho vào từng bì đợi tiểu thương đến cân.

Nhiều lúc tiểu thương ở xa, những người phụ nữ nhặt rau vừa đóng vai là “thợ cửu vạn”, chở rau đến tận chợ giao cho khách. Công việc không khó nhưng mỗi ngày đều lặp đi lặp lại như thế, nên hầu hết chỉ những người phụ nữ cần cù, cẩn thận và chịu thương chịu khó mới có thể làm được.

Chị Lê Thị Kiều (42 tuổi) cho hay, rau nhút luôn được trồng quanh năm, nhưng vào mùa hè oi bức, rau được người dân ưa chuộng nhiều nhất, vì là loại rau có tác dụng giải nhiệt, mát gan và có thể chế biến thành nhiều món ngon như: canh chua, lẩu, gỏi... Để kịp cung ứng cho thị trường, nhiều khi chị phải “tăng ca” làm đêm hoặc thức dậy làm việc từ lúc 4h sáng.

Dưới ngọn đèn đường lập lòe không đủ ánh sáng, họ phải rọi đèn pin hoặc xách theo đèn điện để có thể làm được công việc. Buổi trưa, nắng như đổ lửa, họ phải nhanh chóng che bạt cho rau, bởi dưới cái nắng gay gắt rau sẽ héo queo, không thể nhặt được. Dù ngày nắng hay mưa, những người phụ nữ vẫn âm thầm ngồi đó, miệt mài với công việc. Một ngày quần quật làm việc như thế, mỗi người có thể nhặt được 40 - 60kg rau nhút thành phẩm. Cứ một kg rau, họ được trả công 3 nghìn đồng. Mỗi tháng, họ kiếm được khoảng hơn 4 triệu đồng.

Những mảnh đời

Đã hàng chục năm nay, nghề nhặt rau nhút thuê đã nuôi sống biết bao gia đình ở xã Phong Phú (huyện Bình Chánh). Cũng nhờ có nghề những người phụ nữ ở đây mới kiếm được đồng ra đồng vào, duy trì cuộc sống, đưa gia đình thoát khỏi cảnh cùng quẫn éo le.

Kể về cuộc đời lam lũ của mình, chị Thu mắt rưng rưng. Chị kể, vốn là con gái cả trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Trà Vinh. Năm 19 tuổi, chị một thân một mình lặn lội lên Sài Gòn tìm việc làm. Thời gian đầu chị đi ở đợ cho nhà người ta, rồi đi may, phụ bếp.

Thôn nữ miền Tây nhanh chóng có tình cảm với một chàng trai quê Nam Định, làm thợ hồ ở Hóc Môn. Họ dọn đến “góp gạo thổi cơm chung”, dù không đám cưới, không sính lễ nhưng xem nhau như vợ chồng. Khi đứa con được hơn hai tuổi, người chồng vốn chăm chỉ hiền lành chợt đổi tính rượu chè vũ phu, thường đòn roi dồn dập vào người chị.

Không chịu đựng nổi, chị ôm con quyết rời khỏi người chồng tệ bạc. Không việc làm, không nhà cửa lại nách con nhỏ, chị như rơi vào tuyệt vọng. May mắn thay chị được một người phụ nữ ngỏ lời: “Chị sống ở Bình Chánh, làm nghề nhặt rau nhút. Em có muốn đến chỗ chị cùng nhặt rau không? Chỗ chị người ta cần thợ nhặt rau lắm, hai mẹ con em không phải lo vất vưởng đói khát nữa”.

Chị Thu như người chết đuối vớ được cọc, liền gật đầu. “Từ đó tui đã nhặt rau nhút ở đây ngót ngét đã hơn 15 năm trời. Cũng nhờ nghề nhặt rau mà tui quen được anh (anh Lê Văn Hào, chồng sau chị Thu). Ảnh không chê bai, lại thương mẹ con tui lắm nên đưa về nhà ra mắt, làm đám cưới đường hoàng”, chị Thu kể.

Hàng ngày chị ngồi dưới gốc cây phượng cần mẫn nhặt rau, anh Hào từ nghề cơ khí chuyển sang chạy xe ba gác chở rau nhút thành phẩm đi phân phối ở những chợ đầu mối. Họ đã có thêm với nhau hai mặt con, chị Thu không khỏi cảm động: “Công việc tuy vất vả, cả ngày ngồi tê cứng cả lưng nhưng thuận vợ thuận chồng nên vợ chồng tui cũng đủ sức nuôi con ăn học, cất được một mái nhà nhỏ”.

Cùng một cảnh vì quá khó khăn mới phải tìm đến nghề này mưu sinh, bà Nguyễn Thị Lệ (52 tuổi, quê Vĩnh Long) luôn mang một nỗi buồn khi kể về gia đình. Chồng mất sớm vì bạo bệnh, để lại cho bà hai người con trai. Một mình bà thân cò lăn lội chèo chống con thuyền gia đình.

Bà làm thuê làm mướn đủ nghề để kiếm từng bữa cơm cho con. Những tưởng người con trai cả lớn lên có thể đỡ đần giúp mẹ nhưng mọi hi vọng của bà nhanh chóng vụt tắt. Người con trai cả không may bị tai nạn giao thông khiến thần trí trở nên dại khờ không thể làm được việc gì.

Ở quê nhà hiếm việc, bà gửi hai người con lại cho người em gái chăm sóc, rồi theo người bà con lên huyện Bình Chánh thuê phòng trọ, nhặt rau nhút kiếm tiền. Mỗi tháng bà đều gửi tiền về quê để lo cho các con.

Bà Lệ cho hay, hồi trước những người thợ nhặt rau nhút đều nhặt bằng tay không nên hàng ngày nhặt được rất nhiều. Nhưng mỗi đêm về mười đầu ngón tay lại sưng lên đau nhức. Rau nhút không có mủ như rau muống nhưng những ai nhặt rau lâu ngày những đầu móng tay cũng bị thâm sì, móng tay hư hỏng. Năm ngoái có bà Hà Thị Lan (56 tuổi) phải nghỉ làm để trở về quê ở Long An điều trị bệnh. Bà Lan đã nhặt rau hơn nửa đời người, nhưng do không bảo vệ tay nên mười móng tay đều bị mưng mủ rất đau đớn. Sau đợt đó mọi người đều ý thức tự trang bị găng tay cao su, tuy năng suất nhặt rau giảm sút nhưng bảo vệ được sức khỏe.

Theo Xa lộ pháp luật

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 item thời trang bạn nên đầu tư để mặc đẹp cả mùa hè